web analytics

Hỗ trợ về thuế trong dịch bệnh Covid-19 cần biết khi người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuế 28/03/2022

(KDTT) – Tháng 3 hàng năm là thời điểm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân việc của năm trước (từ 1/3 đến 31/3). Tuy nhiên, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành một số chính sách mới về giãn thuế, giảm thuế; nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân… Để giúp người nộp thuế biết về chính sách thuế, cũng như thủ tục quyết toán thuế năm 2021 và chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế, Kinh doanh và Phát triển giới thiệu những quy định mang tính hỗ trợ về thuế, người nộp thuế cần biết khi làm thủ tục quyết toán thuế.

Những ưu đãi đối với thuế thu nhập doanh nghiệp

Liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), bên cạnh việc gia hạn tạm nộp thuế quý I và quý II/2021, doanh nghiệp còn được hưởng nhiều chính sách khác như: giảm thuế phải nộp cả năm, trừ chi phí các khoản chi liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ quốc hội, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có giải pháp giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021 đối với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng và bị giảm sút so với thời điểm năm 2019. Tuy nhiên, để được giảm thuế TNDN, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ điều kiện áp dụng được quy định chi tiết tại Nghị định 92/2021/NĐ-CP, đặc biệt là việc xác định điều kiện về doanh thu trong kỳ tính thuế được giảm thuế”

Ngoài quy định giảm thuế, tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ cho phép tính vào chi phí được trừ trong kỳ tính thuế năm 2020, 2021 đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định (tại nghị định) như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung… thì người nộp thuế cần chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ theo quy định tại nghị định để đảm bảo khoản chi hỗ trợ này được trừ chi phí như: văn bản xác nhận tài trợ có chữ ký, dấu của hai bên; hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Bên cạnh đó, theo quy định mới, các doanh nghiệp có phát sinh một số khoản chi phí liên quan đến chống dịch cũng được tính trừ chi phí tính thuế như: chi phí cách ly y tế do dịch Covid-19 ở trong nước và tại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác tại nước ngoài; các khoản chi phí xét nghiệm Covid-19, hoặc mua kit xét nghiệm Covid-19 cho người lao động…Bên cạnh các quy định nêu trên, năm 2021 còn có hai văn bản mới được ban hành về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đó là Nghị định số 57/2021/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng hồi tố đối với các dự án được thực hiện trước ngày 1/1/2015 quy định về ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư; Thông tư số 71/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về ưu đãi thuế TNDN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa.

Kê khai mức giảm trừ gia cảnh khi nộp thuế thu nhập cá nhân

Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Để được tính giảm trừ cho người phụ thuộc, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc theo quy định. Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế, thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Đối với người nộp thuế thuộc diện ủy quyền quyết toán, nếu chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì cũng được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng, khi người nộp thuế thực hiện quyết toán ủy quyền và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thông qua tổ chức trả thu nhập.

Người lao động làm việc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh, được trả thu nhập từ tiền lương, tiền công từ trụ sở chính khác tỉnh, thì có thể đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính, hoặc đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh. Trường hợp người lao động đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh, thì đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có trách nhiệm chuyển hồ sơ chứng minh người phụ thuộc của người lao động về trụ sở chính. Trụ sở chính có trách nhiệm rà soát, lưu giữ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo quy định và xuất trình khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thuế. Trường hợp cá nhân thay đổi nơi làm việc, thì vẫn phải thực hiện việc đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo hướng dẫn tại tiết h.2.1.1.1, điểm h, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

 Doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo kiểu gia đình

Đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo kiều gia đình, doanh nghiệp sẽ thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, các DN có quan hệ giao dịch liên kết phải nộp các tờ khai liên quan khi thực hiện quyết toán thuế TNDN. Tuy nhiên, hiện nay một số DN, đặc biệt là DN Việt Nam có quan hệ giao dịch liên kết theo kiểu gia đình, nhưng chưa biết phải nộp tờ khai thuế thì cần nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn nêu trên. Bên cạnh đó, các DN có giao dịch liên kết cần lưu ý là chỉ được tính chi phí lãi vay không vượt quá 30% lợi nhuận thuần, nếu vượt quá thì phải chuyển sang kỳ sau. Những nội dung này hầu hết các DN của Việt Nam, nhất là các DN nhỏ, DN siêu nhỏ có quan hệ liên kết theo kiểu gia đình đang rất thờ ơ. Vì thế, các DN cần chú ý để khi khai thuế phải nộp tờ khai tính toán tỷ lệ lãi vay, cũng như các biểu mẫu xác định các thông tin về giao dịch liên kết để tránh rủi ro trong quyết toán thuế.

Tham gia giao dịch trực tuyến

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Tổng cục Thuế cũng như hầu hết các thuế địa phương đã chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp sang tổ chức hội nghị hỗ trợ trực tuyến. Cách làm này được cộng đồng doanh nghiệp, cũng như cá nhân người nộp thuế đánh giá cao. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp nên chọn hình thức giao dịch trực tuyến. Để thực hiện được việc giao dịch này, người nộp thuế cần thực hiện các thủ tục cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử cho cá nhân. Việc nộp hồ sơ qua phương thức điện tử giúp người nộp thuế không phải đi lại, nhất là trong thời gian dịch bệnh phức tạp; tiết kiệm thời gian; thông tin được cập nhật tự động thông qua hồ sơ điện tử, tránh sai sót.

Hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc:

Đối với cá nhân nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc trực tiếp tại cơ quan thuế, hồ sơ bao gồm: bản đăng ký người phụ thuộc theo mẫu, hồ sơ chứng minh người phụ thuộc, trường hợp người phụ thuộc do người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng phải lấy xác nhận của UBND xã, phường nơi người phụ thuộc cư trú.

Trường hợp cá nhân đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập thì cá nhân nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc theo hướng dẫn. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập tổng hợp theo Phụ lục Bảng tổng hợp đăng ký người phụ thuộc cho người giảm trừ gia cảnh mẫu số 07/THĐK-NPT-TNCN.

 

Bạn đang đọc bài Hỗ trợ về thuế trong dịch bệnh Covid-19 cần biết khi người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuế tại chuyên mục Kinh tế
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email:  bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT