Hội Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội Xuân, Triển lãm gốm phù điêu “Vũ điệu Bách Long” đặc biệt thu hút sự quan tâm của người dân và du khách.

Từ những hòn đất vô tri nhưng dưới đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (SN 1976, xã Tú Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng) đã nhào nặn, tạo ra 100 con rồng gốm phù điêu với các hình dáng, tư thế khác nhau.

Nghệ nhân Tuyên tuổi rồng, như một sứ mệnh, ông đã lấy nguồn cảm hứng khai thác chuyên đề “Vũ điệu bách long”. Các tác phẩm rồng gốm được chế tác gồm 3 loại chính: Rồng đắp phù điêu trên các dáng bình khác nhau; rồng điêu khắc độc lập, ẩn hiện vần vũ trên những áng mây; rồng được phối cảnh với tượng Phật, Bồ Tát trong vai trò long thần hộ pháp.

Bộ tác phẩm “Vũ điệu Bách Long” với con số 100 rồng thể hiện sự đầy đủ, viên mãn. Số 100 còn gắn liền với sự tích “Trăm trứng nở trăm con” hay câu nói “bách gia trăm họ”…

Độc đáo “Vũ điệu Bách Long” tại Hội Xuân Giáp Thìn 2024
Tác phẩm độc bản: Phún thủy long đối trụ của tác giả nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên. (Ảnh: KQ)

Đây là các tác phẩm rồng độc bản lấy nước men hỏa biến làm chủ đạo, tạo nên nhiều màu sắc khác lạ, ẩn chứa sự sáng tạo trên từng đường nét điêu khắc đắp nổi, thể hiện sinh động sự uy dũng, nghiêm trang nhưng cũng rất mềm mại, uyển chuyển của linh vật rồng.

Hình tượng rồng thể hiện trên gốm không hiếm, nhưng rồng trên gốm phù điêu lại có những ấn tượng riêng. Đây là dòng gốm đắp nổi có từ thời Mạc (huyện Kiến Thụy nay chính là Dương Kinh xưa – “kinh đô thứ hai” của nhà Mạc) với nhiều loại men và hoa văn độc đáo, thuần Việt.

Tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng: Hội Xuân năm nay, ngoài những sản phẩm đặc trưng của các địa phương, còn tập trung giới thiệu nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, qua đó chúng ta thấy việc gìn giữ và phát huy những nghề truyền thống, nghệ thuật cổ của dân tộc.

Độc đáo “Vũ điệu Bách Long” tại Hội Xuân Giáp Thìn 2024
Bộ tác phẩm “Vũ điệu Bách Long” với con số 100 rồng thể hiện sự đầy đủ, viên mãn. (Ảnh: KQ)

Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, bộ sưu tập “Vũ điệu Bách long” là sự sáng tạo của các nghệ nhân làng nghề. Mỗi tác phẩm được chế tác một hình dáng, tư thế khác nhau, biểu hiện các thần thái của rồng, gắn với những nét đặc trưng trong truyền thống và văn hóa, thể hiện khát vọng, sức sống mãnh liệt của tinh thần Việt. Sự hòa quyện của dáng vóc, màu sắc, đường nét của rồng do nghệ nhân sáng tạo nên đã gắn kết con người với văn hóa truyền thống, thiên nhiên và tín ngưỡng dân gian để hướng tới những khát vọng tốt đẹp.

Độc đáo “Vũ điệu Bách Long” tại Hội Xuân Giáp Thìn 2024
Triển lãm gốm phù điêu “Vũ điệu Bách Long”. (Ảnh: KQ)

Chia sẻ về các tác phẩm tại triển lãm, PGS.TS Trần Lâm Biền – Nhà nghiên cứu di sản văn hóa cho biết: “Với các tác phẩm gốm bình thường, khi nung với nhiệt độ cao các tác phẩm có thể bị méo mó, tuy nhiên, đối với những tác phẩm của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên có mặt ở đây lại cho thấy tỷ lệ sai số không hề đáng kể, từng chi tiết, hoa văn đều rất tinh xảo, rõ nét. Mỗi hình tượng rồng là một sáng tạo vô cùng tinh tế và đặc sắc. Từng hiện vật được trưng bày ở đây chúng ta có thể dành cả một ngày để ngắm nhìn, suy ngẫm không biết chán”.

Triển lãm "Vũ điệu Bách Long" trưng bày 100 tác phẩm gốm phù điêu đặc sắc
PGS.TS Trần Lâm Biền chia sẻ về các tác phẩm tại triển lãm “Vũ điệu Bách Long”. (Ảnh: KQ)

Trong khuôn khổ Hội Xuân Giáp Thìn 2024, người xem còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng Xuân Giáp Thìn được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Hội Xuân như: “Chào Xuân 2024 – Rồng bay lên”; gala “Xuân ấm áp”; “Mừng Đảng, mừng Xuân”; “Chào năm mới”, “Vui đón Xuân”.

Các tác phẩm đang được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Xuân Giáp Thìn, diễn ra từ ngày 26-31/1 (16-21 tháng Chạp)./.