(KDTT) – Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề lớn, khó và hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới;…
Sáng 4/5, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác.
Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề lớn, khó và hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới;…
Để chuẩn bị những nội dung trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức khảo sát, làm việc, lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Các cơ quan chức năng cũng tiếp thu tối đa các ý kiến, chắt lọc, thống nhất để hoàn thiện các báo cáo, dự thảo, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Đáng chú ý, đất đai là vấn đề rất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, mọi người dân nên nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Việc tổng kết chính sách pháp luật về đất đai tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời giải quyết được các vấn đề có tính chất cụ thể, ngắn hạn trong từng giai đoạn, giải phóng tối đa, khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước.
Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực, cố gắng, dành nhiều thời gian nghiên cứu, tổng kết, đánh giá chính sách pháp luật về đất đai, phối hợp cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị xem xét, trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến, quyết định ban hành Nghị quyết mới của Trung ương tại Hội nghị lần này. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiến hành sửa Luật Đất đai, lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 10/5/2022.
Bạn đang đọc bài Khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com
Theo KDPT