Đề xuất cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đáo hạn

Tại văn bản gửi Thủ tướng của HoREA, Hiệp hội đánh giá Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã tác động rất tích cực làm tăng “niềm tin” cho thị trường và nhà đầu tư, đã cho thấy sự lắng nghe, thấu hiểu và hành động phản ứng chính sách kịp thời của Bộ Tài chính và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đây là cơ sở pháp lý mở đường cho việc thực hiện thỏa thuận đàm phán giữa doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu sắp đến hạn và nhà đầu tư trái phiếu (trái chủ) để cùng nhau tìm kiếm giải pháp tốt nhất.

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 08/2023/NĐ-CP chỉ quy định cơ chế thương lượng thỏa thuận giữa doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu sắp đến hạn và trái chủ (bao gồm cơ chế xử lý trường hợp không đạt được thỏa thuận với trái chủ) và đặc biệt là cơ chế hoán đổi trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, nên Hiệp hội nhận thấy rất cần thiết bổ sung thêm một số giải pháp về tín dụng và về chuyển nhượng dự án, đồng thời tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý.

HoREA cũng nhận thấy, thời điểm hiện nay thì khó khăn lớn nhất nổi lên lại là tình trạng doanh nghiệp thiếu dòng tiền, thiếu thanh khoản nghiêm trọng.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả Nghị định 08/2023/NĐ-CP và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và “trái chủ” trong tình hình hiện nay, HoREA xin có ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.

HoREA đề xuất một số giải pháp về tín dụng và chuyển nhượng dự án để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (Ảnh minh họa).

“Các doanh nghiệp bất động sản được vay với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành và ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ”, HoREA đề xuất.

Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các “trái chủ” thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

“Hiệp hội nhận thấy, nếu có cơ chế, chính sách này thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các “trái chủ”, HoREA nhấn mạnh.

Về việc giảm lãi suất, mặc dù Ngân hàng Nhà nước vừa giảm lãi suất điều hành, kéo theo xu thế các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động tiết kiệm và “giảm lãi suất cho vay một chút”, nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn cao.

“Do đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay thực chất hơn và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn”, HoREA kiến nghị.

Đồng thời, HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp được giãn tiến độ trả nợ theo chủ trương của nghị quyết số 33 của Chính phủ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản được vay tín dụng đối với dự án đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo nghị quyết 42/2017 của Quốc hội “về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, để các doanh nghiệp bất động sản được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) theo nhu cầu.