web analytics

Gian nan cuộc chiến chống hàng giả 14/05/2020

(KDTT) – Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vốn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trước vấn nạn này, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt tập trung triển khai các chuyên đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Kết quả, hàng nghìn vụ vi phạm bị xử lý; thu nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí rất nhiều vụ việc đã được chuyển tới cơ quan an ninh điều tra đề nghị truy tố trước pháp luật.

Bài 1: Mã vạch – “Chiếc phao chìm” của người tiêu dùng

Trong khi người tiêu dùng vẫn lầm tưởng mã vạch là cơ sở để nhận biết được hàng thật, thì trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều mã vạch giả được sản xuất vô cùng tinh vi. Chiếc phao cứu sinh không còn, doanh nghiệp thì lơ là, người mua dường như đang tự bơi giữa “biển nước” hàng giả bủa vây.

Doanh nghiệp đau đầu, người tiêu dùng mơ hồ

Hiện nay, nhu cầu mua sắm của người dân thông qua các kênh trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook ngày càng cao khiến cho việc kiểm soát, phát hiện vi phạm trên môi trường mạng cũng gặp nhiều khó khăn.

Người dân băn khoăn trong việc tìm mua sản phẩm chất lượng tốt.

Bên cạnh một số hành vi thường thấy của các đối tượng lừa đảo như “treo đầu dê bán thịt chó”, hàng giao đến khách không đúng mẫu mã, chất lượng… thì nhận thức của công chúng và của chủ thể quyền về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn hạn chế, chưa chủ động bảo vệ quyền và tài sản của mình.

Chẳng hạn, tiến hành khảo sát tại một số tiệm tạp hóa và các siêu thị lớn cho thấy, người tiêu dùng còn khá mơ hồ trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả. Phần lớn số người được hỏi về thói quen mua sắm đều có chung một câu trả lời là: “Mua hàng vì nghe theo quảng cáo”, “vì thấy mẫu mã đẹp và giá thành phù hợp”…

Còn đối với các doanh nghiệp – chủ thể chính của các thương hiệu sản phẩm, thậm chí còn lơ là hơn trong việc bảo vệ chính mình. Phần lớn trên các sản phẩm của mọi doanh nghiệp chỉ thể hiện thông số mã vạch sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật, ngoài ra không có bất cứ một dấu hiệu nào để giúp khách hàng có thể nhận biết đây là sản phẩm chính hãng.

Mã vạch là hàng thật?

Hiện nay, để thuận tiện cho việc quản lý, kiểm soát và lưu thông hàng hóa trên thị trường, mỗi sản phẩm đều bắt buộc phải có mã số mã vạch in trên bao bì sản phẩm.

Mã vạch (Barcode): Là hình ảnh tập hợp ký hiệu các vạch (đậm, nhạt, dài, ngắn) thành nhóm vạch và định dạng khác nhau để các máy đọc gắn đầu Laser (như máy quét Scanner) nhận và đọc được các ký hiệu đó. Bằng công nghệ thông tin, các mã vạch này được chuyển hóa và lưu trữ vào ngân hàng Server. Trên mã vạch thể hiện rõ các yếu tố như: quốc gia, ngành hàng, mã sản phẩm đăng ký của doanh nghiệp… Tại Việt Nam việc quản lý mã số, mã vạch được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Tổng cục Đo lường chất lượng và một số cơ quan hữu quan khác cấp phép, quản lý.

Cấu trúc của một mã vạch trên sản phẩm.

Song, mã vạch không phải là dấu hiệu để phân biệt được hàng thật, hàng giả mà chỉ giúp người mua hàng biết được nguồn gốc của các sản phẩm sản xuất hay hỗ trợ công tác kiểm soát, quản lý kho, tính tiền. Hơn nữa, thời gian qua trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều mã vạch giả được sản xuất vô cùng tinh vi, rất khó phân biệt qua những cách thông thường.

Mã vạch thể hiện trên một sản phẩm.

Để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cũng như bảo vệ khách hàng của mình tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì các doanh nghiệp, nhà sản xuất nên nhanh chóng tìm và áp dụng giải pháp chống hàng giả hiệu quả. Trong đó, sử dụng công nghệ chống hàng giả trên mỗi sản phẩm đang là một phương thức được rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đầu tư.

Như ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia từng nói: “Các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cần đầu tư công nghệ, bảo vệ chính thương hiệu, sản phẩm của mình bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, có những dấu hiệu nhận biết để giúp cơ quan quản lý nhà nước, người dân có thể phát hiện sản phẩm mà nghi ngờ dấu hiệu làm giả”.

Bài 2: Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để bảo vệ chính mình 

Theo KDPT