web analytics

Thị trường tiền ảo nóng rẫy 06/04/2021

(KDTT) – Ngày càng nhiều “cá mập” tham gia khiến thị trường tiền ảo nóng rẫy. Từ kênh đầu cơ, tiền ảo đã trở thành kênh đầu tư, dù cực kỳ rủi ro, nhưng lại vô cùng hấp dẫn.

Bitcoin và thị trường tiền ảo tăng mạnh do hàng loạt công ty tài chính chính thống thông báo chấp thuận thanh toán.

Hàng loạt gã khổng lồ chấp nhận và nắm giữ Bitcoin, Ethereum

Đầu tháng 4/2020, Bitcoin lại một lần nữa cán mốc lịch sử 60.000 USD/BTC, tăng gấp đôi so với đầu năm và tăng 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bitcoin tăng giá kéo giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo cao kỷ lục, đạt trên 1.900 tỷ USD. Bên cạnh Bitcoin, đồng tiền ảo chủ chốt khác là Ethereum (ETH) cũng cán mốc 2.000 USD/ETH phiên ngày 2/4, tăng 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở dĩ, Bitcoin và thị trường tiền ảo tăng mạnh là từ một loạt tin vui liên tiếp, khi hàng loạt công ty tài chính chính thống liên tiếp thông báo chấp thuận thanh toán bằng tiền ảo.

Cụ thể, ngày 30/3, PayPal thông báo Công ty bắt đầu cho phép người dùng Mỹ sử dụng Bitcoin, Ethereum như thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ trong ví Paypal để thanh toán cho hàng triệu người bán trực tuyến trên toàn cầu. Trước đó, vào ngày 29/3, Visa cũng cho biết sẽ cho phép người dùng sử dụng tiền điện tử USD Coin để thực hiện các giao dịch trên hệ thống thanh toán của Công ty.

Thông tin trên được Visa và Paypal đưa ra không lâu sau khi tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla thông báo người dùng có thể sử dụng tiền điện tử Bitcoin để thanh toán khi mua xe điện của Hãng Telsa. Trước đó, một loạt công ty tài chính lớn như BNY Mellon, BlackRock Inc. và Mastercard Inc. cũng khẳng định sẽ chấp nhận một số đồng tiền kỹ thuật số.

Không chỉ được chấp nhận ngày càng nhiều, sau nhiều năm nghi ngờ, nhiều quỹ đầu tư lớn cũng bắt đầu để mắt tới Bitcoin, Ethereum và một số đồng tiền điện tử khác. Mới đây, ngân hàng đầu tư kỳ cựu Goldman Sachs đã trở thành nhà băng đầu tiên tại Mỹ cho biết sẽ sớm mở kênh đầu tư tiền số cho khách hàng trong vòng 3 tháng tới. Ngoài Goldman Sachs, một loạt ông lớn khác như Morgan Stanley, BNY Mellon BlackRock, Twitter… cũng đang nghiên cứu để mở kênh đầu tư vào Bitcoin.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư cho rằng, tiền ảo là kênh đầu tư có triển vọng tăng giá hấp dẫn nhất hiện nay, song cũng là kênh đầu tư rủi ro số một. Rủi ro đầu tiên là mức độ biến động giá rất mạnh (có thể giảm hàng chục phần trăm trong vài phút). Rủi ro thứ hai là pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền kỹ thuật số nếu nhà đầu tư gặp rủi ro sẽ không được bảo vệ. Rủi ro thứ ba là tình trạng lợi dùng tiền ảo Bitcoin, Ethereum… để lừa đảo quá nhiều.

Tiền ảo là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng rủi ro lớn.

– Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính và Tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến cáo, tiền ảo không phải là kênh đầu tư cho số đông mà chỉ phù hợp với nhóm nhà đầu tư ưa mạo hiểm, dám  chấp nhận rủi ro lớn.

Không thể “ngó lơ” tiền ảo

Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nhà đầu tư tiền ảo đối mặt rủi ro mất giá trị rất cao, thậm chí có nguy cơ mất trắng khi bong bóng tiền ảo có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Về hành lang pháp lý với tiền ảo, tài sản ảo, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, Việt Nam vẫn còn thiếu hành lang pháp lý cho loại hình tài sản này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Hiện nay, Tổ đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính (cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo trong chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tiền kỹ thuật số có thể coi là một phát minh của nhân loại, là xu thế và sẽ còn tiếp tục tồn tại. Hơn nữa, công nghệ chuỗi khối (blockchain), với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó, Việt Nam không thể ngăn cấm hoàn toàn vấn đề đặt ra là phải quản lý, kiểm soát như thế nào.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đinh Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Tài chính Thế hệ mới FinanceX cũng cho rằng, Chính phủ nên sớm ban hành khung pháp lý về tiền ảo. Hiện nay, cộng đồng người Việt đầu tư vào tiền ảo rất đông, minh chứng là, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia về tổng lượng giao dịch tiền ảo trên thế giới. Việc thiếu khung pháp lý dẫn tới giao dịch tự phát, rủi ro cho nhà đầu tư, ngân sách thất thu, chảy máu ngoại tệ…

HÀ TÂM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo link gốc: https://baodautu.vn/thi-truong-tien-ao-nong-ray-d140500.html