Tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho rằng, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, đây là những điều kiện thuận lợi để mở rộng cánh cửa thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời là cơ hội để thu hút đầu tư công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, thương mại điện tử là một xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để mở rộng giao thương, đưa sản phẩm đi xa hơn.

Toàn cảnh hội thảo.

Theo Báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, 14 tỷ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử, dự báo kinh tế Internet Việt Nam đã đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, trong đó thương mại điện tử chiếm tới 32 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương) dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng 20% trong thời gian tới. Năm 2022, Amazone bán 10 triệu sản phẩm, tăng 20% so với trước đó, và Alibaba cũng có mức tăng trưởng tương tự.

Tiềm năng và cơ hội phát triển giao thương qua thương mại điện tử khá rộng, tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi các doanh nghiệp vẫn được đánh giá là thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến; khó khăn trong việc tạo dựng được niềm tin với khách hàng; các quy định cần tuân thủ của các quốc gia nhập khẩu; việc doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc còn chưa chuẩn hoá về nội dung và hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu truy xuất; doanh nghiệp còn chưa thực sự tập trung vào chăm sóc, xây dựng các gian hàng chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử để tối ưu doanh thu và tiếp cận khách hàng…

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần năng cao năng lực và tích cực tham gia ứng dụng thương mại điện tử.

Qua sự kiện, các các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp cốt lõi nhất giúp doanh nghiệp Việt Nam triển khai hiệu quả các hoạt động xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, đồng thời, đưa ra một số yếu tố để việc “tìm kiếm khách hàng” trên thương mại điện tử được hiệu quả. Trong đó, tập trung vào một số xu hướng mới trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, hàng hoá khi xuất khẩu qua thương mại điện tử cũng cần phải có mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, thương hiệu sản phẩm…đây là những yếu tố gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường và gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp.

Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng qua kênh thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử như hạ tầng, nhân lực, khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và tích cực tham gia ứng dụng thương mại điện tử; chuẩn hoá thị trường, chuẩn hoá thông tin…

Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm tốt, có xuất xứ rõ ràng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất cũng cần đa dạng, hướng tới tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, nhất là thế hệ gen Z, vì đây chính là tệp khách hàng tiềm năng nhất của thương mại điện tử trong thời gian tới.