web analytics

Vừa thừa, vừa thiếu! 16/10/2018

(KDTT) – Đó là khẳng định của Hội đồng Dân tộc trong Báo cáo thẩm tra kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi trình trước UBTVQH tại Phiên họp thứ Hai mươi tám. Bên cạnh đó, nội dung chính sách còn chồng chéo, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng, dẫn đến một số vùng triển khai không hiệu quả, làm kéo giãn khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các vùng, miền khác.

Nhìn vào cái xấu để làm cho tốt

Sáng qua, tại Phiên họp thứ 28 của UBTVQH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH) vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 – 2018, theo đó Báo cáo được tách riêng thay vì lồng ghép trong Báo cáo về tình hình KT – XH như thường niên. Đây là cơ sở để UBTVQH, QH xem xét, thảo luận, đặt vấn đề phải làm gì cho cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới? Ở vùng đặc biệt khó khăn, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số có thể có những bước tiến chậm hơn, thấp hơn, nhưng không nên có khoảng cách quá xa so với những vùng, miền khác – Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Lâm Hiển)

Qua đánh giá của Chính phủ, hiện nay chúng ta có 118 chương trình, chính sách đang triển khai thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Sau quá trình đầu tư hỗ trợ phát triển toàn diện, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được các kết quả quan trọng. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao. Bình quân các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 8,4%, các tỉnh Tây Nguyên tăng 8,1%, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ tăng 7,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ nhưng chủ yếu vẫn là làm nông lâm nghiệp. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số từng bước hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển KT – XH từng vùng. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt… Đáng lưu ý, thành tựu, điểm nổi bật nhất mà Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ là an ninh – quốc phòng vùng dân tộc thiểu số được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khối đại đoàn kết được tăng cường, củng cố. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc vẫn giữ vững niềm tin với Đảng, với Nhà nước.

Tuy nhiên, với quan điểm của các Ủy viên UBTVQH là thẳng thắn nhìn vào yếu kém để làm cho tốt, trên cơ sở đánh giá một cách khách quan về chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thừa nhận, trong 15 chính sách dân tộc, chúng ta mới chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực xã hội như giáo dục, văn hóa, thông tin, thiếu vắng và chưa làm đậm nét các nội dung chính sách cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi liên quan đến vấn đề kinh tế, lao động, việc làm, phát triển hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân thộc thiểu số. Trong khi đây lại là những chính sách căn bản để giải quyết vấn đề nghèo và phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc.

Rà soát lại chính sách dân tộc thiểu số

Cũng theo Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, việc ban hành các chính sách còn mang tính ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ, thiếu tính chiến lược, có chính sách vừa ban hành đã hết thời hạn thực hiện. Chính sách manh mún, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo về nội dung, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng. Trên cùng địa bàn, cùng đối tượng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Các chính sách thường hỗ trợ, cho không, giải quyết tình thế, chưa tập trung đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng, chưa có chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Mục tiêu chính sách đề ra lớn nhưng thời gian và nguồn lực bố trí hạn chế, thường phải kéo dài thêm.

Chưa kể đến, con số thống kê 118 chính sách dân tộc là chưa chính xác do chưa thống nhất khái niệm, chưa làm rõ phạm vi, đối tượng tác động của chính sách. Kết quả phân tích cho thấy, trong số 54 chính sách dân tộc trực tiếp đang có hiệu lực, chỉ có 16 chính sách quy định cho vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; 18 chính sách quy định cho người dân tộc thiểu số, người công tác tại vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn; 9 chính sách quy định trực tiếp cho người dân tộc thiểu; 11 chính sách chung cho mọi đối tượng trong cả nước. Còn 64 chính sách chung là áp dụng cho toàn quốc, hoặc phạm vi vùng, rất nhiều chính sách không liên quan trực tiếp đến đối tượng dân tộc thiểu. Ví dụ như: Nghị định về khuyến nông, nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, nghị định về phát triển ngành nghề nông thôn, nghị định về quản lý, sử dụng đất lúa…

Xét ở góc độ tổng thể, so sánh tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi với tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH của cả nước rõ ràng có sự không đồng đều. Đơn cử, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số Ủy viên UBTVQH chỉ rõ, chúng ta đặt nguyên tắc ưu tiên phân bổ nguồn lực cho vùng khó khăn, nhưng vì sao ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ kết quả vẫn thấp hơn, nợ đọng xây dựng nông thôn mới vẫn rơi vào một số tỉnh thuộc khu vực đạt kết quả cao như đồng bằng sông Hồng? Rõ ràng chúng ta đã giảm nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng một vài tỉnh vẫn nợ đến vài trăm tỷ thì vẫn là một con số lớn.

Những vấn đề đặt ra, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thêm để giải trình trước Quốc hội nếu các ĐBQH đặt vấn đề tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây. Thống nhất với quan điểm này, một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi (giai đoạn 2016 – 2018) không phải chỉ là báo cáo cho qua, mà chúng ta phải trăn trở, tìm cách giải quyết, tháo gỡ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển bổ sung, lâu nay trong công tác dân tộc, miền núi, chúng ta luôn nhìn tổng thể, nhưng lần này chúng đi sâu vào vấn đề cụ thể hơn đó là chính sách cho dân tộc, miền núi. QH có thể sẽ cân nhắc, giao Chính phủ xây dựng Nghị quyết về Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi để trình QH thông qua. Trong đó, tập trung thu gọn, lồng ghép các chương trình, chính sách, bảo đảm tính hợp lý theo từng vùng, miền, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Anh Thảo
Theo daibieunhandan.vn