web analytics

“Cố gắng mới, tiến bộ mới” 22/01/2023

(KDTT) – Đây là một trong những lời của bài thơ chúc Tết của Bác Hồ cách đây tròn 60 năm (Xuân Quý Mão – 1963). Bài thơ đã trở thành nguồn động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên phía trước, vượt mọi chông gai để giành những thắng lợi mới, thực hiện khát vọng thống nhất non sông, kiến thiết và xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Bác Hồ đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ Xuân Quý Mão 1963.

Bài thơ “Cố gắng mới, tiến bộ mới” của Bác như sau: “Mừng năm mới,/ Cố gắng mới,/ Tiến bộ mới,/ Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”. Bài thơ xuân 1963 của Bác không chỉ là hồi kèn xung trận cho quân và dân ta mà còn định lượng được thế và lực của ta trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Đây cũng là tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn sâu rộng và tầm vóc vượt thời gian. Điều này đã được thế giới công nhận.

Tầm vóc vĩ đại của Bác là cả một quá trình tích lũy và phát triển. Đúng như Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã nhận định sâu sắc tại cuốn sách “Hồ Chí Minh – ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” (NXB Chính trị Quốc gia – 2012): “Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được sức mạnh đạo đức của Lê-nin đối với nhân dân cách mạng, nhất là đối với các dân tộc châu Á. Người viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người (tức Lê-nin) mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”. Đối với Hồ Chí Minh cũng như thế. Trái tim của toàn thể nhân dân Việt Nam hướng về Người không gì ngăn cản nổi. Đạo đức vĩ đại và cao đẹp của Người đã cổ vũ và lôi cuốn toàn thể nhân dân. Người là tấm gương rực rỡ đối với phong trào cách mạng và với cả tinh thần “trung với nước, hiếu với dân”, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn giản dị. “Hồ Chủ tịch là tượng trưng đạo đức cách mạng trong sáng và tốt đẹp nhất của Lênin”. “Đức độ của Người là kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, gắn liền với những phẩm chất cao quý nhất của giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay”. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã không ngừng đem các phẩm chất đạo đức ấy giáo dục cho toàn thể cán bộ và nhân dân. Ngay từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã dành chương đầu tiên của cuốn Đường Kách mệnh để nhấn mạnh gương mẫu về đạo đức ở cán bộ, đảng viên. Sau này, trong Di chúc, Người còn dặn dò: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Giao thừa năm Quý Mão 1963, Bác đến thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Thức, nhà tư sản dân tộc.

Để có được “cố gắng mới, tiến bộ mới” cho mỗi người dân Việt Nam, Bác đã minh chứng về mong muốn một đất nước “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bởi vậy trong tất cả những việc làm của Bác từ khi ra đi tìm đường cứu nước (1911) đến khi Bác mất (1969) là cả một quá trình trọn đời vì dân vì nước. Bác luôn mong mỗi người Việt Nam phải luôn tu chỉnh bản thân, rèn luyện để đủ Đức và Tài mới làm lên nghiệp lớn cho Tổ quốc. Xin kể ra đây lời phát biểu của Bác tại bài báo “Lời cảm ơn” đăng trên báo Cứu Quốc – cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ngày 21/01/1946, thời điểm chưa đầy một năm sau khi Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa: “Tôi trân trọng cảm ơn quý Hội đã quyên nhà, quyên tiền giúp cho quỹ Cứu tế, quỹ Kháng chiến và quỹ Độc lập. Có người nói: “Hồ Chí Minh không biết làm gì, chỉ nay cảm ơn người này, mai cảm ơn người khác”. Vâng! Tôi vui lòng nhận lời phê bình ấy! Hơn nữa, tôi mong rằng ngày nào tôi cũng phải viết nhiều thư cảm ơn, vì như thế chứng minh rằng đồng bào ta đã sốt sắng thực hành cái khẩu hiệu: “Ai có tiền giúp tiền, ai có sức giúp sức”. Quốc dân ta đã hiệp lực đồng tâm, đã đoàn kết chặt chẽ, thì kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công…”. Kết thúc bức thư, người đứng đầu nhà nước chân thành bày tỏ: “Tiếc vì bận quá, tôi không cảm ơn khắp được. Vậy tôi xin các đồng bào tha lỗi cho”. (Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa- NXB Chính trị Quốc gia năm 2017).

Ngay sau đó ngày 2-1-1947, nhân dịp Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariút Mutê (Marius Moutet), (người đã ký kết Tạm ước 14-9-1946) sang Đông Dương, qua một cuộc phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những thông điệp rõ ràng: “Việt Nam không chiến tranh chống nước Pháp và dân Pháp vì ta muốn hai dân tộc Việt – Pháp cộng tác thật thà. Nhưng tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc… Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ. Dân Việt Nam muốn hoà bình, nhưng vì vận mệnh của Tổ quốc, của giống nòi, thì sẽ kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi”. Nêu ra những lời nói của Bác lúc sinh thời là để chúng ta thấy được lòng mong muốn của Bác cho mọi người dân Việt Nam, dù bất cứ ở hoàn cảnh nào, thời điểm lịch sử nào đều phải cố gắng để vượt qua chính mình, vượt qua những phong ba bão tố để giành lấy thắng lợi mới, mang về hạnh phúc cho nhân dân, hùng cường cho Tổ quốc. Đúng như nhà sử học Dương Trung Quốc đã khẳng định Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, một nhân vật lớn của lịch sử thế kỷ XX, đối với dân tộc Việt Nam cũng như đối với nhân loại. Tên tuổi Hồ Chí Minh, trước hết gắn với công cuộc tiêu diệt chủ nghĩa thực dân và giải phóng các dân tộc thuộc địa. Đó là một nhân vật lịch sử có một cuộc đời hoạt động rất phong phú, trên một bình diện rộng lớn trong một thời đoạn lịch sử sôi động của nhân loại. Bình chọn của tờ báo “Time” vào thời điểm bước sang một thế kỷ mới đã chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 100 khuôn mặt nói chung, một trong 25 chính khách nói riêng (trong đó châu Á chỉ có 5 nhân vật) đã “làm thay đổi bộ mặt của hành tinh chúng ta trong thế kỷ XX”.

Đầu Xuân Quý Mão 2023, đọc lại bài thơ Xuân của Bác cách đây tròn một hoa hội chúng ta như thấy tầm vóc vĩ đại của Bác, lòng yêu nước thương dân vô bờ bến và khát vọng cho một Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Học tập và làm theo lời Bác, mỗi người dân Việt Nam, sau những bão tố, khó khăn đều phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa để xây dựng đất nước ta giàu đẹp, nhân dân hạnh phúc. Và ngay từ hôm nay, chúng ta tiếp tục đồng sức đồng lòng, kiên gan bền chí, quyết tâm làm nên những thắng lợi mới, xây dựng cơ đồ đất nước ngày càng rực sáng.