web analytics

Công ty Linh Phát có làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu?
Cơ quan chức năng lên tiếng 28/07/2021

(KDTT) – Trước thông tin phản ánh của báo chí về những tồn tại trong quá trình kiểm định chất lượng tôm hùm để xuất khẩu sang Trung Quốc xảy ra tại Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 và Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 4, phía Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã bước đầu lên tiếng.

=> Xem bài liên quan về Công ty TNHH Linh Phát tại đây

Nhiều dấu hiệu bất thường!

Trước đó một số cơ quan báo đài thông tin, theo phản ánh của người dân, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải sản Linh Phát (gọi tắt là Công ty Linh Phát) có địa chỉ tại Tổ dân phố Phú Thịnh (phường Cam Phú, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) có dấu hiệu “bỏ qua” khâu thẩm định chất lượng tôm hùm để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cụ thể nếu chiếu theo Thông tư 48, thì quá trình Công ty Linh Phát thu mua tôm hùm từ các hộ nuôi phải mang về nhà xưởng để thẩm định chất lượng, đóng gói, dán tem sau đó sẽ vận chuyển ra Cảng ICD Thành Đạt (Móng Cái – Quảng Ninh) để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trụ sở Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

 

Tuy nhiên, quá trình thu mua tôm hùm, Công ty Linh Phát đã không mang về nhà xưởng để thực hiện các bước nêu trên mà vận chuyển trực tiếp ra Cảng ICD Thành Đạt (Móng Cái – Quảng Ninh). Bên cạnh việc Công ty “bỏ qua” khâu thẩm định thì việc xây dựng nhà xưởng của Công ty Linh Phát có diện tích nhỏ không đáp ứng được với nhu cầu thực tế.

Cũng theo phản ánh, Công ty Linh Phát có nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng chứng thư do Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 (địa chỉ số 1105, đường Lê Hồng Phong, phường Phước Long, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cấp và sau đó thu hồi để xuất khẩu một lượng tôm hùm sống qua Trung Quốc.

Trả lời báo chí về vấn đề nêu trên, ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 cho biết, đối với quy trình thẩm định và cấp Chứng nhận cho thủy sản xuất khẩu (trong đó có thị trường Trung Quốc) được thực hiện theo Thông tư 48/2013 và Thông tư 02/2017 của Bộ NN&PTNT.

Riêng đối với loại hàng thủy sản sống thì doanh nghiệp sẽ có 2 hình thức để đóng gói xuất khẩu. Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ thu mua rồi vận chuyển bằng xe nước về cơ sở đóng gói. Tại cơ sở đóng gói, nếu như thủy sản sống (tôm hùm – PV) được xuất khẩu bằng máy bay thì toàn bộ lô hàng phải được xuống hồ (bể chứa tôm – PV) và từ hồ nuôi tôm hùm sẽ được gây mê, làm lạnh, rồi bao gói sau đó đóng thùng xốp để vận chuyển ra sân bay xuất khẩu bằng đường hàng không.

Thứ hai, doanh nghiệp tập kết tôm hùm trong xe nước về cơ sở sản xuất hoặc là địa điểm tập kết gần cơ sở sản xuất, sau đó kiểm tra viên của Trung tâm vùng 3 sẽ tiến hành thẩm định chủ yếu kiểm tra cảm quan, ngoại quan, chủng loại, kích cỡ, số lượng, khối lượng lô hàng ngay tại xe nước đó. Số lượng tôm hùm trên xe nước này không nhất thiết phải xuống hồ (bể chứa tôm – PV) và không có hoạt động bao gói. Sau khi có kết quả thẩm định thì sẽ được báo về Trung tâm để cấp chứng thư cho lô hàng đó.

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ được xếp hạng doanh nghiệp thuộc danh sách ưu tiên (theo mức độ ưu tiên 1 – 2 – 3…) và ngoài danh sách ưu tiên. Đối với những doanh nghiệp không thuộc danh sách ưu tiên thì 100% lô hàng sẽ được thẩm định tại hiện trường (tại cơ sở bao gói – PV) còn các doanh nghiệp nằm trong danh sách ưu tiên thì không thẩm định đối với từng lô hàng mà chỉ thẩm định, lấy mẫu thẩm tra đối với các lô hàng sản xuất cấu thành nên lô hàng xuất khẩu.

Theo quy định lô hàng sau khi được thu mua phải mang về cơ sở để thẩm định, đóng gói, dán tem sau đó mới được vận chuyển đi xuất khẩu

 

Đối với Công ty Linh Phát thì đơn vị này không thuộc danh sách ưu tiên. Cũng theo ông Lê Hoàng Lâm cho biết: Trong ngày mùng 5/2 công ty Linh Phát đăng ký cấp chứng thư cho 4 lô tôm hùm sống và 1 lô cua sống. Đến 15h cùng ngày, Công ty này thông báo hủy 3 lô tôm hùm sống với lý do không thu mua được đủ khối lượng tôm hùm.

Như vậy, trong ngày 5/2 Trung tâm chỉ cấp chứng thư cho 1 lô tôm hùm sống có số chứng thư là YC0599/21/CH với khối lượng là 4,2 tấn và vận chuyển bằng 2 xe chuyên dụng. Còn chứng thư có số hiệu YC0600/21/CH thuộc lô hàng bị hủy vì không có hàng (tôm hùm – PV) để thẩm định.

Đối với việc thẩm định, thì 100% lô hàng của Công ty Linh Phát phải được thẩm định tại hiện trường. Các kiểm tra viên của Trung tâm được phân công đi thẩm định trong quá trình làm nhiệm vụ phải lưu giữ bằng chứng bằng hình ảnh, tài liệu, hồ sơ, số BKS phương tiện vận chuyển…để làm bằng chứng đã đi thẩm định lô hàng này. Sau khi có chứng thư, doanh nghiệp sẽ vận chuyển lô hàng bằng phương tiện máy bay hay đi bằng đường bộ là do 2 bên tự thống nhất với nhau. Nếu như không có lô hàng nào về xưởng đóng gói, thẩm định chất lượng mà vẫn có chứng thư để hàng xuất sang Trung Quốc thì đó là việc làm sai trái, giả mạo của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tạo hồ sơ, tài liệu giả để xuất khẩu lô hàng một cách phi pháp thì doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, ông Lâm khẳng định.

Được biết, thời gian vận chuyển của lô hàng tôm hùm từ TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ra tới cảng ICD Thành Đạt (Móng Cái – Quảng Ninh) mất khoảng 34 – 40 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, theo thông tin báo chí đã phản ánh thì lô hàng có số chứng thư YC0599/21/CH được cấp ngày mùng 5/2 và lô hàng có số chứng thư YC0600/21/CH lại “xuất hiện” trong sổ “nhật ký” của hải quan Trung Quốc vào sáng ngày 6/2.

Thời gian “cập bến” của 2 lô hàng có số chứng thư nêu trên lần lượt: YC0600/21/CH là 9h06’ và 9h07’; YC0599/21/CH là 8h58’ và 8h59’. Đây là điều rất bất thường.

Một lô hàng của Công ty Linh Phát được tập kết tại một bãi đất trống cách nhà xưởng khoảng 200m (Ảnh chụp ngày 22/2/2021)

 

Cơ quan chức năng lên tiếng

Liên quan tới nội dung trên, trao đổi với PV, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết: Ngay sau khi có thông tin phản ánh từ báo chí, Cục đã yêu cầu Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 báo cáo. Điều đầu tiên phải khẳng định là chứng thư YC0600/21/CH đã được phê duyệt cho lô hàng tôm hùm xanh có khối lượng 3.800kg sau khi được thẩm định bởi kiểm tra viên của Trung tâm vùng theo đúng quy định, trên cơ sở đăng ký đề nghị cấp chứng thư của Công ty Linh Phát.

Tuy nhiên sau đó Công ty này đã đề nghị ghép lượng hàng 3.800kg nêu trên vào lô hàng tôm hùm bông đã được thẩm định để được cấp chứng thư YC0599/21/CH. Trong khi đó chứng thư YC0600/21/CH đã được hủy theo đúng quy định. Tức là doanh nghiệp không có bản giấy, bản gốc của chứng thư này. Bản thân số chứng thư YC0600/21/CH sau đó đã được Trung tâm vùng 3 cấp cho lô hàng khác, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Về phía Công ty Linh Phát cũng đã có báo cáo giải trình, khẳng định thực tế không có lô hàng tôm hùm nào của công ty xuất khẩu sang Trung Quốc sử dụng chứng thư YC0600/21/CH (phía doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin này). Cục cũng thông tin thêm rằng, Việt Nam và Trung Quốc đang phối hợp kiểm soát chặt chẽ các lô hàng xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc.

Các trung tâm vùng phải báo cáo hằng ngày danh sách các lô hàng thủy sản được cấp chứng thư sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc chỉ chấp nhận cho nhập khẩu các lô hàng có chứng thư trong danh sách này. Khi PV đề nghị Cục cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan về những thông tin nêu trên thì đại diện Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, hiện hồ sơ đang nằm tại Trung tâm vùng 3, nếu báo chí cần thì Cục sẽ thu thập để chuyển ra ngoài nay (Hà Nội – PV) và cung cấp sau.

Liên quan tới chứng thư YC0600/21/CH, cán bộ của Trung tâm vùng 3 đã làm sai quy trình khi tự ý gửi 1 bản scan (bản điện tử đã được phê duyệt) cho Công ty Linh Phát nhằm mục đích đăng ký thủ tục hải quan trong thời điểm cận tết nguyên đán. Theo thông lệ quốc tế thì lô hàng chỉ được thông qua khi có kèm theo văn bản, chứng thư bằng giấy. Đối với cán bộ có sai sót đã tự kiểm điểm, nhận trách nhiệm và hội đồng cơ quan Trung tâm vùng 3 đã nghiêm khắc, kiểm điểm, phê bình nhân viên này, cũng như lãnh đạo phòng Hành chính tổng hợp (bộ phận tổng hợp chứng thư). Ngoài vấn đề trên, Cục đang yêu cầu Trung tâm vùng 3 xem xét ở mức độ cao hơn.

Cũng theo đại diện Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, hiện nay các lô hàng tôm hùm nói riêng, thủy sản nói chung phải được thẩm định và đáp ứng yêu cầu của Việt Nam và thị trường nhập khẩu theo đúng quy định của thông tư 48, bao gồm cả việc thẩm định về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các chỉ tiêu về dịch bệnh (nếu thị trường nhập khẩu có yêu cầu). Đối với tôm hùm thì Trung Quốc chưa có yêu cầu kiểm tra dịch bệnh trước khi xuất khẩu và tới nay chưa có trường hợp nào bị cảnh báo liên quan tới tôm hùm về vấn đề bệnh.

Trong khi đó ông Ngô Hồng Phong (Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) cho hay, liên quan tới mọi vấn đề xảy ra ở Trung tâm vùng 3 theo thông tin báo chí phản ánh thời gian qua, Cục đang có đoàn kiểm tra công vụ đi thẩm định và xác minh trực tiếp. Khi nào đoàn kết thúc nhiệm vụ, Cục sẽ có đánh giá tài liệu và thông tin cụ thể, chi tiết tới cơ quan báo chí.

Trên thực tế nếu có việc Công ty Linh Phát sử dụng chứng thư YC0600/21/CH để xuất khẩu lô hàng tôm hùm sang Trung Quốc, thì rõ ràng ở đây doanh nghiệp đang có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, báo cáo gian dối, khi đó Cục sẵn sàng đề nghị Cơ quan công an vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ.

Cũng có mặt tại buổi làm việc, ông Đinh Công Thắng, Thanh tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT cho biết: Phía thanh tra Bộ sẽ phối hợp cùng phía cơ quan báo chí bám sát, giám sát vụ việc đến khi có kết quả cuối cùng từ phía các cơ quan có thẩm quyền, liên quan.

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Cũng liên quan tới những vi phạm trong hoạt động sản xuất, bao gói tôm hùm sống xuất khẩu sang Trung Quốc, trước đó Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tạm đình chỉ hoạt động 1 tháng đối với 2 phân xưởng của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Anh Nhân (địa chỉ 42/3E, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Về những vi phạm tại doanh nghiệp trên, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã yêu cầu Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 4 rà soát, làm rõ trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân có liên quan. Trung tâm vùng 4 đã hạ xếp loại lao động đối với 2 kiểm tra viên, một trưởng phòng chuyên môn và tập thể phòng chất lượng của Trung tâm trong năm 2020.

PV

Bạn đang đọc bài viết Công ty Linh Phát có làm trái Thông tư 48 về thẩm định chất lượng tôm hùm xuất khẩu: Cơ quan chức năng lên tiếng tại chuyên mục  Nhịp cầu pháp lý
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT