web analytics

Livestream: Khi nền công nghệ ảo làm nên một ngành công nghiệp thật 01/10/2020

(KDTT) – Hiện tại, ‘livestream’ không chỉ là xu hướng trên nền tảng công nghệ, mà đã trở thành một ngành công nghiệp đem lại doanh thu lớn cho các ‘streamer’, doanh nghiệp. Năm 2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành công nghiệp không khói này đã thể hiện những tiềm năng khổng lồ không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, mà còn thống trị ở các mảng như bình luận game, giải trí, giáo dục,...

Tốc độ phát triển đáng nể

Livestream hay streaming  là thuật ngữ nói về việc truyền trực tiếp nội dung hình ảnh trên Internet. Sự phát triển của loại hình công nghệ này đang dần trở thành một trào lưu kiếm tiền trực tuyến. Dịch vụ livestream đầu tiên được sử dụng với tên gọi “upstream” dành cho binh lính Mỹ ở nước ngoài có thể nói chuyện trực tiếp với người thân. Đây có thể được coi là một hình thức cải biến từ việc sử dụng webcam hay video call. Dần dần livestream đã phát triển khá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực với nhân vật chính thuộc đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính.

Đầu tiên nó nổi lên ở những nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, nhưng tập trung nhiều hơn vào việc phát trực tiếp các cuộc thi đấu eSports (thể thao điện tử) hoặc bình luận khi chơi game, sau đó lan dần sang ngành thương mại điện tử dùng để bán hàng. Cụ thể là Trung Quốc, nơi đã đưa livestream thành một kênh mua sắm, tiếp thị cho các xu hướng mới. Trong giới giới giải trí, thay vì tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu thì các nghệ sĩ, ca sĩ sẽ chọn cách livestream để chia sẻ hình ảnh mới nhất của mình với người hâm mộ. Các chuyên gia tư vấn, bác sĩ, giáo viên… cũng có thể dùng công cụ này giải đáp các thắc mắc, tư vấn những vấn đề người dùng quan tâm trong các buổi hội thảo.

Tỷ phú Jack Ma – người sáng lập Tập đoàn Alibaba đã tham gia bán son trên livestream hồi tháng 4/2020 do đại dịch Covid-19 bùng phát, với doanh thu 145 triệu USD sau khi kết thúc phiên livestream. (Ảnh: Huanqiu).

Ninja là một trong những nhân vật được trả lương cao nhất trong số các streamer về game của nền tảng Twitch, YouTube. Anh đã phá kỷ lục với phiên livestream có 630.000 người xem cùng lúc, trở thành một nhân vật đình đám trên mạng xã hội.

Tại Hoa Kỳ, nền tảng thương mại điện tử nội thất Wayfair đã sử dụng công cụ livestream lần đầu tiên tại sự kiện hằng năm Way Day 2019. “Ông lớn” Amazon cũng đã tham gia vào ngành công nghiệp livestream với sự ra mắt của Amazon Live vào tháng 1/2019, cho thấy đây là một bước đi hiệu quả làm cho việc mua sắm trên mạng trở nên cá nhân hơn, thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến. Tại Nhật Bản, ứng dụng chợ trời Mercari và Rakuten cũng đã thêm tính năng phát video trực tiếp. Facebook bên cạnh tính năng livestream chính trên New feed, còn thử nghiệm một tính năng mới trong Cộng đồng Marketplace cho phép người bán bán các mặt hàng hiệu quả hơn trên một buổi livestream. Hay như Instagram cho phép người dùng livestream bằng tính năng Instagram Live trong Instagram Stories và hiện cũng đang theo dõi tính năng Checkout mới, cho phép người dùng duyệt, mua sắm và thanh toán cho các sản phẩm mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Một trong những mảnh đất màu mỡ cho livestream phát triển không thể không kể đến Trung Quốc, đất nước có hơn 1 tỷ dân với tính năng Taobao Live trên ứng dụng Taobao. Ứng dụng này đã chứng kiến lượng khách hàng doanh nghiệp lần đầu tăng gấp 7 lần vào tháng 2/2020, trong khi các phiên livestream của ứng dụng Pinduoduo (tương tự Taobao) tăng gấp 5 lần.

Lei Jun – CEO của hãng Xiaomi trực tiếp đứng ra livestream trong 2 tiếng đồng hồ đã thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ với các sản phẩm điện thoại thông minh và TV. Tỷ phú Jack Ma – người sáng lập Tập đoàn Alibaba, cũng đã tham gia bán son bằng livestream hồi tháng 4/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với doanh thu 145 triệu USD sau khi kết thúc phiên livestream.

Những minh chứng này đã tạo nên cơn sốt livestream bán hàng khắp Trung Quốc và nhiều nước tại châu Á. Theo công ty phân tích dữ liệu iiMedia Research, thị trường livestream Trung Quốc trị giá 433,8 tỷ nhân dân tệ (61,3 tỷ USD) vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô trong năm 2020.

Tại Việt Nam, ngành livestream cũng đang dần được đón nhận và có chỗ đứng riêng. Tiền thân của streamer (người livestream) chính là caster – những người chuyên bình luận về một chủ đề, hoạt động nào đó trực tiếp trên sóng truyền hình, điển hình là những bình luận viên trong các trận bóng đá. Khác biệt lớn nhất ở chỗ streamer là người bình luận về một trò chơi điện tử hoặc một game nhất định nào đó, có thể kể đến một số tên tuổi đình đám trong giới streamer như Viruss, Pewpew, Độ Mixi, Xemesis,…

Sau này, khi livestream bước chân sang ranh giới để bán hàng online, thì streamer còn được coi là một người làm bán hàng biết ăn nói. Thương hiệu điện thoại OnePlus ra mắt 2 sản phẩm mới nhất tại thị trường Việt Nam bằng hình thức livestream. Ngay tại buổi phát trực tiếp đã bán được 800 chiếc điện thoại thông minh chỉ trong 29 phút với doanh thu gần 9,9 tỷ đồng.

Quay lại đợt giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 4 vừa qua, các “ông lớn” trong sàn thương mại điện tử ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki… cũng tham gia vào thị trường livestream nhằm thúc đẩy doanh thu bán hàng online. Shopee với chiến dịch “Ở nhà không khó – Có Shopee lo”, Lazada với “An tâm mua sắm tại nhà”, hay như Sendo cũng nhập cuộc với chiến dịch “Săn sale nửa giá – Streamer tranh bá” bằng công cụ SenLive.

Những buổi livestream trong chiến dịch thường hướng tới các nội dung như: trò chuyện cùng người nổi tiếng, săn quà khủng hoặc các ưu đãi khổng lồ vào “giờ vàng”.

Tuy chưa có con số chính xác về doanh thu cho các hoạt động livestream ở Việt Nam, tuy nhiên ước tính tổng chi tiêu quảng cáo trực tuyến dành cho ngành này dao động từ 8 – 10%. Theo trang Brands Việt Nam cho biết, thị trường livestream Việt Nam hiện trị giá xấp xỉ 20 triệu đô la trong năm 2018.

Sự phát triển như vũ bão này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp livestream thời điểm hiện tại và trong tương lai, đồng thời cho thấy tiềm năng khôi phục của thị trường công nghệ, sau khi phân khúc này tạm chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 “Chắc rễ bền cây”

Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 500 – 700 streamer bình luận game hoạt động thường xuyên, với thu nhập tương đối ổn định và trở thành ước mơ của nhiều người trẻ. Các khoản tiền mà một streamer có thể kiếm được gồm: tiền từ số lượng người theo dõi, số lượng view; tiền quyên góp, ủng hộ từ những fan hâm mộ để hỗ trợ họ có thêm nguồn lực phát triển kênh; tiền quảng cáo, tài trợ…

Bên cạnh đó, theo dự đoán của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này có thể vượt 15 tỷ đô la. Ở Trung Quốc, số người dùng mô hình kinh doanh kiểu mới kết hợp giữa thương mại điện tử (e-commerce) và livestream đã đạt tới con số 265 triệu người dùng. Rõ ràng, mô hình này đang được xem là luồng sinh khí mới cho ngành livestream, với trải nghiệm được nâng cao hơn cho người dùng.

Hình ảnh một bác sỹ người Việt tư vấn cách phòng tránh dịch Covid 19 qua nền tảng livestream trên Facebook.

Tuy nhiên, việc lạm dụng tính năng livestream vào những mục đích không lành mạnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Sẽ như thế nào nếu livestream được thực hiện bởi một phần tử cực đoan? Thế giới hẳn đã thấm thía nỗi kinh hoàng này khi sự kiện livestream xả súng khủng bố hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand xảy ra, cướp đi sinh mạng của 49 người, làm 20 người bị thương. Tháng 4/2018, một vụ nổ súng xảy ra gần trụ sở YouTube ở San Bruno, California cũng được livestream một cách “ngang nhiên” trên nền tảng Facebook. Hung thủ là một phụ nữ đã nổi điên vì một lý do liên quan đến bất mãn với chính sách xã hội Mỹ.

Thực ra những ẩn họa tiềm tàng trong chức năng livestream đã được cảnh báo từ lâu, thông qua các hành động khoe thân thể để kiếm tiền, bạo lực, hay phát trực tiếp các nội dung có bản quyền.

Rõ ràng, khi phát triển đến một ngưỡng nhất định, ngành công nghiệp không khói này đã lộ ra những mặt trái không chỉ liên quan đến giá trị vật chất, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, cảm xúc của người xem livestream hoặc của chính những streamer.

Đối với các streamer về game, thể thao điện tử,… nếu không tìm cách đổi mới, sáng tạo nội dung, hoặc đơn giản chỉ cần không sống và làm việc theo “hình mẫu” người xem đặt ra, họ sẽ phải chịu những bình luận khiếm nhã, xúc phạm từ chính các đối tượng đó. Lượt xem của streamer càng cao, thu nhập của streamer càng khủng thì nó cũng đồng nghĩa với việc những lời mắng nhiếc này sẽ đến với họ càng nhiều.

Hoặc như con số mà Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra, trong số 400.000 người tham gia livestream trong nửa đầu năm 2020, chỉ 5 – 19% thành công và có thể kiếm được tiền thật theo dự đoán của một chuyên gia kinh tế.

Livestream đang là một cuộc đua đầy gay cấn trong nhiều lĩnh vực về nội dung, tính sáng tạo nhằm thu hút người dùng. Những kênh livestream đang nổi tiếng phải đối diện với hai sự thật rằng: hoặc là người xem của họ có được trải nghiệm khách hàng tốt nhất, hoặc là nguy cơ mất đi lượng người hâm mộ.

Trong các phiên livestream trên sàn thương mại điện tử, người dẫn chương trình cũng phải đưa ra kịch bản thú vị và quan tâm đến vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tỷ lệ sai sót trong livestream thương mại điện tử cao hơn nhiều vì hàng hóa phải được vận chuyển thực tế từ nơi này đến nơi khác, phát sinh chi phí hậu cần, thuế nhập khẩu và đôi khi bị thất lạc gói hàng.

Hiện tại, khi trí tuệ nhân tạo, máy móc dần thay thế con người trong các lĩnh vực, khía cạnh đời sống; khi mạng xã hội dần lấn át các hình thức giao tiếp truyền thống,… thì ngành công nghiệp livestream được dự đoán tiếp tục là xu hướng trong những năm tới. Vì vậy việc điều chỉnh hành vi, nội dung trên các livestream cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức, xã hội là vấn đề tiên phong cần được chú trọng. Ngoài ra, phải dự lường cả những bình luận tương tác quá khích, mang tính công kích cá nhân, chửi bới người khác thậm tệ của người theo dõi. Thêm nữa cần có sự tham gia của các công ty công nghệ để sàng lọc, kiểm duyệt nội dung livestream khi nhận thấy sự không phù hợp, thậm chí thu hồi vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội với nội dung không lành mạnh.

Việc xây dựng bộ quy tắc dành riêng cho ngành công nghiệp livestream ắt hẳn sẽ mất thời gian, nhưng với mục đích đúng đắn nhằm bảo vệ quyền lợi cho bộ phận người dùng và lợi ích số đông thì chắc chắn sẽ được đón nhận.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT