web analytics

Hoàn thiện chính sách – động lực phát triển kinh tế tập thể 14/12/2023

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức lạm phát toàn cầu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Kinh tế trong nước nói chung, kinh tế tập thể có nhiều biến động, tăng trưởng thấp; khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm ban hành và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển.

Hấp thụ tốt các chính sách hỗ trợ

Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Bộ, ngành về phát triển kinh tế tập thể, HTX và các chính sách phục hồi kinh tế trong đó có đối tượng thụ hưởng là HTX được thông qua, ban hành như Luật HTX được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV ngày 20.6.2023, Nghị quyết số 20-NQ/TW, là tiền đề cơ sở để phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Trong thời gian tới, Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2.2.2023 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18.7.2023 của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3.1.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 3.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX…

Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3.1.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030. Ảnh: ITN

Tính đến hết tháng 11.2023, 6/6 vùng, miền đều có HTX thành lập mới và 4/6 vùng, miền có số lượng thành lập mới tăng so với năm 2022. Cụ thể, trung du miền núi phía Bắc 652 HTX, đồng bằng sông Hồng 422 HTX, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 390 HTX, Tây Nguyên 259 HTX, Đông Nam bộ 174 HTX, đồng bằng sông Cửu Long 259 HTX. Điển hình, những vùng có số lượng lớn tổ hợp tác (THT) là Trung du miền núi phía Bắc 39.182 THT (32,39%); Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 27.437 THT (22,68%); đồng bằng sông Cửu Long 19.832 THT (16,39%).

Về liên hiệp HTX, đồng bằng sông Hồng 34 LHHTX, trung du miền núi phía bắc 28 liên hiệp HTX, đồng bằng sông Cửu Long 23 liên hiệp HTX; Hà Nội 22 liên hiệp HTX, TP. Hồ Chí Minh 12 liên hiệp HTX, Sơn La 6 liên hiệp HTX, Đắk Lắk 5 liên hiệp HTX.

Tỷ trọng lúa, gạo, hồ tiêu và rau quả do các HTX, liên hiệp HTX, THT và các thành viên sản xuất tại các vùng, miền chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước; tỷ trọng các nông sản khác và thủy sản chiếm 23-31%; tỷ trọng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa chiếm 29%; tỷ trọng doanh số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chiếm 29%; Sản lượng cây trồng tăng từ 1-2%, chăn nuôi tăng từ 7-14% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số văn bản chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có quy định cụ thể hơn với đối tượng thụ hưởng HTX. Một số bộ, ban, ngành ban hành nhiều văn bản về thuế, hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước, việc làm… Theo khảo sát của Liên minh HTX cấp tỉnh và ước đến cuối năm 2023; 61,1% tổng số HTX nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; 71,7% tổng số HTX và người lao động trong HTX được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; 22,1% tổng số HTX được giảm thuế giá trị gia tăng; 9,3% HTX nông nghiệp, vận tải, du lịch vay vốn tại ngân hàng thương mại; 237 HTX, liên hiệp HTX vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, thành phố để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh; 27,7% tổng số HTX nắm được thông tin và tiếp cận chính sách hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu năm 2024 có ít nhất 2.000 HTX được thành lập mới

Dự báo năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, có thể khó khăn hơn năm 2023; lạm phát duy trì ở mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia, làm suy giảm sản xuất nhiều ngành, lĩnh vực; đứt gãy nhiều chuỗi giá trị. Do đó, kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng sẽ chịu những thách thức, khó khăn từ cạnh tranh, bất ổn chính trị; biến động mạnh của giá cả; đòi hỏi cần tăng cường liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết các loại hình HTX trong tổ chức sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm ổn định và bền vững; đạt tiêu chuẩn và đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Năm 2024 cả nước đặt chỉ tiêu thành lập mới ít nhất 3.000 THT; 2.000 HTX, 15 liên hiệp HTX. Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Trong bối cảnh đó, nước ta đặt mục tiêu kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành, nghề, lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thu hút ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và thành thị tham gia HTX, THT; nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên; phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững, ổn định xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, năm 2024 cả nước đặt chỉ tiêu thành lập mới ít nhất 3.000 THT; 2000 HTX, 15 liên hiệp HTX; 60% HTX cả nước hoạt động hiệu quả; tăng 10% cán bộ quản lý HTX được đào tạo theo các chương trình, đạt tỷ lệ trên 70% tổng số cán bộ quản lý HTX; tổng số thành viên của HTX tăng từ 8% trở lên so với năm 2023; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt trung bình trên 4 triệu đồng/người/tháng. Phấn đấu hầu hết Liên minh HTX cấp tỉnh có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thành lập và hoạt động theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31.3.2021 của Chính phủ; Mỗi Liên minh HTX cấp tỉnh xây dựng 2-5 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương; 100% Liên minh HTX cấp tỉnh thực hiện cung cấp thông tin, các chỉ tiêu đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX và hoạt động của Liên minh HTX đúng thời hạn…

Để thực hiện được các mục tiêu Liên minh HTX Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp và đồng bộ. Cụ thể bao gồm, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội, người dân về kinh tế tập thể, HTX; triển khai tuyên truyền và đa dạng các hình thức tuyên truyền Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về kinh tế tập thể, HTX; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; tăng cường phối hợp, tương tác giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, triển khai hiệu quả chương trình, biên bản ghi nhớ đã ký kết; Huy động các nguồn lực thực hiện tư vấn, hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX và phát triển thành viên; phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị, chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả cho HTX, liên hiệp HTX, THT giai đoạn 2023-2025; tham gia thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình, nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể; tăng cường năng lực quản trị HTX.

Song hơn hết vẫn cần phát huy nội lực của các mô hình kinh tế tập thể, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ lợi ích của thành viên. Huy động các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác tham gia thành viên, nhất là địa bàn nông thôn. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực quản trị phù hợp với chức danh cán bộ của HTX; đào tạo nghề cho thành viên và người lao động gắn với các sản phẩm chính của HTX, liên hiệp HTX, THT. Đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tăng cường liên kết, hợp tác, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra trong nội bộ HTX, liên hiệp HTX.

Theo Tùng Lâm (Đại biểu Nhân dân)

daibieunhandan.vn