web analytics

Để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong đợt COVID-19 lần thứ 4 24/05/2021

(KDTT) – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết: Đối với một số chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, đa phần doanh nghiệp chưa được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện.

COVID-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp lao đao, khó khăn. Ảnh: TTXVN.

Nên chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ phù hợp

Dự thảo các văn bản sửa đổi, hướng dẫn về gói hỗ trợ sắp tới của Chính phủ hiện chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. “Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Để khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, nhiều chính sách đã được ban hành với các gói hỗ trợ lớn về tài khoá, tiền tệ… Phía Hanoisme đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm.

Theo Hanoisme, đối với gói chính sách như: Giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, chính sách vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là khó tiếp cận.

Để các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành sắp tới được lan tỏa, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết: “Để nhanh chóng đưa hỗ trợ đến tay doanh nghiệp, cần giả định trước địa bàn của tỉnh, thành phố có bao nhiêu doanh nghiệp để có kịch bản thực tế, dựa trên số thuế đóng góp của doanh nghiệp, số lượng công nhân để quyết định hỗ trợ. Cần có trước dữ liệu về doanh nghiệp để làm căn cứ số lượng lao động đóng bảo hiểm, số thuế doanh nghiệp để hỗ trợ nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát”.

Theo ông Nguyễn Xuân Phú, nhiều doanh ghiệp nhỏ và vừa rất khổ vì chỉ làm một lĩnh vực, một cửa hàng nên dịch bùng phát là bị đóng cửa ngay lập tức. Cần chia 2 nhóm Quỹ hỗ trợ, thứ nhất các doanh nghiệp trong khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay về thuế; thứ hai hỗ trợ các đối tượng khó khăn; thứ ba nên chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ. Nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách cần hỗ trợ mở cửa thị trường, đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch hay các điều kiện để mở rộng sản xuất. Nhóm cuối cùng là những nhóm siêu nhỏ – họ chỉ có một con đường sống, khi mà giãn cách xã hội khoanh vùng cần có hỗ trợ ngay dựa trên đóng góp của họ. Còn nhóm những doanh nghiệp không may thì dùng quỹ kêu gọi xã hội.

Liên quan tới “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại kinh doanh không thay đổi so với thời gian trước. Trong khi số doanh nghiệp rút lui và tạm ngừng kinh doanh là rất cao. Trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 28.000 doanh nghiệp, trong khi năm 2019 chỉ có 16.000 doanh nghiệp.

“COVID-19 ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, ở các mức độ khác nhau. Thậm chí, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 rất nguy hiểm, đánh vào 2 cơ sở của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua. Đó là cơ sở y tế và khu công nghiệp. Chi phí doanh nghiệp sẽ bị đội lên rất nhiều vì phải phòng dịch COVID-19”, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết.

Với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, theo ông Phan Đức Hiếu, Việt Nam cần rút ra 2 bài học. Thứ nhất, các gói hỗ trợ thời gian qua vô tình bỏ qua đối tượng là nông dân sản xuất hàng hóa. Điều này thể hiện qua đợt dịch ở Hải Dương, nông sản bị ách tắc tiêu thụ. Tiếp đó, các gói hỗ trợ phải tiếp cận theo hướng công bằng, thiết thực hơn, cần hỗ trợ các doanh nghiệp đang tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mạnh dạn giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí phòng chống dịch thì sẽ công bằng hơn.

Cần vaccine tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp 

Để các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp được hiệu quả hơn trong bối cảnh làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19, đại diện CIEM cho biết: Việt Nam cần quan tâm đến vaccine. “Vaccine chưa phải là tất cả nhưng quan trọng hiện nay. Chúng ta chậm vaccine là sẽ chậm cuộc chơi so với thế giới. Do vậy, tôi đề xuất ngoài vaccine từ nguồn của Chính phủ, chúng ta nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để mua vaccine tiêm cho người lao động. Làm được điều này, nguồn vaccine của Chính phủ sẽ càng công bằng hơn để tiếp cận với những đối tượng khác trong xã hội”, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết.

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Sắp tới sẽ rà soát và đề xuất lên Chính phủ cần xây dựng quy trình thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

“Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thì các chính sách về thể chế rất quan trọng. Làm sao để các thủ tục hành chính phải theo tinh thần dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ giải quyết vấn đề tăng trưởng việc làm, thủ tục đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu… Các giải pháp tiếp tục mở cửa thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Về dòng vốn đầu tư nước ngoài – FDI, trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch đang diễn ra, cần có giải pháp đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong nước và FDI; đẩy mạnh các cuộc vận động: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

MINH PHƯƠNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo Báo Tin tức