Chiều 14/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết 2023”.

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chuyên đề giám sát lần này có phạm vi rộng, tác động lớn và phục vụ cho đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bố trí các nguồn lực giai đoạn tới, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thời điểm tiến hành giám sát vào giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ đánh giá giữa kỳ việc thực hiện nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng. Do vậy, dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết cần bổ sung yêu cầu tích cực, chủ động đổi mới cách thức, phương pháp triển khai giám sát theo tinh thần đổi mới của Quốc hội; bảo đảm tính kế thừa các báo cáo kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan.

Để thực hiện hiệu quả việc giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn yêu cầu Đoàn giám sát bám sát chủ trương của Đảng, các quy định của Luật, Nghị quyết số 43 và các nghị quyết có liên quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn giám sát chủ động trong tổ chức triển khai hoạt động giám sát, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và đúng tiến độ đã đề ra; phân công, phối hợp, triển khai thực hiện khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo.

Về chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, thời kỳ trước và sau có liên quan, đại biểu cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 43 của Quốc hội được ban hành và triển khai thực hiện là một dấu ấn đột phá, chưa có tiền lệ, góp phần rất quan trọng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh, doanh của các thành phần kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới về phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch COVID-19.

Về giám sát chuyên đề Quốc hội năm 2024, trong 4 chuyên đề, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 2 chuyên đề, là chuyên đề 1 và chuyên đề 4 với lý do sau:

Với chuyên đề 1, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội với mục tiêu đề ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả để nâng cao năng lực phòng, chống COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và được thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 43 với Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2024. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm quốc gia có liên quan cần phải giám sát để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm đưa vào khai thác, sử dụng để góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, việc chọn chuyên đề này Quốc hội giám sát tối cao là phù hợp với thực tiễn.

Với chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ 2015 đến hết 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Là chuyên đề hết sức quan trọng và được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và đóng băng trong mấy năm vừa qua cần phải có giải pháp để tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang vướng mắc nhiều cơ chế, chính sách cần phải được tháo gỡ, nhất là những vướng mắc về thể chế. Vì vậy, việc Quốc hội giám sát để tháo gỡ những nội dung trên cho lĩnh vực bất động sản và nhà ở xã hội là rất cần thiết.

Tham gia thảo luận về việc chọn lựa chuyên đề giám sát cho Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng đây là những vấn đề rất bức xúc mà Tổng Thư ký đã tổng hợp từ những đề xuất của các địa phương và các cơ quan của Quốc hội. 4 chuyên đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem lại thời gian tổ chức giám sát của từng chuyên đề. Bởi vì, có chuyên đề thời gian giám sát rất dài, từ năm 2009, từ khóa XII, XIII, XIV, XV, tức là kéo dài 4 nhiệm kỳ. Như vậy, rất khó khăn cho cơ sở trong công tác tổng hợp, đánh giá kết quả làm sao cho phù hợp với từng điều kiện.

Theo Nghị quyết số 94/2023/QH15 và Nghị quyết số 835-NQ/UBTVQH15, mục đích của Đoàn giám sát là đánh giá toàn diện, khách quan kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong các trường hợp tương tự; các cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù triển khai các dự án quan trọng quốc gia. Việc giám sát nhằm đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025.

Nội dung giám sát gồm: việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách quy định tại Nghị quyết số 43/2023/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và 2021 – 2025; dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1).

Đối tượng giám sát gồm Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Phạm vi giám sát gồm việc thực hiện Nghị quyết số 43/2023/QH15 từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước. Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia nêu trên từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023 theo từng dự án cụ thể.

Theo KDPT