web analytics

Cẩn trọng với dòng FDI đột biến từ Trung Quốc 29/08/2019

(KDTT) – Đáng ngại hơn cả, theo nhiều chuyên gia, là tình trạng các doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ, nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm, nợ thuế rồi bỏ trốn như nhiều trường hợp từng xảy ra.

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc bất ngờ tăng đột biến trong năm 2019, mang lại nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi đa phần là các dự án nhỏ, công nghệ thấp và có cả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Công nhân Công ty TNHH KaiYang (Hải Phòng) vạ vật chờ đòi lương, trong khi chủ doanh nghiệp bỏ về nước

Dự án nhỏ, rủi ro lớn

Sau một thời gian dài tăng trưởng khá ấn tượng, từ tháng 1 – 7 thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bắt đầu giảm. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7 cả nước thu hút 2.064 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,3 tỷ USD. Đáng chú ý, số dự án tăng 24,6%, nhưng vốn đăng ký lại giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt khoảng 3,42 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt gần 11,7 tỷ USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,78 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc 1,47 tỷ USD, chiếm 17,8%; Nhật Bản 1,12 tỷ USD, chiếm 13,6%; Hồng Kông (Trung Quốc) 991,6 triệu USD, chiếm 12%…

Trả lời Thanh Niên, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, nhận định dòng vốn FDI đăng ký giảm, nhưng số dự án lại tăng lên, đặc biệt từ Trung Quốc là vấn đề hết sức đáng chú ý và cần theo dõi kỹ.

“Số dự án tăng lên, nhưng số vốn giảm hàm chứa nhiều vấn đề rủi ro hơn vì thu hút FDI thường những dự án quy mô lớn mới mang lại nhiều giá trị. Còn các dự án nhỏ, vụn vặt sẽ rất khó thay đổi công nghệ, tăng năng suất, thậm chí gây ô nhiễm môi trường”, ông Thiên phân tích.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), cũng thừa nhận Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức lớn trong việc thu hút dòng vốn từ hai nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông. Trong đó, dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành “cứ điểm” hàng hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu.

Điều này có thể vô tình làm Việt Nam vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng sẽ tạo nên áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước.

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Đáng ngại hơn cả, theo nhiều chuyên gia là tình trạng các doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ, nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm, nợ thuế rồi bỏ trốn như nhiều trường hợp từng xảy ra.

Mới đây, ngày 12/8, toàn bộ công nhân của Công ty TNHH KaiYang (Q.Kiến An, TP. Hải Phòng) khi đến để làm việc thì bất ngờ phát hiện công ty đã bị niêm phong tài sản, lãnh đạo công ty đã rời khỏi địa phương nhưng chưa thanh toán tiền lương tháng 7.

Công ty này là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Đài Loan, do ông Huang Shang Che làm tổng giám đốc, chuyên sản xuất các loại giày da xuất khẩu, có khoảng 2.200 công nhân cùng gần 200 nhân viên văn phòng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, công ty này đang nợ tiền bảo hiểm, tiền lương tháng 7/2019, của toàn bộ công nhân và nhân viên văn phòng, ngoài ra còn nợ tiền công đoàn và một số ngân hàng, đối tác làm ăn.

Trước đó, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH TBO Vina (100% vốn Đài Loan; Khu công nghiệp Hòa Khánh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tập trung để đòi lương do ông chủ công ty bỏ về nước, công ty ngừng hoạt động.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia về tài chính, nhận xét trước kia chủ doanh nghiệp mất tích, bỏ trốn tập trung ở các DN 100% vốn của Hàn Quốc, đặc biệt ở lĩnh vực dệt may, da giày. Nhưng gần đây đã xuất hiện nhiều dự án của các “ông chủ” Trung Quốc thành lập vốn thông qua Đài Loan, Hồng Kông rót vào Việt Nam. Đa phần là các dự án nhỏ tập trung lĩnh vực khai khoáng, dệt may, hóa chất… những lĩnh vực ít mang lại giá trị gia tăng cao, lại dễ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu.

“Cần có sự chọn lựa dòng vốn FDI từ Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng bổ sung các quy định pháp lý, các chế tài để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Phải hoãn, cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn, chủ doanh nghiệp nợ thuế, các phúc lợi xã hội với người lao động”, ông Long đề xuất.