Số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản tăng cao

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% (so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng tới 30,4%.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hoàng Hải, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh.

Hiện nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Trước những khó khăn của thị trường, Chính phủ, Nhà nước đã ban hành nhiều quyết định quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn. Tuy vậy, theo đánh giá của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định của một số cán bộ tại một số địa phương. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều địa phương đã có những kết quả hết sức tích cực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP. HCM, gần 500 dự án đã được chỉ đạo và giải quyết tháo gỡ vướng mắc.

Cũng theo kết quả khảo sát của VARS chỉ ra, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, 50% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai; vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng với lần lượt 21%, 22% doanh nghiệp được khảo sát lựa chọn.

Số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng rõ nhất về việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Dữ liệu từ Khảo sát của VARS với các hội viên VARS là sàn giao dịch bất động sản cho thấy, có tới 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao. Số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt nhưng không nhiều.

Nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm nay, có tới 25% doanh nghiệp chỉ có thể trụ được tới hết quý 3/2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.

Bên cạnh đó, nhóm môi giới, sàn giao dịch cũng đang đối diện với những rủi ro không nhận được hoa hồng đúng hẹn. Các sàn giao dịch cũng có khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội,… do không có nguồn thu. Hay bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện… do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán.

Thị trường sẽ xuất hiện “chồi xanh” của sự phục hồi

Giới chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản chưa thực sự vượt qua khó khăn dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, vì độ trễ của chính sách tính bằng thời gian. Tuy vậy, giới chuyên gia cũng nhận định khả quan về thị trường khi độ ngấm chính sách sẽ phát huy hiệu quả vào cuối năm nay, nhất là chính sách liên quan đến giảm lãi suất, những chương trình hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách tài khóa tiền tệ.

Các chuyên gia lại cho rằng, thị trường bất động sản đã qua thời kỳ khó khăn nhất, nửa cuối năm nay, thị trường bất động sản sẽ phục hồi. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, đến thời điểm đó, độ ngấm chính sách sẽ phát huy hiệu quả, nhất là chính sách liên quan đến giảm lãi suất, những chương trình hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách tài khóa tiền tệ.

Thời gian này, đa số những vụ việc nợ trái phiếu đến hạn sẽ được đàm phán. Đặc biệt là thời điểm cuối năm, tất cả những dự thảo về Luật liên quan đến bất động sản sẽ được Quốc hội thông qua. Đồng thời, vào quý cuối năm, dự báo về đà phục hồi của kinh tế thế giới và Việt Nam rất rõ nét.

Cũng theo Arcadia Consulting Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đang bắt đầu chứng kiến những “chồi xanh” của sự phục hồi. Cụ thể, thị trường bất động sản vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhưng hiện tại đã có nhiều điểm sáng tạo động lực phục hồi trong thời gian tới. Những đợt chào bán căn hộ mới vẫn xuất hiện, phân khúc nhà phát triển trở nên rõ ràng hơn.

Thị trường bất động sản hiện nay đã khác. Nền tảng của thị trường là nhu cầu dài hạn bền vững và sự cân bằng hoàn hảo giữa nhân khẩu học, đô thị hóa và khả năng chi trả nhà ở của Việt Nam.

Thị trường nhà ở hiện tiếp tục ghi nhận tín hiệu hồi phục, một phần quan trọng nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ trong việc khôi phục niềm tin vào tất cả các bên liên quan. Sự hỗ trợ này thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm việc thực hiện đấu giá bắt buộc quyền phát triển dự án và tạo điều kiện đàm phán trực tiếp giữa chủ đất và nhà phát triển để giải phóng mặt bằng.

Thị trường bất động sản đang hoạt động theo chu kỳ: đóng băng, mở băng, đầu cơ, đóng băng, túng quẫn, mở băng. Khi giải quyết điểm nghẽn, niềm tin trở lại với các bộ phận cấp phép, phê duyệt nhanh hơn. Các nhà phát triển cũng tái cân bằng danh mục đầu tư, bán tài sản chiến lược để huy động tiền mặt. Các nhà phát triển cung cấp các điều khoản thanh toán tốt hơn cho khách hàng.

Theo KDPT