web analytics

Đưa công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường vào sản xuất kinh doanh 18/11/2020

(KDTT) – Việt Nam là đất nước mà nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, trong đó phân đạm urê được xếp vào một trong những sản phẩm chủ đạo về doanh thu cũng như vị trí trong nền kinh tế quốc dân. Được sản xuất lần đầu trên thế giới vào năm 1870 bằng cách đốt nóng amoni carbamate trong một ống bịt kín, đến nay, với công nghệ hiện đại từ Nhà máy Đạm Ninh Bình (ĐNB), việc sản xuất urê đã không còn gặp khó khăn như trước.

Nền tảng công nghệ hiện đại

Những năm gần đây, ngành sản xuất phân bón của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Thay vì phải nhập khẩu gần 60%, Việt Nam đã chủ động được nguồn cung urê, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, phát triển nhiều loại phân bón mới. Các doanh nghiệp Việt nói chung, dự án xây dựng Nhà máy ĐNB nói riêng đã được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để sản phẩm phân urê mang thương hiệu ĐNB luôn đảm bảo chất lượng với hàm lượng dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện tại, Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất urê chính là: Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình. Ước tính, mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 2 triệu tấn phân bón urê để phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp hoặc làm nguyên liệu để sản xuất các loại phân bón đa yếu tố.

Nhà máy ĐNB với những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới như công nghệ khí hóa than cám Shell – Hà Lan; tinh chế khí của Linde – Đức; tổng hợp Amoniac của Haldor Topsoe – Đan Mạch; tổng hợp urê của Snamprogetti – Ý; phân ly không khí của Air Liquide – Pháp,… là bước đột phá cho phát triển nông nghiệp nước nhà. (Ảnh: Duy Lộc).

Sự ra đời của Nhà máy ĐNB với những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới như: công nghệ khí hóa than cám Shell – Hà Lan; tinh chế khí của Linde – Đức; tổng hợp Amoniac của Haldor Topsoe – Đan Mạch; tổng hợp urê của Snamprogetti – Ý; phân ly không khí của Air Liquide – Pháp,… là bước đột phá cho phát triển nông nghiệp, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới.

Với công nghệ Shell khí hóa than, ĐNB đã lần đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ này tại Việt Nam. Ngay sau khi tạm nhận bàn giao dự án từ nhà thầu EPC với gần một năm vận hành, phụ tải của dây chuyền khí hóa than đã ĐNB nâng dần tiến đến mốc 100% công suất, duy trì 90 ngày chạy máy liên tục và gần đây nhất là năm 2019 duy trì liên tục 204 ngày, được ghi nhận là một thành công lớn đối với dự án mới khởi động, đứng nhất nhì thế giới về vận hành lò Shell.

Được biết Việt Nam là dự án thứ 20 trên thế giới được Shell chuyển giao công nghệ, trong đó có gần 100 bí quyết công nghệ và sáng chế được bảo hộ độc quyền đến năm 2020.

Khí hóa than là phương pháp toàn diện để chuyển hóa các-bon trong than, nguồn nguyên liệu sẵn có ở nhiều nơi trên thế giới. Quá trình này xảy ra dưới điều kiện áp suất cao, nhiệt sinh ra được thu hồi dưới dạng hơi nước để cung cấp cho các quá trình khác. Sản phẩm chính của quá trình là khí than có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nhiều sản phẩm hóa chất quan trọng như Amoniac, methanol, các sản phẩm hữu cơ,… Trong đó sản phẩm Amoniac (NH3) là nguyên liệu chính trong ngành sản xuất phân bón như Urê, Diamon Phốt phát, Sulphát Amôn, Nitrat Amôn,..

Tại ĐNB, NH3 được sản xuất trên dây chuyền công nghệ của Haldor Topsoe A/S – Quá trình này diễn ra ở áp suất cao, ở điều kiện này dưới tác dụng của xúc tác bản quyền xảy ra phản ứng giữa Nitơ và Hydro để tạo thành NH3. Nhiệt sinh ra của quá trình được thu hồi dưới dạng hơi nước động lực để cung cấp hơi động lực cho các tuốc-bin máy nén làm giảm thiêu tiêu hao năng lượng của hệ thống.

Công nghệ nổi bật nữa trong chu trình sản xuất của ĐNB là công nghệ tổng hợp urê của Snamprogetti – Ý. Đây là một trong những công nghệ hàng đầu được áp dụng để sản xuất urê. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 100 nhà máy theo công nghệ Snamprogetti đang được vận hành hoặc đang được xây dựng, với công suất cao nhất lên đến gần 4.000 tấn urê/ ngày. Với công nghệ Snamprocetti, urê được sản xuất từ NH3 và CO2 theo phương pháp “Stripping” NH3, cơ chế của phương pháp này là sử dụng NH3 dư làm tác nhân tách trong các dịch tuần hoàn của cả quá trình sản xuất. Trong điều kiện NH3 dư và việc khống các điều kiện công nghệ phù hợp làm giảm thiểu sự hình thành biuret, một sản phẩm phụ không mong muốn trong urê nâng cao chất lượng của sản phẩm Urê.

Nỗ lực vươn lên từ gian khó

Trong báo cáo công bố tháng 4/2020, Fitch Ratings (một trong 3 tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín tại Mỹ) đã hạ dự báo về triển vọng giá phân bón do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 làm giá nhiên liệu trên thế giới rẻ đi, cung phân bón vượt cầu, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và giá nông sản trên toàn cầu. Vì vậy, nhu cầu sử dụng phân bón và giá cả phân Ure vì thế cũng bị tác động tiêu cực.

Mặt khác, cho đến hiện tại, khó khăn lớn nhất của ĐNB là không có vốn ngắn hạn để tổ chức sản xuất, những khoản lỗ vẫn đang làm ĐNB “điêu đứng”, đồng thời giá than – nguyên liệu chính cho sản xuất tăng giá, đây là rào cản lớn đối với hàng hóa trong nước tham gia thị trường quốc tế vào giai đoạn trái vụ. Rõ ràng, các yếu tố khách quan và chủ quan đang trở thành những “hố sâu” gây cản trở cho nỗ lực đóng góp vào nền nông nghiệp nước nhà của ĐNB.

Kỹ sư, công nhân nhà máy ĐNB kiểm tra rà soát đảm bảo dây chuyền sản xuất luôn được hoạt động trong tình trạng tốt nhất. (Ảnh: ĐNB).

Giữ vững tinh thần và lý tưởng của một doanh nghiệp “từng nếm trải rất nhiều khó khăn”, ĐNB vẫn luôn lấy lợi ích của người nông dân là mục tiêu hàng đầu trong quá trình phát triển của mình.

Việc sử dụng các loại công nghệ hiện đại không những giúp “xanh hóa” nền công nghiệp của Việt Nam theo quy chuẩn một nhà máy “khép kín”, mà còn có tác dụng đảm bảo ổn định dây chuyền sản xuất; giữ vững chất lượng sản phẩm; định mức tiêu hao vật tư thấp; tính tự động hóa cao nên cần ít công nhân, năng suất lao động cao.

Các yếu tố dễ gây ảnh hưởng đến môi trường cũng đã được ĐNB cân nhắc và có biện pháp xử lý. Như đối với khí thải của nhà máy, hiện tại đã có thiết bị lọc bụi; với chất thải rắn khi đốt than cám sẽ được thu hồi và tái sử dụng cho sản xuất xi măng, gạch ép… Ngoài ra, ĐNB đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp thu gom và xử lý nước thải ở Khu công nghiệp Khánh Phú, đủ tiêu chuẩn cho phép trước khi thải trực tiếp ra môi trường. Như vậy, với công nghệ tiên tiến, hiện đại, ĐNB đã thực hiện đúng các quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thời gian tới, ĐNB có thêm các giải pháp và phương án nâng cao trình độ vận hành, giảm sự cố thiết bị, hợp tác chặt chẽ với các nhà máy tương tự, tìm kiếm các nhà cung cấp, lựa chọn và cải tiến các thiết bị và chi tiết dự phòng phù hợp hơn.

Rõ ràng, với các loại công nghệ hiện đại, ĐNB góp phần không nhỏ vào việc gia tăng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than, tiết kiệm năng lượng cũng như giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, để sản xuất bền vững, công ty cũng đã mở rộng thị trường ra các nước lân cận nhằm đáp ứng nhu cầu các mặt hàng phân bón, hóa chất có chất lượng cao của khách hàng.

Với mong muốn đem đến cho người nông dân những sản phẩm tốt nhất giúp tăng năng suất cây trồng, từ đó tạo điều kiện để tăng thu nhập, trong thời gian dài, tại tất cả các thị trường, ĐNB luôn giữ vững chất lượng sản phẩm và tuân thủ các quy định chung của Nhà nước, quy luật cung cầu về lĩnh vực giá cả của sản phẩm. Nỗ lực vươn lên từ gian khó, tập thể cán bộ công nhân viên Công ty ĐNB đang từng ngày từng ngày duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo an toàn tài sản Nhà nước, đảm bảo việc làm cho gần 1.000 người lao động, góp phần an sinh xã hội cho tỉnh Ninh Bình.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT