Mới đây, tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường đã có tham luận về “Kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên”. Kinh doanh và Phát triển trích đăng tham luận của PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh.

Kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nhìn nhận vào vùng Tây Nguyên

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 “phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, nội dung kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trong Chiến lược này ở mục tiêu cụ thể, nội dung “Xanh hóa các ngành kinh tế” là “ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”. Từ mục tiêu cụ thể này, nhìn nhận vào vùng Tây Nguyên để định hình rõ những ngành nào cần triển khai ngay mô hình kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 cụ thể cho ba nhóm ngành lớn như sau.

Ngành công nghiệp và xây dựng: Công nghiệp và xây dựng ở Tây Nguyên so với các vùng khác, nhất là Đông Nam Bộ và duyên Hải miền Trung chưa phát triển, tuy nhiên một số ngành nổi lên đứng đầu cả nước như khai thác và chế biến Bô xit ở Lâm Đồng và Đắc Nông, ngành này nếu thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ có nhiều ưu thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao và điều kiện kỹ thuật cho phép. Ngành công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng cũng có nhiều điều kiện để chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Ngành công nghiệp chế biến nông sản ở Tây nguyên cũng có nhiều cơ hội để chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Với thời gian từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nếu thực hiện được 3 nhóm ngành trên trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở vùng Tây Nguyên đối với công nghiệp và xây dựng là sự nỗ lực lớn.

Ngành nông nghiệp: Nông nghiệp ở Tây Nguyên cũng có những đặc trưng và khác biệt so với các ngành khác. Đối với trồng trọt có thế mạnh về các loại cây công nghiệp dài ngày cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu; cây ăn quả như sầu riêng, cây bơ và một số loại cây khác. Đối với chăn nuôi có thế mạnh chăn nuôi đại gia súc như bò sữa. Việc thu hoạch chế biến nông sản nếu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ có nhiều ưu thế, đạt hiệu quả kinh tế cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay chăn nuôi bò sữa của công ty Vinamilk ở Lâm Đồng đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, từ mô hình này có thể nhân rộng ra các mô hình chăn nuôi khác kế cả chăn nuôi gia súc và gia cầm. Như vậy áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đối với chiến lược tăng trưởng xanh của vùng Tây Nguyên đến năm 2030 cho trồng trọt và chế biến sản phẩm cây công nghiệp dài ngày như cao su, hạt điều, cà phê hoàn toán có tính khả thi. Trong chăn nuôi, từ mô hình chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng, rút ra các bài học kinh nghiệm và nhân rộng ra cho các ngành chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nhất là các khu vực chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Ngành dịch vụ: Dịch vụ ở Tây Nguyên đang trong quá trình phát triển, nhất là dịch vụ du lịch khách sạn nhà hàng, dịch vụ thu gom và xử lý chất thải, những ngành dịch vụ này có điều kiện để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030.

Ngoài ba nhóm ngành đã nêu với những ngành, lĩnh vực có khả năng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ ở Tây Nguyên đến năm 2030, các mô hình kinh tế tuần hoàn khác cũng sẽ được xây dựng và phát triển ở Tây Nguyên có tính tổng hợp. Đối với khu vực nông thôn, miền núi cũng có khả năng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên cơ sở các mô hình đã và đang tồn tại như vườn ao chuồng – VAC, vườn rừng ao chuồng – VRAC. Các khu công nghiệp chuyển dần sang mô hình khu công nghiệp tuần hoàn, đối với các khu công nghiệp bắt đầu hình thành, ngay từ khâu thiết kế cần thiết kế theo mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên cơ sở mục tiêu đề ra của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đến năm 2030.

Trải nghiệm du lịch rất khác biệt ở Tây Nguyên mà không vùng nào có

Đề xuất giải pháp cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Tây Nguyên

Để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên, trên cơ sở nhiệm vụ cụ thể đã đề ra đối với “xanh hóa các ngành kinh tế”, những giải pháp đưa ra cần bám vào những nội dung kinh tế tuần hoàn đã đề ra chiến lược theo quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 “phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Những nội dung liên quan như sau.

Những giải pháp liên quan đến các Bộ, ngành về triển khai kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên

Liên quan đến nội dung kinh “kinh tế tuần hoàn” giao cho các Bộ ngành trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh bao gồm các Bộ ngành sau:

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Hoàn thiện thể chế chính sách về khu công nghiệp sinh thái, tăng cường áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế”. Như vậy có nghĩa trên cơ sở đã có quy định về khu công nghiệp sinh thái, Bộ kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế dựa trên nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và hướng đến các khu kinh tế, khu công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, khi đó đối với khu công nghiệp, khu kinh tế ở Tây Nguyên sẽ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên hiện nay, Chính phủ đã có quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng về “Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên có thể căn cứ vào đề án này để triển khai các nội dung kinh tế tuần hoàn trên địa phương mình. Những khu công nghiệp như khai thác và chế biến Bô xít ở Lâm Đồng, Đăk Nông và các khu công nghiệp chế biến nông sản hoàn toàn có thể chuyển sang áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn ngay.

Đối với Bộ Công Thương “Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp”. Như vậy đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên sẽ phải áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn theo giám sát, quản lý của Bộ Công thương.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hiện nay Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đang thực hiện quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong Chiến lược này nội dung kinh tế tuần hoàn cũng đã được đề cập do vậy đối với vùng Tây Nguyên cần phải triển khai tốt những nội dung kinh tế tuần hoàn đã được Thủ tướng phê duyệt. Liên quan đến Quyết định số 687/QĐ-TTg đối với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm có những nội dung sau.

Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển nông thôn. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp.

Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án áp dụng KTTH trong phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, vật tư đầu vào nhằm giảm suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân, các tổ chức, từng hộ nông dân vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn; Các mô hình tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, thủy hải sản).

Tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, KTTH trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nghiên cứu đề xuất triển khai chương trình mỗi xã nông thôn mới một mô hình KTTH (viết tắt là OCOC)”.

Như vậy trong đề ban hành của Thủ tướng chính phủ để tổ chức thực hiện, giao cho Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn có bốn nội dung chính, trong đó đáng chú ý ngoài việc thiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đối với mỗi xã nông thôn mới phải nghiên cứu triển khai một mô hình KTTH được định dạng là OCOC. Việc triển khai này cần được thể hiện cụ thể ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài 3 Bộ chính liên quan trực tiếp tới quy định triển khai nội dung kinh tế tuần hoàn trong Chiến lượng tăng trưởng xanh Quốc gia, các Bộ ngành khác theo chức năng nhiệm vụ của mình cũng đã và đang thực hiện các nội dung kinh tế tuần hoàn ở Bộ ngành mình góp phần thực hiện tốt hơn nội dung kinh tế tuần hoàn cho chiến lược Quốc gia nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Hiện nay Bộ tài nguyên và môi trường đang được Chính phủ giao xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn để trình Chính Phủ ban hành vào tháng 12/2023, do vậy các địa phương ở Tây Nguyên nên có những đề xuất và góp ý vào bản kế hoạch hành động này phù hợp với đặc thù của các địa phương vùng tây nguyên cho quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên.

Những giải pháp liên quan đến các địa phương trong vùng Tây Nguyên thực hiện Kinh tế tuần hoàn đối với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trong Chiến lược tăng trưởng xanh Quốc gia không có nội dung riêng giải pháp cho các địa phương thực hiện kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên có nội dung “huy động sự tham gia của các bên liên quan” trong đó có các địa phương, điều này có nghĩa đối với các địa phương trong cả nước nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng cùng phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành, một số giải pháp sau cần phải thực hiện ở Tây Nguyên.

Thứ nhất, hiện nay về cơ chế chính sách cho thực hiện kinh tế tuần hoàn nói chung và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nói riêng, đặc biệt những nội dung mang tính đặc thù của vùng Tây Nguyên cần có sự tham vấn của các địa phương trong vùng, do vậy khi được lấy ý kiến và tham vấn, các địa phương trong vùng cần nghiên cứu và đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp với vùng Tây Nguyên để tiếp tục hoàn thiện trong việc triển khai thực hiện.

Thứ hai, hiện nay các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đang xây dựng quy hoạch tỉnh thời ký 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh Quốc gia và đề án kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Do vậy nội dung kinh tế tuần hoàn phải là một trong những nội dung cơ bản phải được đưa vào trong quy hoạch của các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên.

Thứ ba, trên cơ sở quy định nội dung kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược tăng trưởng xanh, các địa phương của vùng Tây Nguyên cần rà soát đánh giá thực trạng phát triển các nội dung đó ở địa phương mình, nhất là đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp về các hoạt động sản xuất và chế biến trên địa bàn để có một sự nhìn nhận đầy đủ thực trạng áp dụng mô hình kinh tế tình hoàn trong nông nghiệp và nông thôn ở mức độ nào làm căn cứ cho đề xuất triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và nông thôn thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Thứ tư, đối với những mô hình kinh tế tuần hoàn đã triển khai hiệu quả như mô hình chăn nuôi bò sửa, mô hình sản xuất, mô hình chế biến nông sản và các mô hình khác cần được đúc rút kinh nghiệm, làm mô hình mẫu để triển khai nhân rộng trên địa bàn cả vùng Tây Nguyên có điều kiện tương tự.

Thứ năm, những mô hình mới có lợi thế như khai thác và chế biến Bô Xít, trồng và chế biến nông sản như hạt điều, cà phê, cao su.., cần triển khai áp dụng ngay mô hình kinh tế tuần hoàn từ nay đến năm 2030 và sẽ mang lại hiệu quả cao.

Thứ sáu, nhận thức của chính quyền địa phương các cấp, người dân và đặc biệt là chủ các doanh nghiệp đối với mô hình Kinh tế tuần hoàn cho thực hiện tăng trưởng xanh trong vùng Tây Nguyên. Kinh nghiệm cho thấy nếu có sự nhận thức tốt, nhất là chủ doanh nghiệp và người dân thì việc triển khai mô hình KTTH sẽ thuân lợi, thực chất mang lại hiệu quả kinh tế tốt cho các đối tượng này.

Thứ bảy, nguồn lực thực hiện các mô hình KTTH trong Chiến lược tăng trưởng xanh của vùng Tây Nguyên. Trên cơ sở giải pháp về nguồn lực trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và nhất là đề án KTTH của Chính phủ, các địa phương của vùng Tây Nguyên cần triển khai cụ thể trên địa bàn của địa phương mình. Đặc biệt cần hết sức chú trọng tới việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho thực hiện mô hình KTTH sẽ mang lại hiệu quả cao.

Thực hiện KTTH trong chiến lược Quốc gia tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Tây Nguyên có một vai trò hết sức quan trọng, vì Tây Nguyên được ví như mái nhà của Đông Dương, đối với Việt nam vùng này có mối quan hệ chặt chẽ với vùng ven biển miền Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ. Muốn vậy cần phải hiểu rõ bản chất của kinh tế tuần hoàn và những nội dung KTTH trong Chiến lược tăng trưởng xanh để từ đó có những giải pháp phù hợp cho vùng Tây nguyên triển khai các mô hình KTTH trong các địa phương, trong các ngành, lĩnh vực của vùng này.

PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh
Nguyên Viện trưởng
Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường

Theo KDPT