web analytics

Vì sao có những bộ sách giáo khoa giá “khủng”? 10/09/2020

(KDTT) – Nhiều phụ huynh không khỏi bức xúc về việc học sinh lớp 1 có đến 30 quyển sách, vở bài tập. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT thông báo có 8 cuốn sách giáo khoa (SGK) bắt buộc. Tại nhiều nơi, phụ huynh phải mua cả 30 cuốn cùng đồ dùng học tập với số tiền gần 1 triệu đồng.

Mặc dù đã có sự giải thích của Ban giám hiệu nhà trường về mức giá quá cao của một bộ SGK là bộ sách có cả SGK bắt buộc, bài tập, tham khảo. Phụ huynh muốn mua như thế nào thì đăng ký. Sách nào không mua thì phụ huynh được quyền trả lại. Tuy nhiên, từ năm học này trở đi, việc lựa chọn SGK thực sự rối tinh về giá khiến phụ huynh học sinh không khỏi đau đầu.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK lớp 1 có sự thay đổi. Bộ GD&ĐT quy định 8 đầu sách bắt buộc cùng một quyển Tiếng Anh gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên – xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật. Giá các bộ sách được NXB thông báo dưới 200.000 đồng. Ngoài các cuốn SGK chính thức, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Làm phép so sánh, SGK lớp 1 năm học 2019-2020 có giá 54.000 đồng/bộ (không gồm sách tham khảo). Giá SGK theo chương trình mới tăng đến 267%. Ngoài SGK môn học bắt buộc, các NXB cũng kê khai giá SGK Tiếng Anh (môn học tự chọn) theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ 45.000-99.000/cuốn. Thậm chí, bộ sách Tiếng Anh lớp 1 của NXB ĐH Sư phạm TP HCM (một trong 6 bộ tiếng Anh được Bộ GD&ĐT phê duyệt) có giá còn cao hơn một bộ SGK 9 môn của các NXB.

Giá SGK lớp 1 năm học này tăng khá nhiều. Ảnh: X.Thanh

Theo chương trình giáo dục hiện hành, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất xuất bản và phát hành SGK từ lớp 2 đến lớp 12. Theo chương trình mới, từ năm học 2020-2021, có thêm 3 NXB tham gia thị trường. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88), trong đó có nội dung “một chương trình, nhiều SGK”, năm 2019, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định và phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng cho năm học 2020-2021. Trong đó có 4 bộ SGK đến từ các đơn vị thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam. Một bộ là sản phẩm kết hợp của NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP HCM (bộ sách Cánh Diều).

Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học này, cả nước có khoảng 1,7 triệu học sinh vào lớp 1. Thị phần của bộ sách Cánh Diều, bộ sách duy nhất nằm ngoài NXB Giáo dục Việt Nam, chiếm khoảng 30%. Khoảng 70% còn lại thuộc về 4 bộ sách trực thuộc NXB Giáo dục Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết, việc triển khai Nghị quyết 88 đã có những ưu điểm như thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia. Vì được nhiều NXB tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh, không còn dư luận về độc quyền trong xuất bản SGK như trước đây. Được chọn bởi nhiều nhóm tác giả nên SGK có sự cạnh tranh về chất lượng, nội dung. Giáo viên, học sinh và phụ huynh có điều kiện chọn cho mình bộ SGK hay và phù hợp nhất để giảng dạy, học tập.

Tuy nhiên, hiện việc biên soạn, in ấn, phát hành và quyết định giá SGK thuộc về các NXB, đặc biệt trong bối cảnh thị trường SGK vẫn còn DN có vị trí thống lĩnh thị trường, các chi phí hình thành giá SGK do các NXB tự trang trải có thể dẫn tới việc tự định giá SGK ở mức cao so với nhu cầu xã hội. Việc triển khai SGK mới có mặt bằng giá cao hơn SGK cũ khoảng 2 lần (chưa tính yếu tố quy cách chất lượng khác như số lượng màu, chất lượng giấy in, số lượng cuốn sách…) đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở vùng khó khăn.

Vì thế, Nhà nước cần có giải pháp để điều tiết giá, đảm bảo công bằng giữa các NXB. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký văn bản gửi GĐ các Sở GD&ĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Sở yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Bộ GD&ĐT yêu cầu GĐ các Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị SGK theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021.

Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 7-7-2014 quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu sở tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các Sở GD&ĐT phải báo cáo về Bộ kết quả thực hiện các nội dung nêu trên trước ngày 20-9-2020.

XUÂN THANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: Nguồn link gốc: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-co-nhung-bo-sach-giao-khoa-gia-khung-209286.html