web analytics

Đừng để gây “dị ứng” khi tiếp thị qua điện thoại 01/06/2020

(KDTT) – Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày nay, ngoài các hình thức tiếp thị nằm trong nhóm “tiếp thị được phép” như: email, mạng xã hội, tin nhắn SMS,…, phương thức bán hàng qua điện thoại vẫn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn do chi phí bỏ ra ít hơn, hiệu quả cao. Nhưng làm thế nào để hình thức này không bị lạm dụng như một công cụ để quấy rầy hay xâm phạm quyền riêng tư của khách hàng thì vẫn còn là bài toán khó.

Tiếp thị hay “khủng bố” qua điện thoại

Tồn tại từ những năm 1970, tiếp thị qua điện thoại (telemarketing) là hình thức phổ biến mà các công ty dùng để kết nối khách hàng tiềm năng với sản phẩm hay dịch vụ của họ. Tuy nhiên, trong giai đoạn chạy đua về doanh số giữa nhiều ngành nghề như hiện nay, chưa bao giờ bán hàng qua điện thoại gây phản cảm, sợ hãi cho khách hàng đến vậy. Tần suất cuộc gọi dày đặc, bất kể giờ giấc là vấn nạn với các “khách hàng tiềm năng”. Nhiều người tìm mọi cách đối phó vẫn không thể thoát khỏi việc bị làm phiền. Nhiều đơn vị còn sử dụng tổng đài tự động để gọi điện thoại quảng cáo. Chỉ cần chủ thuê bao nhấc máy, lập tức ở đầu dây bên kia các thông tin về tiếp thị sẽ tự động được phát, không cần biết người nhấc máy có quan tâm hay không. Ở góc độ tích cực, nó là cuộc gọi thu thập phản hồi cho các khảo sát nhằm cải thiện dịch vụ, nhưng khi bị lạm dụng nó được dùng để quảng cáo và chào hàng một cách “vô tổ chức”.

Nhiều người hoảng loạn với tiếp thị kiểu “khủng bố” qua điện thoại. (Ảnh: Minh Hạ)

Hiện tiếp thị bảo hiểm, bất động sản, thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng,… đang đứng đầu danh sách “khủng bố” qua điện thoại. Một số lĩnh vực khác cũng biến các giao dịch qua điện thoại trở nên không đáng tin, thiếu rõ ràng, nếu không muốn nói còn tiềm tàng nhiều đối tượng lừa đảo. Những đối tượng này chủ yếu đánh vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, phương thức lừa đảo của chúng là giả danh nhân viên bưu điện, người nhận có gói quà chuyển đến, thông báo đang nợ cước điện thoại, thiếu nợ ngân hàng, liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia,…, yêu cầu người nghe cung cấp thông tin cá nhân. Tiếp đó, yêu cầu bị hại phải nghe điện thoại, tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… và không được làm lộ “bí mật”, nếu không sẽ bị bắt.

Rõ ràng, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nhưng trên thực tế, tình trạng mua bán thông tin cá nhân, các cuộc gọi làm phiền vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Việc không kiểm soát được đại lý và nhân viên điện thoại làm phiền đến khách hàng như vậy là trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp. Nhưng để chuyện đi quá xa giống như các hành vi lừa đảo tinh vi trên, trách nhiệm đã không còn chỉ ở một người, một bộ phận.

Đưa ra giải pháp lâu dài

Được biết, năm 2003, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã thành lập danh sách National Do Not Call (Không gọi trên toàn quốc gia) và hầu hết các bang, bao gồm cả Alabama, đã hợp nhất danh sách Do Not Call vào danh sách quốc gia để giảm thiểu những cuộc gọi quảng cáo. Nhưng các chuyên gia dự đoán tiếp thị qua điện thoại ​​sẽ tiếp tục phát triển phổ biến vì các nhà tiếp thị biết đặt tiền của họ vào các phương pháp có lợi tức đầu tư tốt nhất. Tiếp thị qua điện thoại là một trong những khoản đầu tư như vậy.

Được coi là khá nổi bật trong ngành Telemarketing, TelePro là nền tảng công nghệ kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện hàng chục ngàn cuộc gọi mỗi ngày với đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp và tự do. Các doanh nghiệp sẽ giảm bớt được gánh nặng quá tải dữ liệu khách hàng và tối ưu chi phí quản lý. Và mặc dù, trong một thế giới số hóa cao như hiện nay, tiếp thị qua điện thoại sẽ không còn phù hợp nhưng TelePro đã chứng minh thực tế không phải vậy. Sản phẩm này trang bị cho các công ty một giải pháp giàu tính năng, đồng thời giảm chi phí và tăng cường uy tín, sự chuyên nghiệp đối với cả những công ty nhỏ nhất.

Chia sẻ về điểm nổi bật của TelePro, CEO Trung Hiếu (Công ty Cổ phần Intercomms Việt Nam) cho biết: TelePro đảm bảo không có tình trạng quấy nhiễu khách hàng. Một khách hàng sẽ được gọi 3 lần vào những thời điểm khác nhau, thời gian để gọi lại là 4 tiếng nên sẽ không có hiện tượng gọi đi gọi lại nhiều, gây khó chịu cho khách hàng. Hơn nữa, chúng tôi gọi theo nhu cầu của doanh nghiệp mong muốn, với từng ngành sẽ tư vấn cho doanh nghiệp số lượng, thời điểm gọi. Nếu không có nhu cầu hệ thống sẽ để vào danh sách không gọi nữa.”

Ông Nguyễn Trung Hiếu – CEO Công ty Intercomms Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo các chuyên gia, nếu những nhãn hàng chỉ dừng lại ở mức điện thoại nhắc nhớ về sản phẩm nhằm giữ chân khách hàng sẽ hiệu quả hơn so với việc liên tục “khủng bố” và làm phiền họ. Do đó, đề cập đến giải pháp cho tình trạng phải nhận được các cuộc gọi không mong muốn, trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc, người dùng cần tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế cung cấp các thông tin cá nhân khi mua sắm trực tuyến, giao dịch tại ngân hàng hay tham gia các chương trình khuyến mãi,… hoặc có thể cài đặt chế độ tiếp nhận cuộc gọi hay sử dụng các phần mềm sàng lọc cuộc gọi đến. Người tiêu dùng cũng nên sử dụng thêm một số điện thoại phụ để khai báo, không nên dùng số điện thoại chính để hạn chế được những phiền toái có thể xảy ra về sau.

Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc để xử lý nghiêm, khởi tố các đối tượng có hành vi mua bán thông tin người tiêu dùng; xử phạt răn đe các trường hợp quấy rối qua điện thoại đang ngày càng phổ biến như hiện nay.

Theo KDPT