web analytics

Đêm rằm nhớ những trăng xưa… 13/09/2019

(KDTT) – Nếu một sáng tỉnh dậy, ta không còn thấy râm ran những đọt nắng oi ả, mà thang thảng chút gió hơi may se lạnh, nồng nàn miên man hương hoa sữa, thì chắc hẳn, nàng thu dịu nhẹ đã về trước ô cửa sổ bâng khuâng. Đâu đó, có kẻ cả nghĩ sẽ ngậm ngùi nhâm nhi trong tiềm thức, dư vị của bánh nướng, bánh dẻo, chênh chao mùi cốm mới quê nhà… Cuối góc trời dâu bể, một người con lưu lạc lại da diết cố hương, rưng rưng miền nhớ. Trung thu nay, giữa cuộc sống hối hả xô bồ, trăng rằm vẫn vằng vặc, tiếng trống vẫn thì thùng, nhưng đêm đoàn viên liệu còn bao điều đã cũ?

Những ngày này, người dân Thủ đô thường đổ về con phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), để cảm nhận rõ nhất, hòa mình với không khí của ngày rằm tháng tám. Con phố như thay màu áo mới, sặc sỡ và đa dạng hình thức hơn. Hàng Mã của một Trung thu hiện đại!

Dạo qua những gian hàng trải dài, là la liệt đồ chơi Trung Quốc bày bán, với vô vàn kiểu dáng mới lạ. Đèn lồng hình công chúa, búp bê,… không chỉ có nhạc, chúng còn được gắn thêm phụ kiện ánh sáng lấp lánh, rất bắt mắt; cả mặt nạ siêu nhân, vòng đội đầu, bóng bay… được trang trí lòe loẹt, đủ màu sắc. Những vật phẩm, hầu hết hàng “made in China”, dường như đang “thống lĩnh” cả dãy phố, mời gọi sự tò mò của những đứa trẻ quanh năm chỉ biết cắm đầu vào học, hay gần gũi các trò chơi điện tử.

Những món đồ chơi hiện đại đầy màu sắc được bán tràn lan

Ngày nay, các em nhỏ không cần ngồi tỉ mẩn, say mê cùng ông bà, cha mẹ tự tay làm những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, bởi tất cả đều có sẵn. Giá trị hiện đại đem đến sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức; nhưng với những người ưa hoài cổ, đã đi qua bao điều xưa cũ, thì Trung thu nay đã mai một dần, đã thiếu những tầng sâu văn hóa, nó ẩn chứa trong từng nụ cười ngây ngô, an nhiên dung dị của bao thế hệ tuổi thơ Việt.

Các bạn nhỏ thường thích thú với những món đồ chơi mới

Chắc hẳn, những người đang làm cha, làm mẹ, đều từng nhấm nháp cảm giác háo một mùa Trung thu, với chị Hằng chú Cuội xa xưa, được cùng tụi bạn tập nghi thức, rồi rồng rắn dung dăng dung dẻ dưới ngờm ngợp ánh trăng, xóm làng rộn rã, đèn rước lung linh dọc cánh đồng, bờ ao hợp tác. Tôi là một kẻ hậu sinh, nhưng mỗi lần nghe ba kể, lại thèm lắm, nhớ lắm, cảm giác chân chất yên bình ấy. Cũng mong lạc vào thế giới cổ tích nao nao xa vắng, được ngồi mê mải tự tay làm từng món đồ chơi ngộ nghĩnh, mặc cho mực vẽ dính đầy lên tay, lên mặt, rồi ngoác miệng cười vang cả góc phố. Những món đồ chơi đó, chẳng chiếc nào giống chiếc nào, cũng chẳng thể phát nhạc hay biết nhảy múa, song lại đem đến một nét văn hóa truyền thống, là “đứa con tinh thần” mà những bàn tay bé nhỏ, vụng dại dành tặng, bằng công sức và tình yêu của cả đoản khúc thiếu thời hồn nhiên khờ khạo.

Không phải bất cứ ai đến Hàng Mã cũng đều chọn mua đồ chơi hiện đại theo sở thích và thú vui con trẻ, có người vẫn muốn tặng con mình những món đồ chơi dân gian, như một cách để bồi dưỡng tâm hồn, nhắn nhủ với chúng về văn hóa truyền thống, rằng đồ chơi nước mình cũng rất đẹp, độc đáo và có bản sắc riêng. Gặp chị Nguyễn Xuân Lan (38 tuổi, quận Hai Bà Trưng) khi đang chọn cho cô con gái bé nhỏ chiếc đèn ông sao xinh xắn, chị chia sẻ: “Mình vẫn muốn hướng và giúp các con tìm hiểu về đồ chơi truyền thống. Nhiều thứ đẹp, mới lạ, con rất thích, nhưng mình nghĩ, Trung thu thì phải là đèn ông sao, đèn cá chép, chị Hằng, đèn lồng, vậy mới đúng là Trung thu của người Việt”.

Chị Lan đang chọn cho cô con gái nhỏ chiếc đèn ông sao

…Len lỏi giữa muôn vàn tiếng nhạc hỗn tạp phát ra từ những món đồ chơi mới lạ, thi thoảng, tôi lại bắt gặp phong thanh mộc mạc, giản dị của trống da, trống hành quân; bên hàng dài vương miện, vòng đội đầu lấp lánh, vẫn nằm đó những chiếc mặt nạ chú tễu, 12 con giáp được xếp ngay ngắn… như níu kéo, gìn giữ, bồi tụ những điều đang thiếu. Và giữa vòng xoáy hiện đại, bên cạnh những người mải mê chạy theo lợi nhuận chỉ bán đồ chơi mới, vẫn có người ưu tiên mặt hàng truyền thống, lựa chọn chúng là sản phẩm chính cho gian hàng của mình.

Một trong số những gian hàng vẫn bày bán đồ chơi truyền thống

Trò chuyện với tôi, chị Trần Minh Trang, một người bán hàng lâu năm ở Hàng Mã, vừa cẩn thận lau từng chiếc trống da, tâm sự: “Mấy năm gần đây, hàng Trung Quốc vì đẹp hơn, nên các cháu thích lắm. Nhưng với tôi, truyền thống vẫn là những giá trị đẹp nhất. Năm nay, tôi vẫn nhập nhiều đèn ông sao, đầu sư tử và trống da; đặc biệt là 1.000 chiếc đèn ông sao đủ kích cỡ, tôi mới nhập. Dù là hành động nhỏ, nhưng tôi muốn góp phần gìn giữ nét văn hóa của Việt Nam, để những giá trị ấy luôn tồn tại”.

Chị Trần Minh Trang – Người bán hàng trên phố Hàng Mã

Những ngày này, có một điều đặc biệt trên con phố bày bán đồ chơi cho trẻ nhỏ. Nhiều bạn trẻ, thanh niên, tuy đã lớn nhưng vẫn thích thú và say sưa với đồ chơi truyền thống, như để tìm lại “tấm vé khứ hồi” trở về tuổi thơ. Nhìn cách họ ngắm nghía, nâng niu chiếc đèn ông sao, rồi chợt nở nụ cười ấm áp, bỗng cho ta cảm giác an lòng, rằng đồ chơi truyền thống vẫn mang trong mình sức sống riêng, mãnh liệt, ngấm sâu vào từng trái tim, từng ký ức và từng mảnh đời mỗi con người.

Người ta bảo trăng rằm không tròn bằng trăng 16. Cái vòng tuần hoàn vũ trụ trên dải đất hình chữ S là vậy. Với tôi, thế mới trọn vẹn Trung thu. Một đêm rằm của núi non Trường Sơn ngàn năm mây trắng, nhọc nhằn mà kiêu hãnh ghánh cả giang sơn, từ chót vót cột cờ Lũng Cú, qua Sa Vỹ địa đầu Móng Cái tới mũi Cà Mau. Dù khốn dù khó, vẫn bất khuất đi hết hành trình bất biến và bất tận. Ngẫm để hiểu, để thế hệ trẻ hôm nay thêm yêu quê hương, gắn bó truyền thống, từ những cá thể văn hóa đơn sơ, từ những điều nhỏ nhất. Trăng cũng như đời người, chưa tròn sẽ còn viên mãn; một đêm đoàn viên đong tràn dư vị, dân dã mà tỏ tường, trong sáng mà mờ ảo, đầy đặn mà khiếm khuyết. Vẫn sẽ luôn ở đó, ký ức của ông bà, cha mẹ tôi, những chiếc đèn giấy, chú tò he ngộ nghĩnh, bởi đó là linh hồn, giá trị vĩnh cửu chẳng thể phai mờ. Và mỗi độ Tết Trung thu về, trong câu chuyện của họ, tôi lại tận hưởng cảm xúc của nắng vàng xao nhẹ, với những cọng gió mồ côi, những món đồ chơi thôn quê méo mó hình thù, nhưng chỉ nhìn vào mắt bọn trẻ, cũng thấy, đó là thứ mê ly, diễm tuyệt nhất trên thế gian này.

Theo KDPT