web analytics

Doanh nghiệp trước quy định sử dụng hoá đơn điện tử 06/06/2020

(KDTT) – Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP, quy định chậm nhất ngày 1/11/2020 phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế, thay cho hóa đơn giấy. Tuy nhiên, cho đến nay, doanh nghiệp vẫn còn lấn cấn trong việc lựa chọn nhà cung ứng HĐĐT sao cho phù hợp.

Còn nhiều vướng mắc

Theo nghị định 119/2018/NĐ-CP, Chính phủ quy định bắt buộc 100% doanh nghiệp thành lập từ 01/11/2018 phải sử dụng HĐĐT, hạn cuối là ngày 01/11/2020. Tại Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 1978/UBND-KT về đẩy mạnh triển khai HĐĐT, biên lai điện tử năm 2020 gửi các sở, ban, ngành thuộc thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã. Điều này phần nào đã khẳng định về tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ sử dụng hoá đơn giấy sang HĐĐT trong thời đại số như hiện nay.

Doanh nghiệp trước quy định sử dụng hóa đơn điện tử.

HĐĐT là loại hóa đơn mới được Bộ Tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh hiện nay, thay thế cho việc phát hành và sử dụng hóa đơn giấy. Theo đó, HĐĐT ra đời sẽ giúp cho việc quản lý và lưu trữ thông tin của doanh nghiệp được tiện lợi hơn; mang lại hiệu quả, thành công cho việc kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như giúp việc tính toán thuế dễ dàng hơn.

Lợi ích đầu tiên phải kể đến khi sử dụng HĐĐT chính là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức. Doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức gửi hóa đơn trực tiếp qua các phương tiện điện tử cho khách hàng, không cần in hóa đơn giấy nên sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể như: chi phí giấy in, mực in, chi phí lưu trữ hóa đơn… Đối với khách hàng, khi doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, có thể nhận hóa đơn ngay lập tức mà không tốn thời gian chờ đợi, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho cả đôi bên.

Mặc dù, có nhiều lợi ích khi sử dụng hình thức HĐĐT, nhưng khi triển khai thực hiện Nghị định số 119 vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Ví như chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế; hoặc thiếu quy định trường hợp nào bắt buộc phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực; trách nhiệm sử dụng, bảo quản chứng từ, chữ ký số,… Rõ ràng, vẫn có nhiều điểm các doanh nghiệp chưa hiểu hết quy định về HĐĐT và còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ông Hoàng Trung – CEO của Today Education (Hà Nội) cho biết: “Những ngày đầu sử dụng HĐĐT, công ty tôi gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà cung cấp bởi không biết được đâu là những nhà cung ứng có đủ năng lực, đủ uy tín, có thể tư vấn được các nghiệp vụ mà doanh nghiệp tôi quan tâm.”

Trước thời đại công nghệ số đang bùng nổ như hiện nay, các cơ quan chức năng cần xem xét để có hướng giải quyết phù hợp, giúp việc sử dụng HĐĐT trở thành một giải pháp ưu Việt cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Từng bước áp dụng công nghệ

Thực tế, việc áp dụng HĐĐT đối với các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thì vẫn còn nhiều thách thức. Người bán quen sử dụng quyển hóa đơn để xuất cho người mua; trên khâu lưu thông, người mua hàng mang theo tờ hóa đơn mua hàng và xuất trình khi các cơ quan chức năng cần kiểm tra. Do vậy, khi phải chuyển đổi thói quen giao dịch này bằng hình thức giao dịch mới mà họ không nắm rõ, hoặc không đủ kiến thức để vận hành thì họ ngại không muốn tiếp nhận, hoặc nếu có thì phải mất nhiều thời gian. Đây chính là tâm lý ngại thay đổi trước cái mới, dẫn đến hệ quả là chậm tiếp cận công nghệ. Đồng thời, là rào cản hạn chế việc áp dụng các phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, cần có thời gian để làm quen và thích ứng.

Theo ông Tô Nhân Hùng – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền số liệu Việt Nam (DCV) cho biết: “Tôi hiểu những vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình sử dụng HĐĐT. Phần mềm Ahoadon ra đời phần nào cũng để giải quyết tất cả những khó khăn đó. Ngoài ra, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế bởi khi doang nghiệp sử dụng HĐĐT, cơ bản các thủ tục hành chính thuế của DN cũng được thực hiện điện tử.”

Ông Tô Nhân Hùng – Phó TGĐ Công ty CP Truyền số liệu Việt Nam (DCV) nhận giải Sao Khuê 2020.

Việc áp dụng công nghệ thông tin trong ngành thuế đã và đang được tiến hành rất thành công trong lĩnh vực nộp thuế điện tử, kê khai thuế qua mạng, đây cũng cũng là tiền đề giúp cho việc triển khai HĐĐT được thuận lợi. Với hệ thống hỗ trợ cơ sở dữ liệu phân tán hoặc tập trung, có thể đặt ở nhiều nơi, phần mềm Ahoadon đảm bảo dữ liệu của khác hàng được lưu riêng biệt, bảo mật. Ahoadon đạt giải Sao Khuê 2020.

Để hoàn thành chỉ tiêu theo Thông báo số 130/TB-BCĐCQĐT, ngày 17-02-2020, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội đặt ra chỉ tiêu: “Trong năm 2020, phấn đấu 100% các đơn vị kinh doanh trên địa bàn, thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố thực hiện giao dịch, thanh toán bằng HĐĐT…”. Như vậy, tuy vẫn còn những điểm hạn chế khi áp dụng HĐĐT, nhưng giữa thời điểm cuộc cách mạng 4.0 được cho là làm thay đổi mọi thành phần của nền kinh tế, thì việc áp dụng HĐĐT sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí trong việc in ấn và phát hành HĐĐT, đồng thời doanh nghiệp cũng dễ dàng quản lý, bảo vệ HĐĐT. Đây là điểm thuận lợi so với phát hành hóa đơn giấy, vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật và cách thức phát hành HĐĐT khi hóa đơn giấy chính thức bị xóa sổ hoàn toàn theo quy định.

Theo KDPT