web analytics

Để bung chiếc lò xo kinh tế 31/05/2020

(KDTT) – Đó là tên của tọa đàm do Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE); Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam phối hợp Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền; Câu lạc bộ ECO Nam Cầu Kiền tổ chức vào ngày 30/5 tại Hải Phòng.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam cơ bản đẩy lùi dịch Covid-19, nền kinh tế bắt đầu bước vào quá trình tái sản xuất, kinh doanh. Đây là dịp để doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng, đưa ra các kiến nghị, giải đáp thắc mắc trong triển khai các gói hỗ trợ, đồng thời là dịp kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp trên cả nước để có thể “bung chiếc lò xo kinh tế” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra gần đây, góp phần đưa nền kinh tế nước nhà phát triển mạnh mẽ thời kỳ “hậu Covid-19”.

Tham dự diễn đàn có T.S Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; T.S Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng đại diện các cơ quan hữu quan, các tổ chức, hiệp hội ngành nghề và đại diện các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam cho rằng dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội cũng như tình hình kinh tế của cả nước. Đại dịch đã khiến các doanh nghiệp gặp khó cả về phía cung và cầu. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc thậm chí phá sản.

Trong bối cảnh đó, Đảng, Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời tới các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE)

Theo ông Nguyễn Quốc Hải, tọa đàm này nhằm tiếp ứng cho các doanh nghiệp vượt lên, nắm chắc và chiến thắng trong “trạng thái bình thường mới”, tái sản xuất, kinh doanh, đồng thời giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về các gói hỗ trợ của nhà nước, là cầu nối giữa doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan hữu quan từ Trung ương đến địa phương nhằm giải đáp những thắc mắc, lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp để có thể bung chiếc lò xo kinh tế sau một thời gian bị nén lại, đưa nước ta ngày càng phát triển, thịnh vượng.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế uy tín. Theo T.S Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, công tác phòng, chống dịch của Việt Nam thời gian qua có sự chung sức của gần 100 triệu người dân Việt Nam và đã được ghi nhận xứng đáng. Về vấn đề tái khởi động nền kinh tế, theo ông Kiên: “Trong thời gian này, Chính phủ chia sẻ khó khăn với xã hội, doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với người lao động và người lao động chia sẻ khó khăn với nhà nước, doanh nghiệp”. Ông Kiên hy vọng Việt Nam sẽ tận dụng những chuỗi giá trị mới được hình thành trong thời kỳ “hậu Covid-19”. Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia chuỗi giá trị mới này một cách bình đẳng, chủ động, tích cực.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN. Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ

Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thời gian qua dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế, thiệt hại trên toàn cầu lên tới hàng ngàn tỷ USD. Với Việt Nam, hiện nay đã cơ bản khống chế được dịch bệnh này. Đây là cơ hội cho nền kinh tế có thể “bung chiếc lò xo”, vốn đã bị nén lại rất mạnh trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh vào ba vấn đề cần làm để có thể khôi phục và phát triển nền kinh tế. Đầu tiên là các gói hỗ trợ của Chính phủ để giảm áp lực cho doanh nghiệp, đi cùng với sự hỗ trợ từ phía ngân hàng về chính sách tài khóa. Thứ hai là cách tiếp cận chính sách mới để cứu doanh nghiệp, bởi lúc này điều doanh nghiệp cần không chỉ là tiền. Phải có cách tiếp cận mới, từng bước tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ ba là giải quyết đầu tư công. Đây là nguồn lực cho cả nền kinh tế trong thời điểm này. Ông Thiên ví von giải ngân vốn đầu tư công như những mạch máu chạy khắp nền kinh tế, đem lại sinh khí mới.

T.S Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

T.S Tô Hoài Nam cho rằng để có thể “bung chiếc lò xo kinh tế”, doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết, doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau. Ở góc độ pháp lý, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ mang tính ngắn hạn. Doanh nghiệp cần nhất là hành lang pháp lý. Ông cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp luôn có yếu tố tự thân, nghĩa là họ sản xuất ra của cải, vật chất. Do đó nhà nước cần có những chính sách thông thoáng hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp để có thể “bung chiếc lò xo kinh tế”.

Các đại biểu cùng thảo luận xoay quanh vấn đề về chính sách dành cho doanh nghiệp.

Trong tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã có những ý kiến khác nhau, tựu chung xoay quanh vấn đề về chính sách dành cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó các doanh nhân cũng hiến kế với đại diện Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, với mong muốn cùng với Chính phủ xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, mang đến sự thịnh vượng cho đất nước.

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp phát biểu tại Tọa đàm

Cũng trong khuôn khổ chương trình, T.S Nguyễn Đức Kiên đã có món quà ý nghĩa là chiếc bình gốm có khắc họa tiết mô phỏng bức tranh “Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân”, tặng đại diện Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Món quà như lời nhắc nhở những doanh nhân về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mong muốn các doanh nhân luôn phấn đấu, lao động và sản xuất tốt hơn nữa nhằm đưa nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác luôn mong muốn lúc sinh thời. Đáp lại, doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã gửi tặng các diễn giả của tọa đàm món quà là những cuốn sách đầy tâm huyết của ông về môi trường.

Đại diện doanh nghiệp đóng góp ý kiến

Kết thúc tọa đàm, từ những kiến nghị của doanh nghiệp và giải đáp của các diễn giả, qua đó tạo dựng niềm tin, động lực cho doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sản xuất, để có thể “bung chiếc lò xo kinh tế”, giúp nước ta chớp thời cơ, phát triển bền vững trong thời kỳ “hậu Covid-19”.

Theo KDPT