Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao thông Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch là một trong những dự án trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 08 của HĐND Thành phố.

Dự án là công trình cầu vượt thép có dạng chữ Y được đầu tư nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại ngã tư Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng – Đông Tác.

Giai đoạn trước mắt khi chưa giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Tôn Thất Tùng, UBND Thành phố quyết định đầu tư trước cầu vượt thép có dạng chữ C.

Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án.

Giai đoạn tiếp theo, khi tuyến đường Tôn Thất Tùng được mở rộng theo quy hoạch, sẽ hoàn thiện bổ sung thêm nhánh cầu trên đường Tôn Thất Tùng khớp nối với nhánh trên đường Phạm Ngọc Thạch tạo thành cầu vượt chữ Y hoàn chỉnh.

Cầu vượt thép được đầu tư nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại ngã tư Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng – Đông Tác, một trong những nút giao trung tâm của quận Đống Đa, nơi tập trung nhiều trường học, trung tâm thương mại, tòa nhà dịch vụ.. có mật độ đông đúc và sầm uất của Thành phố.

“Cầu vượt chữ C sẽ giúp giảm tải, nâng cao năng lực thông hành cho các phương tiện trong khu vực lân cận, là giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hình thành hạ tầng giao thông khung của Thành phố”, ông Tuấn nói.

Các phương tiện di chuyển trên cầu vượt, sáng 30/6.

Ông Nguyễn Chí Cường – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư các công trình giao thông Hà Nội cho biết, Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao thông Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch được triển khai thi công từ tháng 10/2021.

Cầu vượt kết cấu thép dài hơn 300 m, rộng 9 m, vốn đầu tư 147 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP Hà Nội. Cầu vượt kết cấu thép lắp ghép, trực thông dạng chữ C theo hướng từ Chùa Bộc đến Phạm Ngọc Thạch, tổ chức giao thông 2 chiều cho 2 làn xe hỗn hợp (ô tô và xe máy). Cầu có kết cấu dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, chiều cao 1,2m, rộng 9m.

Dự án do Liên danh Công ty CP tập đoàn Thành Long, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Công ty CP Xây dựng và dịch vụ kỹ thuật Việt Hưng thi công.

“Quá trình triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc do mặt bằng thi công chật hẹp, tổ chức giao thông phức tạp, phải thực hiện di chuyển nhiều hệ thống công trình ngầm nổi (hệ thống điện, thông tin, cấp nước). Nhà thầu vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại trong khi nút giao này thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng giao thông qua lại rất lớn.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Hà Nội, sự nỗ lực của các đơn vị thi công, sau 2 năm thi công chúng tôi đã hoàn thành dự án đúng tiến độ, an toàn, chất lượng và đảm bảo mỹ quan đô thị”, ông Cường thông tin.

Để vận hành hiệu quả cầu vượt, Sở GTVT TP.Hà Nội cũng đã có phương án phân luồng tổ chức giao thông ngay sau khi thông xe cầu vượt.

Theo đó, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi theo hai chiều trên cầu vượt theo hướng Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch và ngược lại.

Xe thô sơ và người đi bộ; xe ôtô tải, xe khách, xe buýt; các loại xe máy kéo, xe máy thi công chuyên dùng, các loại phương tiện có chiều cao quá 3,5m không được qua cầu vượt.

Khu vực nút giao Lương Định Của – Phạm Ngọc Thạch, cấm các phương tiện quay đầu trên đường Phạm Ngọc Thạch (theo hướng từ cầu vượt đến nút giao Lương Định Của); Cấm các phương tiện ôtô trên đường Phạm Ngọc Thạch (hướng từ Đào Duy Anh đi Chùa Bộc) rẽ trái vào phố Lương Định Của.

Các phương tiện ôtô từ Phạm Ngọc Thạch rẽ trái vào Lương Định Của đi theo các hướng: Phạm Ngọc Thạch – Đào Duy Anh – Hoàng Tích Trí – Lương Định Của hoặc Phạm Ngọc Thạch – Đông Tác – Lương Định Của hoặc quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Phạm Ngọc Thạch (gầm cầu vượt) đi Lương Định Của.

Điều chỉnh tổ chức giao thông ô tô một chiều trên tuyến đường Hoàng Tích Trí theo chiều và đoạn từ Đào Duy Anh đến Lương Định Của.

Theo KDPT