web analytics

NASA xác nhận có nước trên mặt trăng 28/10/2020

(KDTT) – Theo New York Times, NASA xác nhận đã phát hiện nước ở bán cầu nam của mặt trăng, gần miệng núi lửa Clavius.

Nước trên mặt trăng có thể dồi dào và trong tương lai khi các phi hành gia lên đây có thể dễ dàng tìm thấy nước hơn người ta tưởng.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Astronomy hôm qua (26/10), một nhóm các nhà khoa học đã sử dụng SOFIA, một kính viễn vọng hồng ngoại gắn bên trong một máy bay phản lực 747 jumbo, để thực hiện các quan sát cho thấy bằng chứng rõ ràng về nước trên các phần của mặt trăng, nơi mặt trời chiếu sáng.

Hình ảnh trực quan, sử dụng dữ liệu từ Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng tại miệng núi lửa Shackleton ở cực nam của mặt trăng. (Ảnh: NASA).

Paul O. Hayne – Giáo sư khoa học vật lý thiên văn và hành tinh tại Đại học Colorado và nhóm của ông đã sử dụng hình ảnh máy ảnh và các phép đo nhiệt độ do Tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng của NASA thực hiện để lập bản đồ các vùng lạnh giá, bị che phủ vĩnh viễn trên mặt trăng, được cho là những nơi có nhiều “bẫy lạnh” – nơi có khả năng chứa băng nhất do thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Paul Hertz – Giám đốc bộ phận Vật lý thiên văn của NASA, cho biết trong một cuộc họp báo hôm qua: “Khám phá này tiết lộ rằng nước có thể phân bố trên bề mặt Mặt Trăng và không giới hạn ở những nơi lạnh giá gần các cực Mặt Trăng”.

Casey Honniball, trưởng nhóm của một nghiên cứu khác, cho biết, có từ 100 đến 400 phần triệu nước, hay “gần tương đương với một chai nước 12 ounce (gần 355ml) trong một mét khối đất mặt trăng”.

Trong khi có rất nhiều bằng chứng về sự hiện diện của nước trên mặt trăng, những “bẫy lạnh” này trước đây được cho là chỉ giới hạn ở những miệng núi lửa sâu, rộng hàng km. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng cũng có những bẫy siêu nhỏ – những khu vực ở quy mô mét và milimet thường bị che khuất và do đó có thể chứa nhiều băng dễ tiếp cận hơn. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu ước tính rằng “bẫy lạnh” chiếm khoảng 40.000 km vuông, tương đương 0,1% bề mặt mặt trăng.

Hayne cho biết: “Chúng tôi đang nhìn thấy hàng tỷ tỷ cái “bẫy lạnh” này với quy mô chưa từng thấy trước đây. “Điều đó mang đến cơ hội khai thác băng dễ dàng hơn nhiều. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một cuộc cách mạng về những gì sẽ có thể cho các phi hành gia trên mặt trăng”.

Một nghiên cứu khác đã xác nhận thêm sự hiện diện của nước đá (H2O) chứ không phải hydroxyl (OH), điều mà các quan sát trước đây không thể phân biệt được. Casey Honniball tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA ở Maryland và các đồng nghiệp của cô đã sử dụng kính viễn vọng SOFIA của cơ quan này, được gắn trên máy bay để có được cái nhìn rõ ràng hơn qua bầu khí quyển của Trái đất, nhằm phát hiện một dấu hiệu quang phổ chỉ có ở nước. Honniball nói: “Tôi đã hét lên vì phấn khích”.

Honniball cho biết các kết quả đọc được phù hợp với sự hiện diện của các phân tử nước riêng lẻ được kết hợp trong các hạt bên trong bề mặt Mặt Trăng. Bà nói: “Dạng nước này được cho là sẽ lan rộng trên bề mặt. Nước là trung tâm của cuộc sống con người nhưng rất tốn kém khi phóng vào vũ trụ. Tìm thấy nước trên mặt trăng có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng nước ở đó thay vì mang nước theo”.

Nhưng vẫn chưa rõ nước ở dạng này ổn định như thế nào trong thời gian dài, William Bottke tại Viện Nghiên cứu Tây Nam ở Colorado cho biết. Ông nói: “Các phi hành gia cũng có thể gặp khó khăn lớn trong việc khai thác nước này. “Ví dụ, để đổ đầy một chai, các phi hành gia có thể cần xử lý hàng nghìn kg đá”.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã biết về sự tồn tại của nước trên mặt trăng. Hơi nước lần đầu được phát hiện trên mặt trăng năm 1971. Năm 2009, có bằng chứng đầu tiên về nước bị đóng băng trên bề mặt của mặt trăng.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT