Những năm qua, để đảm bảo công tác quản lý, cưỡng chế, thu hồi nợ được đồng bộ, nhất quán, đáp ứng mục tiêu công bằng xã hội giữa các đối tượng nộp thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ với Nhà nước, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp thu, xử lý nợ.

Tổng cục Hải quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi nợ thuế trên cơ sở kiểm tra công tác phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu để ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các cục hải quan tỉnh, thành phố; chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát các nhóm nợ, trong đó mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng doanh nghiệp (DN) nợ, tình trạng thực tế của DN, xử lý hết các khoản nợ cũ, không để phát sinh nợ mới.

ngành hải quan, Tổng cục Hải quan
Ngành Hải quan chú trọng xây dựng phương án xử lý thu hồi nợ.

Theo đó, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã theo dõi chặt chẽ các khoản nợ; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.

Ngoài ra, ngành Hải quan cũng triển khai và đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp có khả năng xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 để thực hiện xóa nợ, nhằm làm giảm số nợ thuế.

Quá trình khoanh nợ, xóa nợ thuế được ngành Hải quan thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; đảm bảo công khai, minh bạch, thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và giám sát của người dân. Qua đó, cơ quan Hải quan tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế.

Thống kê cho thấy, số nợ thuế ngành Hải quan quản lý đến ngày 30/11 là 5.387,59 tỷ đồng. Cũng tới thời điểm hiện tại, số nợ trên đã giảm 465,75 tỷ đồng, tương đương với 7,95% so với thời điểm 31/12/2022.

Để ngăn chặn việc gia tăng nợ đọng, ngành Hải quan sẽ áp dụng những chế tài mạnh hơn, sẽ siết chặt quy định quản lý nợ thuế, quy trình khoanh nợ, xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp.

Trong đó, cơ quan Hải quan các cấp đang áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế như trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản. Thậm chí, khi DN nợ trên 121 ngày, cơ quan Hải quan sử dụng biện pháp “bêu” tên, dừng làm thủ tục hải quan, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy phép kinh doanh.

Đặc biệt, một trong những “chiêu” mà ngành Hải quan áp dụng liên tục trong thời gian gần đây là gửi thông báo tới cơ quan Công an đề nghị cấm xuất cảnh đối với giám đốc, lãnh đạo DN chây ỳ nợ thuế kéo dài.

Thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh áp dụng 7 biện pháp để thu hồi nợ thuế. Cơ quan Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp dừng hóa đơn; đề nghị cơ quan kế hoạch – đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Thậm chí, với một số trường hợp, cơ quan Hải quan đã sử dụng biện pháp mạnh là kê biên tài sản, tịch thu và tổ chức bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ./.