web analytics

Nhìn lại một năm ‘sôi động’ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước 19/01/2022

(KDTT) – Kết thúc năm 2021, nhóm Ngân hàng Thương mại (NHTM) dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu với tổng khối lượng phát hành 223.010 tỷ đồng. Đứng thứ hai là nhóm Bất động sản (BĐS) với tổng giá trị phát hành đạt 214.440 tỷ đồng, chiếm 36%.

Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2021, nhóm NHTM dẫn đầu về giá trị phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp TPDN. Trong đó, riêng tháng 12 là thời điểm phát hành nhiều nhất với tổng giá trị 46.926 tỷ đồng.

Theo dữ liệu công bố đến ngày 1/1/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), chỉ trong tháng 12, có tổng cộng 80 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 12 với tổng giá trị phát hành là 65.757 tỷ đồng.

Ngân hàng và Bất động sản là 2 nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 46.926 tỷ đồng và 9.538 tỷ đồng, chiếm 71,36% và 14,5% tổng giá trị phát hành của tháng.

Đáng chú là trường hợp của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với giá trị phát hành lớn nhất, đạt 9.970 tỷ đồng sau 6 đợt phát hành, lãi suất 2,4%/năm nhằm tăng vốn hoạt động. Xếp sau là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) với khối lượng phát hành 9.000 tỷ đồng, kỳ hạn dao động từ 3-7 năm.

Đối với nhóm ngành BĐS, trong tháng 12 một nhóm doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh – doanh nghiệp vừa đơn phương ‘bỏ cọ’ lô đất đã trúng đấu giá kỷ lục (2,45 tỷ đồng/m2) tại Thủ Thiêm đã dẫn đầu với giá trị phát hành lên đến hơn 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, là CTCP Đầu Tư Sun Valley (3.560 tỷ đồng) với trái phiếu kỳ hạn 4 năm, CTCP Bách Hưng Vương (2.980 tỷ đồng) với trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 1 năm và CTCP Wealth Power (2.880 tỷ đồng) với trái phiếu kỳ hạn 1 năm.

Nếu tính chung cả năm 2021, thị trường có tổng cộng 964 đợt phát hành TPDN trong nước. Trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570.000 tỷ đồng (chiếm 95,8% tổng giá trị phát hành), 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26.340 tỷ (chiếm 4,6% tổng giá trị phát hành) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1,425 tỷ USD.

Trong đó, nhóm NHTM dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành 223.010 tỷ đồng, có 55.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 25%), 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 – 4 năm.

Nhóm BĐS đứng ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành đạt 214.440 tỷ đồng, chiếm 36%. Trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm, bên cạnh đó có một vài DN có mức lãi suất phát hành chỉ ở mức khoảng 5-6%/năm. Kỳ hạn 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm với 142.389 tỷ đồng, chiếm 67,33%.

Nhóm BĐS chỉ xếp thứ 2 trong cuộc đua phát hành trái phiếu năm 2021.

Trước đó, tính đến tháng 11/2021 thì BĐS là nhóm có giá trị phát hành lớn nhất. Cụ thể, trong tháng 11, có tổng cộng 40 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 18.276 tỷ đồng và doanh nghiệp BĐS là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành trong tháng.

Tính lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, thị trường có tổng cộng 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, bao gồm 803 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 468.850 tỷ đồng; 23 đợt phát hành ra công chúng trị giá 26.340 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh nghiệp BĐS vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỷ đồng, lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5-13%/năm. Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 169.600 tỷ đồng, có 71% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 – 4 năm.

Nhiều đại gia bất động sản dồn dập phát hành trái phiếu

Công ty phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) là một trong những doanh nghiệp BĐS hoạt động khá sôi nổi trên thị trường TPDN trong năm 2021. Cụ thể, kết thúc năm 2021, Phát Đạt đã huy động tổng cộng 2.305 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Mục đích phát hành qua các đợt của PDR chủ yếu nhằm tài trợ vốn cho các dự án Phân khu 4, dự án Phân khu 2 và dự án Phân khu 9 thuộc khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định); dự án Trung tâm Thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương (Astral City Bình Dương) và dự án Hạ tầng Kỹ thuật Nội bộ khu I (TP Hồ Chí Minh).

Đợt phát hành trái phiếu gần nhất của Phát Đạt diễn ra vào ngày 16/12/2021 với giá trị 150 tỷ đồng.

Một cái tên khác cũng dồn dập huy động vốn qua kênh trái phiếu trong năm vừa qua là Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico (Sovico Group) – doanh nghiệp do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giữ chức chủ tịch HĐQT.

Theo thống kê của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2021, Sovico đã trải qua 5 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 6.000 tỷ đồng. Lần gần nhất diễn ra vào ngày 21/9/2021. Đây là lô trái phiếu với trị giá 1.000 tỷ đồng, được phát hành cho tổ chức đầu tư trong nước.

Hay như CTCP Bất động sản Dragon Village (chủ đầu tư dự án Khu đô thị Rose Valley, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng tại Mê Linh, Hà Nội) đã phát hành tổng cộng 4 lô trái phiếu, đều không có tài sản đảm bảo với tổng số vốn thu được là 2.000 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10/2021, doanh nghiệp này đã huy động 1.500 tỷ đồng để rót vào dự án Khu đô thị Rose Valley.

Bất động sản Dragon Village liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu cho dự án Rose Valley tại Mê Linh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Glexhomes phát hành 500 tỷ đồng TPDN, Tập đoàn Đất Xanh phát hành 370 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm bao gồm quyền mua lại trước hạn và bảo lãnh thanh toán. Các công ty như BCG Land, Helios, Vinaconex… cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Đặc biệt, nhiều công ty huy động được nguồn vốn lớn qua TPDN như: Công ty CP đầu tư Golden Hill với 5.760 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm với lãi suất 9,7%), Công ty CP BCG Land huy động 2.500 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm lãi suất thả nổi 11% với biên độ 4%).

Nhiều doanh nghiệp bị phạt vì phát hành trái phiếu ‘chui’

Việc thị trường TPDN tăng trưởng nóng cũng sẽ tiềm ẩn những dấu hiệu của việc không tuân thủ pháp luật trong quá trình phát hành.

Lấy đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt 600 triệu và buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán về hành vi vi phạm trong việc công bố thông tin khi chào bán trái phiếu.

Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group đã phát hành ra công chúng và các nhà đầu tư lô trái phiếu Happybond.H.20.25.001 với trị giá 8,1 tỉ đồng trong năm 2020  với giá trị 8,1 tỷ đồng và 16 lô trái phiếu khác trong đó có lô trái phiếu Abond.AG.H.21.24.001 với tổng giá trị 499.707 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 18/01 – 06/08/2021 thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định.

Thông báo về việc xử phạt hành chính đối với Apec Group về việc phát hành trái phiếu không đúng quy định được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngoài việc thu hồi chứng khoán đã chào bán; UBCKNN còn buộc Apec Group hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Tương tự như trường hợp của Apec Group, UBCKNN cũng ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup do chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho nhà đầu tư không xác định, nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban chứng khoán theo quy định. VsetGroup bị xử phạt hành chính 600 triệu đồng.

Theo quyết định xử phạt, VsetGroup cũng sẽ phải hoàn trả tiền mua trái phiếu cộng với lãi suất không kỳ hạn nếu nhận được đề nghị từ phía nhà đầu tư. Thời gian tối đa để gửi yêu cầu là 60 ngày kể từ ngày quyết định áp xử phạt hành chính có hiệu lực thi hành.

Ngoài Apec Group và VsetGroup thì Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) cũng bị phạt 250 triệu đồng do thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được cấp phép. Trong năm nay, công ty này đã cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa được Ủy ban chứng khoán cấp phép.

Nên thận trọng với trái phiếu phát hành từ doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết

Theo số liệu từ FiinGroup, trong 9 tháng năm 2021, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Hầu hết các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu, năng lực trả nợ vay rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1 lần trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần.

Cần phải lưu ý rằng, mức độ đòn bẩy tính tới hiện tại còn cao còn nữa, khi giá trị trái phiếu phát hành mới bởi các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết trong 9 tháng năm 2021 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng. Đây là con số tương đương 38% tổng tài sản của họ tại thời điểm cuối năm 2020, trong khi con số này với các doanh nghiệp đã niêm yết chỉ chiếm khoảng 4%.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết và tương quan với nợ vay. Nguồn: FiinGroup

Chia sẻ với những lo ngại về khả năng trả nợ của doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, trái phiếu của những doanh nghiệp này có nhiều rủi ro.

“Nếu doanh nghiệp niêm yết phát hành trái phiếu qua thị trường chứng khoán, báo cáo tài chính được kiểm toán, được ngân hàng đứng ra bảo lãnh phát hành thì sẽ giúp ghìm tỷ lệ phát hành trái phiếu trên vốn chủ sở hữu ở mức phù hợp. Đằng này, lãi suất có thể rất cao, doanh nghiệp chưa niêm yết có thể có báo cáo tài chính  nhưng báo cáo ấy không được kiểm toán, tỷ lệ phát hành trái phiếu cao hơn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu thì không rõ họ bảo lãnh như thế nào?

Giả sử tài sản của doanh nghiệp chưa niêm yết chỉ có 1 trong khi giá trị trái phiếu phát hành là 8, thử hỏi doanh nghiệp lấy gì để bảo lãnh cho phần còn lại? Cho nên, ở đây có thể nghi ngờ rằng doanh nghiệp chỉ bảo lãnh một phần giá trị của đợt phát hành mà thôi, trong khi đó, nếu doanh nghiệp đi vay ngân hàng thì chỉ được vay 70-80% giá trị tài sản bảo lãnh mà thôi. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp vay nợ ngân hàng thì số tiền vay sẽ được ngân hàng giải ngân dần theo tiến độ thực thi dự án, còn khi doanh nghiệp vay nợ thông qua phát hành trái phiếu, người mua trái phiếu không thể nắm được việc giải ngân như thế nào, doanh nghiệp sử dụng số tiền vay đó ra sao, hiệu quả  đến đâu cũng không thể biết được”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn được tăng thêm vốn, nhưng vay ngân hàng thì khó khăn, vì vậy, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu được khuyến khích. Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm không tương xứng với lượng vốn mà doanh nghiệp huy động, cũng không có bảo lãnh phát hành.

Trước những rủi ro tiềm ẩn từ các đợt phát hành trái TPDN, đặc biệt là hình thức phát hành riêng lẻ và không có tài sản đảm bảo, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công điện số 8857 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, Bộ Công an phải phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Bạn đang đọc bài Nhìn lại một năm ‘sôi động’ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước tại chuyên mục Bất động sản.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT