Thành quả và dấu ấn nổi bật của lĩnh vực khoa học công nghệ trong năm 2023Robot, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp trong năm 2024

Công thức cơ bản trong phát triển AI

Sau sự kiện ChatGPT ra mắt công chúng vào cuối năm 2022, AI đã bước ra khỏi cánh cửa phòng thí nghiệm để hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của con người.

Tuy nhiên, từ chatbot ChatGPT đến những ứng dụng như giao dịch viên ngân hàng AI, thành phố thông minh, xe tự lái vẫn còn một khoảng cách. Và độ gần xa để một đất nước đạt được mức độ phát triển tối đa của AI phụ thuộc vào ba điều kiện: Hạ tầng, Nhân lực và Chính sách quản lý thử nghiệm. Do vậy công thức để phát triển AI gồm: Hạ tầng + Nhân lực + Chính sách thử nghiệm.

Điều kiện hạ tầng bao gồm chip xử lý GPU mạnh mẽ và cơ sở dữ liệu lớn để đào tạo AI. Yếu tố nhân lực gồm các nhà khoa học máy tính – những “kiến trúc sư trưởng” của các mô hình AI và đội ngũ kỹ sư phần mềm có khả năng lập trình. Cuối cùng, chính sách quản lý thử nghiệm cho phép các ứng dụng AI được hoạt động trong môi trường thực và doanh nghiệp tránh được khu vực vùng xám pháp lý.

Hạ tầng là điều kiện quan trọng đến việc phát triển AI

Hạ tầng là điều kiện tiên quyết để phát triển AI. Về chip xử lý, theo tìm hiểu thực tế của tác giả, các doanh nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam đang thiếu hạ tầng tính toán được dùng để đào tạo các mô hình AI lớn.

Một mô hình AI lớn có thể hình dung dễ hiểu là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đằng sau ChatGPT của OpenAI với 175 tỷ tham số. Hạ tầng tính toán của một số doanh nghiệp nội địa chỉ có thể triển khai đào tạo mô hình AI với 7-10 tỷ tham số. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa về chip xử lý với các doanh nghiệp nước ngoài gắn chặt với nguồn lực đầu tư.

Chỉ số ít các doanh nghiệp công nghệ lớn như Meta mới có khả năng xây dựng siêu máy tính với 16.000 chip GPU từ Nvidia với mỗi con chip có giá khoảng 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ở các trường đại học của Việt Nam, cũng xảy ra tình trạng thiếu hạ tầng tính toán mạnh mẽ để nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình AI tiên tiến.

Do đó, Việt Nam cần có sự ưu tiên đầu tư của Nhà nước vào các doanh nghiệp hạ tầng công nghệ thông tin nội địa và các phòng nghiên cứu AI của các trường đại học trọng điểm của quốc gia. Đây chính là hai nơi sản sinh ra các giải pháp công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về dữ liệu, Nhà nước cần đẩy nhanh việc triển khai chính sách dữ liệu mở. Dữ liệu trong khu vực công là nguồn hữu ích dành cho quá trình huấn luyện mô hình AI của doanh nghiệp, trường đại học.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

Con người luôn là điểm cốt lõi trong phát triển. Về bản chất, các quốc gia không cạnh tranh về bản thân giải pháp công nghệ mà cạnh tranh về con người và môi trường khuyến khích con người phát triển. Con người được môi trường hỗ trợ sẽ tạo ra những giải pháp công nghệ mới.

Giải pháp thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam
Cần có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực. (Ảnh minh họa)

Do đó, chính sách đào tạo nhân tài về AI trong nước và thu hút nhân tài người Việt ở nước ngoài về nước làm việc là một điểm đáng chú trọng. Bên cạnh đó, môi trường học tập và làm việc cần mang tính khuyến khích đổi mới sáng tạo. Điều này liên quan đến một điểm cốt lõi khác là xây dựng một nền văn hóa mà ở đó con người ưa thích thử thách, tìm tòi, dám thử và dám sai. Quá trình này dù còn lâu dài và đầy thử thách với Việt Nam nhưng với sự khuyến khích mở đường của Nhà nước, xã hội sẽ tiến nhanh hơn.

Tăng cường chính sách trong quản lý AI

Đặc thù của các sản phẩm, dịch vụ AI là luôn có sự sáng tạo, đổi mới về giải pháp, tính năng mà những sản phẩm khác không có (chẳng hạn như tính năng suy diễn, ra quyết định, các cơ cấu chấp hành, môi trường hoạt động). Những tính năng này tương đối nhạy cảm và chưa có các văn bản pháp lý để điều chỉnh. Một vấn đề nữa là khả năng tiếp cận thị trường các sản phẩm AI còn nhiều hạn chế do thiếu môi trường, không gian trình diễn, thử nghiệm; nơi các nhà cung cấp, các bên sử dụng có thể tiếp xúc, chứng kiến hoạt động của loại hình sản phẩm mới mẻ này để đánh giá tính hiệu quả cho mục đích sử dụng cụ thể.

Giải pháp thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam
Ảnh minh họa

Các chỉ dẫn về khung chính sách xác định những nội dung, vấn đề cần xây dựng, ban hành quy định xét dưới góc độ quản lý nhà nước ở dạng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các quy định được ban hành và đặc thù đối với loại hình sản phẩm này. Theo đó, các mục tiêu chủ yếu là:

– Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các hệ thống, sản phẩm, dịch vụ AI.

– Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, ứng dụng AI hợp pháp, an toàn và đáng tin cậy, ngăn chặn sự phân mảnh thị trường.

– Tăng cường nghiên cứu các công nghệ như trí tuệ nhân tạo giống con người, thực tế ảo, các công nghệ sử dụng AI mô phỏng hóa thị giác, thính giác, xử lý ngôn ngữ và tư duy giống người.

– Xây dựng các khung, chương trình đào tạo AI trong các trường đại học; các khóa đào tạo nâng cao nhận thức liên quan đến AI; khuyến khích sinh viên, cá nhân có đam mê, năng lực nhiệt tình tham gia vào nghiên cứu phát triển về AI.

– Tham gia tích cực vào các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nắm bắt cập nhật xu hướng kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn áp dụng. Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn phù hợp và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực./.