Thông qua tài liệu trình cổ đông tại kỳ họp ĐHĐCĐ 2023 nhiều phương án huy động vốn được doanh nghiệp đưa ra như chào bán trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; chào bán trái phiếu, cổ phiếu riêng lẻ…

Theo đó, nhu cầu gọi vốn phần lớn thuộc về các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP.HCM (HOSE: CII) sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành hai gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng với tổng giá trị 4,500 tỷ đồng.

CII huy động 4.500 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu.

Trong đó, gói trái phiếu 1 phát hành với tổng mệnh giá là 2.522.221.400.000 VNĐ. Trái phiếu này được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền. Mệnh giá trái phiếu là 100.000 VNĐ/trái phiếu.

CII dự kiến số tiền huy động được từ gói 1 sẽ dùng để góp vốn hoặc mua trái phiếu phát hành từ hai công ty dự án là CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội (Công ty Xa Lộ Hà Nội) và Công ty TNHH MTV BOT Tỉnh Ninh Thuận (Công ty Ninh Thuận). Trong đó, hạn mức đầu tư tối đa cho Công ty Xa Lộ Hà Nội là 2.400 tỷ đồng, còn Công ty Ninh Thuận là 1.200 tỷ đồng.

Gói trái phiếu 2, sẽ có tổng giá trị phát hành là 1.977.778.600.000 VNĐ, tương đương gần 19,8 triệu trái phiếu. Trong lần này, tỷ lệ để cổ đông hiện hữu mua trái phiếu là 20:1 (cổ đông sở hữu 20 quyền mua mới được mua 1 trái phiếu). Đợt phát hành sẽ diễn ra trong vòng hai năm kể từ ngày được ĐHĐCĐ phê duyệt.

Số tiền huy động được từ gói 2, CII sẽ dùng 1.090 tỷ đồng để thanh toán hai lô trái phiếu CIIB2024009 và CIIB2124001, phần còn lại sẽ dùng để góp vốn hoặc mua trái phiếu phát hành từ Công ty TNHH Một Thành Viên BOT tỉnh Ninh Thuận.

Trong công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Becamex IJC (HOSE: IJC) dự kiến trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50%, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2023-2024 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Với vốn điều lệ 2.518 tỷ đồng, Công ty dự kiến sẽ chào bán khoảng 126 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 1.260 tỷ đồng.

Becamex IJC dự kiến dùng số tiền huy động để đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và/hoặc các dự án khác; thực hiện hoạt động đầu tư góp vốn vào các công ty tiềm năng nhằm triển khai các hoạt động kinh doanh phù hợp với chủ trương phát triển của Công ty; thanh toán nợ gốc và/hoặc lãi vay ngắn hạn và dài hạn của ngân hàng, thanh toán các khoản nợ vay gốc và/hoặc lãi trái phiếu và/hoặc các khoản nợ khác; và bổ sung vốn kinh doanh. Mặc dù vậy, Becamex IJC vẫn chưa công bố tỷ trọng cụ thể từng mục đích sử dụng vốn để nhà đầu tư được biết.

Cũng trong ngành bất động sản, Novaland (HOSE: NVL) lên nhiều phương án để khắc phục như đàm phán với chủ nợ, trái chủ để hoãn trả nợ; huy động vốn từ cổ đông hay nhà đầu tư lớn. Theo đó, Novaland muốn phát hành hơn 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ hơn 975 triệu cổ phiếu, nếu thành công sẽ tăng vốn thêm gần 30.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Novaland dự kiến chào bán hơn 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện là 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền mua 1 cổ phiếu mới), với giá bán không thấp hơn 10.000 đồng. Nếu thực hiện thành công, tối thiểu tập đoàn này có thể thu về 19.500 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, Novaland cũng đề xuất phát hành thêm hơn 975 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.

Nếu thực hiện thành công cả hai phương án tăng vốn này, quy mô vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng thêm hơn 29.250 tỷ đồng, với số tiền thu về tối thiểu tương đương con số này để trả các khoản nợ đến hạn, thanh toán lương nhân viên, chi phí vận hành chung và tiếp tục triển khai dự án đang đầu tư.