web analytics

Góc nhìn từ lộ trình công nghiệp thông thường sang công nghiệp sinh thái: Kịch bản chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn và các lợi ích dự kiến 12/03/2023

(KD&TT) – Trên thực tế, việc tích cực chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái đem lại các lợi ích kinh tế to lớn. Dù lựa chọn kịch bản trung bình (tăng trưởng tuyến tính theo hiện trạng) hay kịch bản chuyển đổi tốt hoặc vượt trội đều ghi nhận các con số hiệu quả đáng cân nhắc.

Các yếu tố thúc đẩy 

Thứ nhất, định hướng phát triển KCNST hướng tới phát triển KCN bền vững phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội hàm phát triển KCN bền vững được thể hiện và lồng ghép trong nội dung của các chiến lược, định hướng phát triển như: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển bền vững, định hướng phát triển công nghiệp quốc gia, định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh (cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp ngành)… Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện KCNST còn được các nhà tài trợ quan tâm hỗ trợ. Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản, giúp Việt Nam có được vị trí tiên phong trong việc triển khai thực hiện. Trên thực tế, Việt Nam đã được UNIDO xây dựng là một hình mẫu chuyển đổi với vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thí điểm thuộc Chương trình KCNST toàn cầu. Trong thời gian ngắn, nếu Việt Nam ban hành thành công các thông tư hướng dẫn và Bộ tiêu chí Kinh tế – Xã hội – Môi trường về KCNST thì Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên có Bộ tiêu chí về KCNST bao trùm đầy đủ cả 3 trụ cột của khung khổ phát triển bền vững.

Thứ hai, KCNST với cách tiếp cận nâng cao hiệu quả sản xuất dựa vào cách tiếp cận RECP và CSCN là mô hình được các nước CN phát triển lựa chọn. Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) đang tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành và phát triển KCNST trên thế giới. Việc học tập kinh nghiệp của hơn 50 năm hình thành và phát triển các mô hình KCNST của thế giới là những kiến thức hữu ích giúp Việt Nam nhanh chóng bắt kịp xu hướng. Hầu hết các giải pháp RECP là những kỹ thuật quản lý nội vi đơn giản không chi phí hoặc chi phí thấp nhưng hiệu quả cao và có tác động trong dài hạn nên các giải pháp có thể nhân rộng ứng dụng cho nhiều doanh nghiệp.

Thứ ba, phần lớn các DN Việt Nam thuộc nhóm có trình độ KHCN và trình độ quản lý thấp hoặc trung bình. Xét trên góc độ tiềm năng thực hiện các giải pháp RECP các DN thuộc nhóm này sẽ có nhiều dư địa/tiềm năng cải thiện lớn hơn so với các DN có trình độ KHCN và trình độ quản lý cao (chủ yếu là các DN FDI hoặc các DN phụ trợ cho công ty FDI). Phần lớn các DN này luôn chịu áp lực của việc liên tục duy trì hiệu quả và cải tiến dựa trên các yêu cầu từ DN mẹ (với các quy trình và quy trình sản xuất tối ưu sẵn có và liên tục cập nhật).

Thứ tư, dư địa chuyển đổi lớn: như đã phân tích ở phần trên, tính đến hết tháng 12/2017, trên cả nước có 326 KCN, trong đó số lượng KCN đang hoạt động có thể nghiên cứu thực hiện chuyển đổi là 284 KCN với hơn 20.000 DN đang hoạt động (tương ứng với hàng chục ngàn nhà máy/cơ sở sản xuất trong KCN). Phần lớn các KCN này đều là các KCN đa ngành nghề sản xuất nên có nhiều tiềm năng thực hiện RECP và CSCN. Việc học tập kinh nghiệm thất bại và thành công đa dạng từ các điển hình trong nước, quốc tế và ở cả cấp khu và cấp DN là góp phần cho việc triển khai các giải pháp RECP và CSCN là thuận lợi. Việc đúc rút các bài học từ các điển hình này giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực và đảm bảo hơn cho sự thành công của việc thực hiện mô hình.

Thứ năm, tính hiệu quả trong sản xuất là giá trị cốt lõi của sự cải thiện hiệu suất hoạt động của DN trong mô hình này. Các lợi ích tài chính trực tiếp có thể tính toán được từ việc thực hiện các sáng kiến sinh thái là rõ ràng. Qua thời gian, các lợi ích về môi trường và xã hội sẽ phát huy hiệu quả và có vai trò nhất định trong việc nâng cao vị thế của DN. Qua đó, DN không chỉ có được lợi ích về mặt kinh tế mà còn lợi ích về mặt xã hội, cải thiện hình ảnh, vai trò của DN trong xã hội.

Thứ sáu, sức ép thị trường và cạnh tranh toàn cầu: Với sự thay đổi nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng sản xuất công nghiệp chất lượng cao, thân thiện môi trường phục vụ tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu; yêu cầu từ công ty mua sản phẩm và người tiêu dùng ngày càng cao đã tạo động lực đổi mới và liên tục cải thiện hiệu quả sản xuất nhằm duy trì thị phần và phát triển.

Thứ bảy, sinh thái hóa là xu thế có thể đoán định được của cả phía cung và cầu thị trường (ví dụ: tiêu dùng sinh thái, sản xuất sinh thái, hàng hóa sinh thái…). Sinh thái cũng trở thành một tiêu chí để định giá và định vị DN, do vậy được các nhà đầu tư (nhà đầu tư hạ tầng KCN và các nhà đầu tư sản xuất trong KCN) hết sức quan tâm.

Thứ tám, nhằm hỗ trợ hiệu quả việc chuyển đổi hoặc phát triển mới KCNST, hiện đã có các Bộ công cụ hỗ trợ như: Công cụ lựa chọn KCNST, Công cụ hỗ trợ chính sách KCSNT, Công cụ đánh giá KCNST, Công cụ xác định cộng sinh công nghiệp, Công cụ quan trắc RECP, Công cụ giám sát cộng sinh công nghiệp. Ngoài ra, có 3 bộ Công cụ đang được tiếp tục hoàn thiện đó là: Công cụ hoạch định khái niệm KCNST, Công cụ rà soát quy hoạch tổng thể KCNST, Công cụ tiếp cận tài chính. Là một nước đang thực hiện chuyển đổi KCNST, Việt Nam có thể tham khảo và lĩnh hội các tri thức sẵn có từ các công cụ này và xây dựng cho mình các bộ công cụ phù hợp.

Hội thảo khoa học về Đề tài nghiên cứu KTTH trong khu công nghiệp
do Nhóm tác giả Nguyễn Thiệu Anh và Phạm Hồng Điệp – đồng Chủ nhiệm, cùng các cộng sự.

Các yếu tố cản trở

Thứ nhất, KCNST và CSCN là hai khái niệm mới nên nhận thức giữa các bên liên quan (từ cấp quản lý nhà nước đến cấp doanh nghiệp) chưa đồng bộ, dẫn đến chỗ hiểu sai hoặc hiểu khác nhau, sẽ gây khó khăn và cần thời gian để tìm kiếm sự đồng thuận trong triển khai thực hiện. Do đó, cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa khái niệm và cách tiếp cận này.

Thứ hai, nhận thức, mối quan tâm của phần lớn các chủ doanh nghiệp vẫn chỉ tập trung cho các vấn đề ngắn hạn, chưa đặt ưu tiên cho trách nhiệm môi trường, chưa hiểu rõ mối liên kết giữa cả 3 yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường trong sản xuất. Năng lực quản lý yếu kém và chưa có nhiều kinh nghiệm khiến việc giám sát và khuyến khích đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Việc thực hiện các sáng kiến KCNST vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người, từ quản lý đến kỹ thuật viên. Với trình độ bình quân của lao động thuộc nhóm trung bình thấp, việc thực hiện và theo dõi các giải pháp vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong các yếu kém tồn tại trong khối DN là thiếu lòng tin vào bạn hàng, đối tác và thiếu tính liên kết. Tư duy “đóng cửa” khiến các DN không sẵn sàng chia sẻ thông tin và đón nhận các cơ hội. Các DN còn thụ động, thiếu tính đổi mới, phụ thuộc vào hỗ trợ từ bên ngoài hoặc từ các chế tài mang tính chất cưỡng ép.

Thứ ba, CSCN là một cách tiếp cận phức tạp, cần sự đồng thuận của nhiều bên và đòi hỏi có sự đầu tư nguồn lực tài chính. Năng lực tài chính yếu là một trong các rào cản các DN Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các sáng kiến KCNST khi có nhu cầu kinh phí đầu tư như mua sắm trang thiết bị, nâng cao công nghệ hay triển khai các liên kết CSCN. Các ngân hàng thương mại và một số tổ chức cho vay vốn tín dụng đầu tư nhà nước như Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam đều khuyến khích các DN thực hiện các sáng kiến KCNST nhưng để vay được các khoản đầu tư thì các tổ chức tài chính nêu trên và các Quỹ đều có yêu cầu nhất định về lĩnh vực cho vay, năng lực tài chính, bảo lãnh đầu tư, đồng thời chưa có quy trình đơn giản áp dụng cho các DN trong KCN triển khai các sáng kiến KCNST nên cũng làm nản lòng các DN vay vốn thực hiện sáng kiến KCNST.

Thứ tư, hiện chưa có thể chế riêng có đủ thẩm quyền tương xứng để chỉ đạo trực tiếp việc triển khai thực hiện KCNST hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, theo quy định của Nghị định 82/2018/NĐ-CP thì ở cấp trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao đầu mối giúp Chính phủ quản lý KCN, trong đó có KCNST; các Ban quản lý KCN, KKT tại địa phương được giao quản lý KCN, trong đó KCNST tại địa phương. Như vậy, KCNST có cơ chế quản lý như KCN thông thường nên việc thúc đẩy, triển khai mô hình mới này trong thực tiễn sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi sang KCNST đòi hỏi nhiều yêu cầu cao hơn KCN thông thường về yêu cầu cung cấp dịch vụ của KCN, chất lượng hạ tầng KCN, đầu tư cho các tiềm năng liên kết…Do vậy, thiết lập một thể chế riêng cho KCNST là yêu cầu cấp bách khi triển khai mô hình này trên thực tế. Để triển khai cụ thể CSCN trong KCN hoặc xác nhận KCN có phải là KCN sinh thái không thì ở Việt Nam vẫn đang thiếu các văn bản pháp quy hướng dẫn (hướng dẫn Nghị định 82/2018/NĐ-CP). Đồng thời vẫn tồn tại sự chồng chéo, chưa thống nhất một số quy định tại các văn bản pháp quy đã tạo ra rào cản cho việc thực hiện một số các sáng kiến liên quan đến CSCN, KCNST. Bên cạnh đó, sự chậm trễ của các Bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ các rào cản pháp lý hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan làm giảm động lực của các DN triển khai thực hiện các sáng kiến.

Thứ năm, các thông tin, dữ liệu cấp DN và cấp KCN là hết sức quan trọng, giúp các DN có thể tìm hiểu, kết nối thực hiện các giải pháp SXSH&NLHQ  và CSCN. Các số liệu về DN và các KCN sẵn có hiện nay rời rạc, thiếu tính hệ thống và lưu trữ kém là rào cản đối với công tác phân tích đề xuất chính sách và lộ trình chuyển đổi (tầm chiến lược) và đề xuất các giải pháp thực hiện (vi mô) phục vụ các nghiên cứu, phân tích chuyển đổi KCNST.

Kịch bản chuyển đổi 

Phần này đưa ra các tính toán giả định về việc chuyển đổi mô hình sang KCNST ở Việt Nam cho giai đoạn 10 năm.

Căn cứ vào kết quả đánh giá sơ bộ 8 KCN thí điểm (trình bày tại phần 3, Mục I), có thể thấy, 7/14 tiêu chí cơ bản chưa được đáp ứng, bao gồm:

  • Nhóm chỉ tiêu môi trường: giám sát và quản lý môi trường (đạt 25%), hiệu quả năng lượng (đạt 46%), tận dụng tối đa vòng đời của rác thải và nguyên vật liệu (đạt 38%), các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường (đạt 43%),
  • Nhóm chỉ tiêu xã xây dựng hệ thống quản lý xã hội (đạt 40%), Hạ tầng xã hội (đạt 43%), Tương tác với cộng đồng cư dân tại địa phương (13%).
  • Nhóm chỉ tiêu kinh tế:  Thúc đẩy kinh tế địa phương và phát triển các DN NVV (đạt 38%)

Theo đó, giả thiết của các kịch bản chuyển đổi sẽ dựa vào hiện trạng để làm căn cứ cơ sở tính toán và đề xuất, cụ thể như sau:

Bảng tính toán giả định hiệu quả kinh tế của các kịch bản chuyển đổi

Các giả thuyết Kịch bản cơ sơ (chuyển đổi trung bình) Kịch bản chuyển đổi khá Kịch bản chuyển đổi vượt trội
Cơ sở pháp lý

 

 

Nghị định 82 tiếp tục được triển khai thực hiện, không có điều chỉnh bổ sung Nghị định thay thế Nghị định 82 được ban hành trong năm 2022 Nghị định thay thế Nghị định 82 được ban hành trong năm 2022
Việc ban hành các hướng dẫn chậm xây dựng, hoặc không được xây dựng Các hướng dẫn được xây xựng sau khi Nghị định ban hành trong thời gian 1-2 năm Nghị định thay thế Nghị định 82 được ban hành trong năm 2022
Các rào cản pháp lý không được gỡ bỏ, hoặc chỉ gỡ bỏ một phần Các rào cản pháp lý không được gỡ bỏ, hoặc chỉ gỡ bỏ một phần Nghị định thay thế Nghị định 82 được ban hành trong năm 2022
Các hỗ trợ

 

 

Chính phủ không bổ sung ngân sách hỗ trợ việc triển khai mô hình KCNST Chính phủ có kế hoạch và lộ trình cho chương trình chuyển đổi quốc gia về KCNST thực hiện từ năm 2023 Chính phủ tăng cường sự quan tâm và đầu tư cho chương trình chuyển đổi quốc gia về KCNST thực hiện từ năm 2023 với lộ trình hoàn thành trong 10 năm
Các nhà tài trợ thực hiện các cam kết sẵn có, Từ năm 2023 không có thêm các hỗ trợ nào Các nhà tài trợ thực hiện các cam kết sẵn có và tiếp tục quan tâm hỗ trợ Các nhà tài trợ thực hiện các cam kết sẵn có và tiếp tục quan tâm hỗ trợ
Các DN trong KCN gặp nhiều hạn chế trong việc tự tổ chức triển khai thực hiện Các DN hiểu và tích cực tham gia các hoạt động, đồng thời có kế hoạch phân bổ 1 tỷ lệ % nhất định trong ngân sách hoạt động để thực hiện các sáng kiến KCNST Các DN hiểu và tích cực tham gia các hoạt động, đồng thời có kế hoạch phân bổ 1 tỷ lệ % nhất định trong ngân sách hoạt động để thực hiện các  sáng kiến KCNST và chủ động liên kết, tìm kiếm các cơ hội
Hạ tầng KCN Không thay đổi so với thời điểm hiện tại Nâng cấp, điều chỉnh một phần để đạt các quy định tối thiểu về hạ tầng KCNST Nâng cấp, điều chỉnh để đạt các quy định tối thiểu về hạ tầng KCNST
Giả định chung về các số liệu thống kê cơ sở – Sử dụng giá trị hiệu quả kinh tế đã được tổng kết tại phần kết quả thí điểm chuyển đổi
– Số lượng KCN tham gia xác định theo năm cơ sở là 284 KCN đang hoạt động
Số KCN hiện hữu thực hiện rà soát 284 284 284
% số KCNST được công nhận mới (cộng dồn cả các KCNST được công nhận sau khi đánh giá lại) qua mỗi năm 2% 5% 8%
Số KCN được công nhận qua mỗi năm (làm tròn) 6 14 23
Tổng số KCNST được xác định sau 10 năm chuyển đổi 60 140 230
Giá trị hiệu quả kinh tế (cơ sở) đạt được qua mỗi năm cơ (tỷ đồng) 75,7 75,7 75,7
Hệ số hiệu quả 1 2 3
Giá trị kinh tế đạt được qua mỗi năm (tỷ đồng)/KCN chuyển đổi 454,2 2.119,6 5.223,3
Giá trị kinh tế đạt được qua mỗi năm của cả nền kinh tế (tỷ đồng)                                  2.725                                29.674                               120.136
Giá trị hiệu quả kinh tế đạt được của nền kinh tế trong 10 năm chuyển đổi (tỷ đồng)                                27.252                               296.744                            1.201.359

Với giả thuyết như trên, việc tích cực chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái đem lại các lợi ích kinh tế to lớn. Dù lựa chọn kịch bản trung bình (tăng trưởng tuyến tính theo hiện trạng) hay kịch bản chuyển đổi tốt hoặc vượt trội đều ghi nhận các con số hiệu quả đáng cân nhắc.

         Nguyễn Thiệu Anh – Phạm Hồng Điệp và cộng sự

Theo KDPT