Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 14,4 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ. 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,38 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,55 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,53 tỷ USD…

Về nhập khẩu, nửa đầu tháng 8 kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng lớn nhất với kim ngạch 4,1 tỷ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng “tỷ đô” thứ hai với 1,87 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Như vậy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đang tiếp tục có xu hướng tăng trong vài tháng trở lại đây. Đây là tín hiệu vui cho thấy kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng hơn trong thời gian tới bởi nhập khẩu hàng hóa chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng hóa phục vụ cho sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Tính chung từ đầu năm đến 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 402 tỷ USD. Trong đó, xuất nhập khẩu 209,43 tỷ USD, giảm 23,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đạt 193,17 tỷ USD, giảm 38,73 tỷ USD.

Tính từ đầu năm đến 15/8, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 16 tỷ USD.

Để tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu. Đơn cử, theo quy định tại Thông tư 36/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 21/7, doanh nghiệp xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải nộp lệ phí. Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này gồm: Bộ Công Thương và cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương.

Tuy nhiên, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí, doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí/lệ phí C/O bằng hình thức trực tuyến. Hình thức này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và các chi phí phát sinh khác. Sau khi thực hiện nộp phí/lệ phí C/O, doanh nghiệp sẽ nhận được biên lai qua email đã đăng ký với cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua đàm phán, ký kết các FTA mà FTA mới nhất là FTA với Israel. Đây là động thái được các doanh nghiệp, Hiệp hội, chuyên gia đánh giá rất cao vì sẽ giúp mở thêm cơ hội cho hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2023. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho biết rất kỳ vọng vào cơ hội tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam thông qua sự kiện quan trọng này.

Theo KDPT