web analytics

Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Công cụ đắc lực thúc đẩy năng suất, đón đầu công nghệ đổi mới 30/04/2022

(KDTT) – Theo nhận xét của các chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội, KH&CN và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là nỗ lực rất lớn.

Theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, và có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”.

Trong Báo cáo Khởi nghiệp 2012, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã chỉ ra rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với việc “tìm cách tạo ra giá trị, thông qua việc tạo hoặc mở rộng hoạt động kinh tế, bằng cách xác định và khám phá sản phẩm, quy trình hoặc thị trường mới”.

Trong môi trường kinh doanh biến động nhanh, linh hoạt và tính cạnh tranh cao, đổi mới sáng tạo được coi là chiến lược khác biệt hóa quan trọng để có được lợi thế của doanh nghiệp. Nhìn lại lịch sử, hầu hết các doanh nghiệp phát triển lâu đời đều sở hữu nguồn nhân sự có tính sáng tạo đổi mới rất cao, như Microsoft, Apple, Intel. Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại đã bắt nhịp với đà tăng về chỉ số Đổi mới sáng tạo của thế giới (trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế và coi đổi mới sáng tạo là ưu tiên quốc gia).

Đổi mới sáng tạo là nguồn tạo ra tri thức để cải thiện các quy trình và cấu trúc kinh doanh nội bộ, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ theo định hướng thị trường mang lại kết quả kinh doanh mới. Tuy đổi mới hiện là ưu tiên hàng đầu nhưng xác định đúng phương hướng, phát triển và triển khai những ý tưởng có giá trị nhất, mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất thì hoàn toàn không dễ.

Tiếp cận theo mạch hoạt động theo chuỗi giá trị, có hai loại hình đổi mới mà doanh nghiệp nào cũng cần xây dựng và phát triển là đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình. Theo hướng tiếp cận về tính đổi mới sáng tạo, sẽ phân loại theo đổi mới gia tăng hoặc đổi mới đột phá.

  • Đổi mới gia tăng: là đổi mới liên quan đến việc thực hiện các cải tiến nhất quán đối với sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có theo thời gian, như giảm chi phí, bổ sung các tính năng mới, triển khai các cách để làm cho sản phẩm hoặc dịch vụ dễ tiếp cận hơn với khách hàng. Sự đổi mới gia tăng có thể dễ dàng nhận thấy nhất trong các bản cập nhật phần mềm, trong đó các phiên bản mới cung cấp các tính năng được xây dựng dựa trên bản cũ do nhu cầu của người tiêu dùng.
  • Đổi mới đột phá: là những đổi mới đề cập đến một công nghệ có ứng dụng ảnh hưởng đáng kể đến cách thức hoạt động của thị trường hoặc ngành kinh doanh.
  • Đổi mới đột phá liên quan đến việc thực hiện những thay đổi táo bạo hơn mang nhiều rủi ro hơn nhưng cũng có khả năng thu được nhiều lợi nhuận hơn. Do rủi ro lớn hơn nên các doanh nghiệp lớn hơn thường bỏ qua sự đổi mới đột phá, mặc dù lịch sử đã chỉ ra những đổi mới mang tính cách mạng, bảo vệ doanh nghiệp lâu dài chính bằng những đổi mới đột phá.
  • Có thể kể đến câu chuyện về sản phẩm băng keo 3M: băng dính keo của 3M đã không được công ty ưu tiên phát triển khi đó chỉ là ý tưởng của một anh nhân viên phòng thí nghiệm, nhưng sau đó thì đây là sản phẩm chủ lực của 3M suốt 9 thập kỷ qua.

Dù tiếp cận theo hướng nào cũng cần xây dựng các danh mục để quản lý đổi mới sáng tạo, điều quan trọng là phải xem xét kỹ lưỡng từng mục để tối ưu hóa các nỗ lực quản lý đổi mới ở tất cả các cấp của doanh nghiệp. Quản lý đổi mới là quá trình có hệ thống tổ chức các hoạt động đổi mới trong toàn bộ doanh nghiệp. Nó cũng có thể đảm bảo các mục tiêu đổi mới phức tạp, quy mô lớn được chia nhỏ thành các mục tiêu có thể quản lý được mà các nhóm người tham gia khác nhau có thể tập trung vào.

Thường thì nguồn sáng tạo tốt nhất thực sự nằm trong chính các cấp nhân sự, do đó doanh nghiệp cần thúc đẩy một số yếu tố như thúc đẩy văn hóa đổi mới trong nội bộ, nhằm đạt tới cả đổi mới đột phá và gia tăng, tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị thông qua chuyển đổi số hiệu quả, v.v

Tại Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần tìm kiếm động lực mới để tạo ra một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các ưu tiên hàng đầu. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp phát huy được những lợi thế và tận dụng tốt các cơ hội phát triển, nhưng để quá trình này đạt hiệu quả cần có sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp và sự đồng hành, hỗ trợ của chính sách.

Hiện nay với sự phát triển, bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng Internet thì xu huớng “mở” trong đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ nét. Liên kết giữa tập đoàn, doanh nghiệp với start-up, viện, trường có thể cùng lúc giải quyết bài toán cho nhiều doanh nghiệp, qua đó, tiết kiệm được chi phí vận hành, nguồn nhân lực.

Đổi mới sáng tạo “mở” tiếp cận tri thức, công nghệ

Theo TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, “Đổi mới sáng tạo” được đề cập đến khá phổ biến trong hơn thập niên vừa qua. Gần đây, đổi mới sáng tạo “mở” đang là xu hướng mới. Có thể hiểu, thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong như trước đây thì đổi mới sáng tạo “mở” phần nhiều có sự tham gia của nguồn lực bên ngoài. Nghĩa là doanh nghiệp phối hợp với lực lượng bên ngoài, bao gồm các start-up, viện, trường để giải quyết bài toán cho chính doanh nghiệp. Mặt khác, viện, trường cũng có thể áp dụng sáng kiến từ lực lượng doanh nghiệp hay viện, trường khác để giải quyết chính bài toán của mình.

Đổi mới sáng tạo “mở” sẽ cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi mọi thứ trở nên toàn cầu, mọi nền tảng mở ra. Độ “mở” càng lớn thì chúng ta càng tiếp cận được nhiều tri thức, công nghệ sẵn có ở trên thế giới và tránh việc nghiên cứu lại, trùng lặp.

Hiện nay với sự phát triển, bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng Internet thì xu huớng “mở” trong đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ nét. Liên kết giữa tập đoàn, doanh nghiệp với start-up, viện, trường có thể cùng lúc giải quyết bài toán cho nhiều doanh nghiệp, qua đó, tiết kiệm được chi phí vận hành, nguồn nhân lực.

Đồng thời, khi tiếp cận dưới góc độ đổi mới sáng tạo “mở”, tài sản sở hữu trí tuệ không mâu thuẫn, thậm chí thúc đẩy khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ tốt hơn, giúp cho các nghiên cứu đáp ứng với nhu cầu của tập đoàn, xã hội vì những sản phẩm của các phòng nghiên cứu thường khó tìm được “tiếng nói chung” với thực tế của thị trường bởi các nhà nghiên cứu thường tập trung phát triển sản phẩm thay vì lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của thị trường.

Cũng theo TS. Phạm Hồng Quất, Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang trong giai đoạn “vàng” và nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy, cần sự liên kết chặt chẽ giữa chính phủ, tập đoàn, tổ chức xã hội, viện, trường và start-up nhằm hội tụ nguồn lực để tiến xa hơn trong giai đoạn thuận lợi này. Đổi mới sáng tạo “mở” đã trở thành yếu tố then chốt của doanh nghiệp và các tập đoàn, gắn liền với chiến lược của doanh nghiệp và không chỉ giúp giải quyết bài toán kinh doanh mà còn là bài toán tái cấu trúc của chính doanh nghiệp và tập đoàn mình.

Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 – thực hiện bởi Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP cho thấy, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn dân nên chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân và đổi mới sáng tạo cũng phải là sự nghiệp cách mạng của toàn dân”.

Chỉ đạo sâu sắc đó của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong TECHFEST 2021 đã dẫn dắt và kiến tạo nền tảng tư tưởng trong thiết kế và xây dựng hệ sinh thái, đồng thời, đã được tiếp nối và cụ thể hóa trong chuỗi các hoạt động của TECHFEST 2022, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, của ứng dụng KH&CN cùng triết lý “của dân, do dân và vì dân”, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế hậu đại dịch.

Xác định KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững

Thực tế cũng cho thấy, trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt là minh chứng rõ nhất việc đầu tư đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, cần có đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp dám đổi mới công nghệ để phát triển bền vững hơn.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, ngay từ năm 2009, Rạng Đông đã chú trọng liên kết hợp tác, đầu tư vào KH&CN với các trường đại học lớn và xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu (về công nghệ ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số).

Nhờ áp dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn trước, đặc biệt giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ 15%-18%, lợi nhuận tăng khoảng 17 %.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là về nhận thức, thói quen. Bởi khi thay đổi chiến lược, mô hình kinh doanh, cơ chế điều hành là phải thay đổi cả cách làm việc, thói quen.

Bên cạnh đó, tài chính cũng là vấn đề quan trọng. Muốn thúc đẩy một nền sản xuất thông minh, nhất định phải có hệ điều hành, nhà máy thông minh để khai thác có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp. Nhưng việc đầu tư vào những giải pháp này đòi hỏi chi phí cao, nhiều khi vượt quá năng lực của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và cũng là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm.

Đồng thời, cần nhìn nhận thực tế, đổi mới sáng tạp vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong các doanh nghiệp sản xuất nước ta.

Tại báo cáo của ngân hàng Thế giới (WB) về Đổi mới sáng tạo công bố vào cuối năm 2021, Báo cáo đã đưa ra bức tranh về đầu tư vào thị trường công nghệ tại Việt Nam, chỉ ra số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ 4.0 như in 3-D, robot còn rất ít. Chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghiệp 3.0. Chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả. Đây là vấn đề đáng quan ngại.

Sau đại dịch COVID-19, giới trẻ Việt Nam có rất nhiều ý tưởng và khả năng liên kết mới để giải quyết các bài toán cho doanh nghiệp, xã hội. Trong đó, khởi nghiệp tạo tác động xã hội đang là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Hiện nay, tại Việt Nam, Bộ KH&CN đã mời các chuyên gia từ các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành liên quan, hiệp hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng tiêu chuẩn quốc tế thuộc các Ủy ban kỹ thuật của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế liên quan đến tự động hóa, thương mại số, thương mại điện tử, sản xuất thông minh, đổi mới sáng tạo để nắm bắt những xu thế mới nhất hiện nay và tư vấn cho Chính phủ về đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nỗ lực tạo thêm những hành lang chính sách mới, mở để hỗ trợ các bạn tiếp cận được với nguồn công nghệ mở, tiếp cận được thị trường mở, có chính sách đặc thù để đưa các nền tảng, sản phẩm vào các bệnh viện, trường học, các trung tâm chăm sóc điều dưỡng…

Bạn đang đọc bài Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Công cụ đắc lực thúc đẩy năng suất, đón đầu công nghệ đổi mới tại chuyên mục Kinh tế
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email:  bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT