Thuốc lá gây nên những thiệt hại to lớn

Ngày 31/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chương trình tập huấn “Các kịch bản điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết: “Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc lá cao thứ 15 trên thế giới theo khảo sát của Bộ Y tế. Mỗi năm trung bình có 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự báo năm 2030 sẽ tăng lên 70.000 người/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện”.

Đặc biệt, đối tượng sử dụng thuốc lá đang có xu hướng trẻ hoá, sử dụng nhiều các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa) hiện lại chưa phải đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Do vậy, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được khuyến nghị là biện pháp hiệu quả, vừa tăng thu ngân sách nhà nước, vừa hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá được điều chỉnh tăng hai lần trong giai đoạn 2006-2016, song tác động đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá chưa đáng kể.

Tại sự kiện, ThS. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm – chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm, thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong, chiếm khoảng 14% tổng số ca tử vong trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động.

Giải pháp tăng thuế thuốc lá nhằm mục tiêu phát triển bền vững
ThS. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm – chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tổn thất do thuốc lá gây ra cho toàn thế giới vào khoảng 1.400 tỷ USD, tương đương 1,8% GDP toàn cầu. Trong đó, làm mất 1,4% rừng; gây 10% số vụ cháy; tổn phí y tế 6-15%; giảm ngân sách 5-10% của các hộ nghèo; thuốc lá cũng làm giảm chi tiêu cho thực phẩm và giáo dục…

Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự báo đến 2030 sẽ tăng lên 70.000 người nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Năm 2022, thiệt hại do thuốc lá gây ra khoảng 4,5 tỷ USD cho Việt Nam, tương đương hơn 1,1% GDP.

Cần có lộ trình tăng thuế phù hợp

Theo bà Lê Mai Anh – Nghiên cứu viên, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, ý nghĩa của việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích hoặc hạn chế sản xuất, kinh doanh một số hàng hoá, dịch vụ nhất định, đồng thời thể hiện trách nhiệm của người nộp thuế với cộng đồng, môi trường…

Giải pháp tăng thuế thuốc lá nhằm mục tiêu phát triển bền vững
Bà Lê Mai Anh – Nghiên cứu viên, Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Từ những kinh nghiệm quốc tế, bà Lê Mai Anh đề xuất, Việt Nam cần sớm áp dụng thuế hỗn hợp, tăng thuế đối với thuốc lá truyền thống và các mặt hàng thay thế (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…). Nên đánh thuế trên giá bán thay vì giá xuất xưởng, tăng thuế với lộ trình phù hợp. Đồng thời phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá; đưa ra các biện pháp hạn chế buôn lậu thuốc lá; cân nhắc lại về mức độ tham gia phù hợp của ngành công nghiệp thuốc lá vào quá trình hoạch định chính sách.

ThS. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cũng khẳng định: “Thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất nếu muốn giảm thiệt hại do thuốc lá gây ra”.

Theo đó, nếu giá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ 4% ở các nước phát triển và giảm 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình; khoảng một nửa hiệu quả là giảm lượng và một nửa là bỏ hoặc không bắt đầu hút thuốc. Về lâu dài, hiệu quả có thể còn lớn hơn.

WHO khuyến cáo, mức thuế thuốc lá tối ưu nên chiếm 75% giá bán lẻ, mức trung bình của thế giới hiện là trên 61%. Khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá theo lộ trình từ nay đến 2030 để tiệm cận khuyến cáo của WHO lên 75%. Sau 2030 sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách thuế.

“Việt Nam có thể đạt được ở mức giảm tỷ lệ hút thuốc xuống 36% là khả thi, phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Song, để đạt mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Việt Nam cần có thêm các biện pháp khác như tăng kích cỡ cảnh báo, tăng cường thực thi tốt hơn môi trường không khói thuốc, truyền thông mạnh hơn, tăng cường các biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá…”, Ths. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm đề xuất./.