web analytics

Doanh nghiệp liên kết nhà khoa học: Vẫn là bài toán khó 15/05/2019

(KDTT) – Trong vài thập niên gần đây, các quốc gia thành công đều là những nước thành công trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa trên tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên tri thức và đổi mới sáng tạo. Hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) đã trở thành công cụ quan trọng để phát triển và sử dụng nguồn tài nguyên tri thức. Tuy vậy, tại nước ta, các kết quả nghiên cứu khoa học và SHTT vẫn gặp khó trong việc đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. 

Doanh nghiệp liên kết nhà khoa học vẫn còn là bài toán khó tại nước ta .Ảnh: Internet

SHTT – động lực của phát triển

Cùng với xu thế toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức, SHTT trở thành động lực phát triển kinh tế, duy trì lợi thế cạnh tranh và xây dựng quốc gia sáng tạo.

Trên cơ sở đó, Chiến lược SHTT quốc gia của nước ta được xây dựng với mục tiêu tạo ra hệ thống SHTT quốc gia hiệu quả gồm 3 yếu tố: sáng tạo, bảo hộ và khai thác SHTT. Xây dựng chính sách SHTT quốc gia nhằm thúc đẩy việc đóng góp của SHTT trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua việc tạo môi trường sáng tạo liên tục, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo của quốc gia, hướng tới mục tiệu Việt Nam trở thành quốc gia sáng tạo; phát triển hệ thống SHTT hiệu quả để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu sáng tạo của viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và cá nhân, làm gia tăng tài sản trí tuệ cho xã hội, tạo ra các thương hiệu nổi tiếng, khai thác chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống…, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chính sách phát triển SHTT quốc gia gắn kết chặt chẽ với các chính sách phát triển kinh tế quốc gia; hình thành các ngành công nghiệp thâm dụng SHTT, gia tăng đóng góp đáng kể vào GDP.

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp tại nước ta đang phát triển mạnh mẽ. Theo các chuyên gia, khởi nghiệp sẽ có hiệu quả hơn nhiều nếu doanh nghiệp chú trọng đến SHTT vì đây là công cụ rất tích cực trong việc tạo ra giải pháp mới, áp dụng những ý tưởng chưa có ở Việt Nam. Thực tế, SHTT đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Giá trị tài sản trí tuệ có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Nỗ lực giải “bài toán khó”

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp trở nên bức thiết trên cơ sở chú trọng vấn đề SHTT. Tuy vậy, lâu nay sự hợp tác này vẫn là “bài toán khó”.

Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ tri thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp cho biết, việc gắn kết các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế vì giữa nhà khoa học và doanh nhân luôn có khoảng cách, bởi hai tinh thần, hai mục tiêu khác nhau, nhà khoa học vì khoa học, doanh nghiệp vì lợi nhuận. Các triển lãm công nghệ (Techmart) chính là nơi gắn kết các nhà khoa học với doanh nghiệp để khoa học không chỉ vì khoa học, khoa học vì nhân sinh. Doanh nghiệp cần phải áp dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN thì mới đem lợi nhuận cao.

Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ tri thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp. Ảnh: Internet

“Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học cần chú trọng “marketing” các kết quả nghiên cứu của mình để giá trị hóa bằng các hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Nguồn thu từ các hợp đồng này sẽ tiếp tục cho các nghiên cứu phát triển tiếp theo của nhà khoa học”, bà Lê Thị Khánh Vân nhấn mạnh.

Liên quan đến SHTT, TS. Hà Thị Thu Nguyệt, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN đưa ra những chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện này, mỗi nhà khoa học, mỗi doanh nghiệp cần phải hiểu rõ quyền, vai trò của SHTT trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, tạo lợi thế cạnh tranh”.

Các chuyên gia cũng chia sẻ rằng có không ít giải pháp nhằm hỗ trợ các nhà khoa học đưa nhanh các kết quả nghiên cứu KHCN vào sản suất và các doanh nhân lựa chọn công nghệ phù hợp với khả năng tiếp nhận của mình, đồng thời cung cấp những kiến thức cần thiết về sở hữu trí tuệ như: đăng ký sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, bảo vệ thương hiệu, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ…Tuy vậy, rất cần có những hội thảo, tọa đàm, triển lãm… để tạo cơ hội cho các bên giao lưu, gặp gỡ và xúc tiến cơ hội hợp tác.

Nguồn: KDPT