web analytics

Thỏa thuận đất cho nhà ở thương mại: Có thể thí điểm ngoài quy định của luật 15/01/2024

(KDTT) – Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ phiên thảo luận đầu tiên của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, sáng 15/1.

Trường hợp cần thiết, Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất ngoài quy định của Luật.

Nội dung này được nêu tại báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) vừa được gửi tới các vị đại biểu, phục vụ phiên thảo luận đầu tiên của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, sáng 15/1.

Quy định về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình hoàn thiện Dự thảo.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản ánh, có ý kiến cho rằng, quan điểm cho phép không phân biệt loại đất khi làm dự án nhà ở thương mại sẽ thất thu ngân sách nhà nước do chênh lệch địa tô là chưa phù hợp với thực tế.

Vì, Luật Đất đai quy định chuyển mục đích sử dụng đất là việc người sử dụng đất được thay đổi mục đích sử dụng đất đang được quyền sử dụng sang sử dụng vào mục đích khác theo quy định của Luật này và hoàn toàn hợp lý khi người sử dụng đất chuyển từ loại đất không phải là đất ở sang đất ở nếu phù hợp với quy hoạch.

Khi chuyển mục đích từ loại đất hiện có sang thực hiện nhà ở thương mại, chủ đầu tưbuộc phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước đối với loại đất khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định về giá đất tại thời điểm được phép chuyển mục đích sử dụng đất. Do vậy, việc lo ngại Nhà nước sẽ thất thu là không có cơ sở.

Lý do nữa là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại địa phương có một thời gian dài gắn bó, đóng góp rất lớn trong việc giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Khi Nhà nước thay đổi quy hoạch phát triển, cần có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho họ chuyển đổi hình thức kinh doanh một cách thuận lợi để tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và phát triển, hơn là tạo ra thủ tục cản trở cho việc khơi thông nguồn lực xã hội.

Ý kiến này cũng cho rằng, bên cạnh việc tính đến yếu tố thu ngân sách nhà nước, thì cần xem xét tổng thể các yếu tố tạo nên sự ổn định chính trị xã hội, khai phóng các nguồn lực khác trong Nhân dân.

Quy hoạch là công cụ chính của quản lý nhà nước cần sửa đổi để cho phép doanh nghiệp đang sử dụng các loại đất có nguồn gốc do thừa kế, tặng cho, do thỏa thuận mua lại trước đây, nhưng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được chuyển sang làm dự án đất ở và thương mại dịch vụ để giải quyết căn cơ, thấu tình đạt lý vấn đề này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở ý kiến các cơ quan và chính sách đã được thống nhất khi thông qua Luật Nhà ở năm 2023, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chỉnh sửa theo hướng giữ như quy định của Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi, bổ sung theo Luật số 03/2022/QH15.

Theo đó, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở (điểm b khoản 1 Điều 127); đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đó là (1) đất ở hoặc (2) đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp) (khoản 6 Điều 127).

Luật Nhà ở đã được Quốc hội biểu quyết thông qua quy định theo hướng dẫn chiếu sang quy định của Luật Đất đai, báo cáo nêu.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, tại thông báo số 3270/TB-TTKQH ngày 11/1/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại phiên họp thứ 29 (tháng 1/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về vấn đề này.

Đó là, trường hợp cần thiết, Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất ngoài quy định của Luật. Đối với các vướng mắc thực tiễn, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý cụ thể, không luật hóa các quy định mang tính chất xử lý tình huống, hợp thức hóa sai phạm.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo gồm 16 chương và 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật văn bản) so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu.

Sau phiên thảo luận toàn thể, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm, sáng 18/1.

Nguyễn Lê

https://baodautu.vn/batdongsan/thoa-thuan-dat-cho-nha-o-thuong-mai-co-the-thi-diem-ngoai-quy-dinh-cua-luat-d207154.html