Theo điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất là đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Theo đó, sử dụng đất đúng mục đích là bắt buộc đối với người sử dụng đất. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và “có thể” bị thu hồi đất. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng kinh doanh trang trại xây dựng trên đất đồi, rừng đang diễn ra ngày càng phức tạp, ở nhiều địa phương.

Trước thực trạng đó, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển thực hiện chuyên đề nghiên cứu “Phát triển Kinh tế trang trại – Từ những quy định của pháp luật đến khảo sát thực tiễn tại huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc)”.

Trang trại lợn xây dựng ngay sát khu dân cư và hoạt động trái quy định tại xã Ngọc Mỹ, Lập Thạch.

Thực tiễn triển khai chuyên đề tại địa bàn xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, phóng viên nhận thấy bên cạnh những trang trại chăn nuôi, được đầu tư xây dựng bài bản, chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương, thì vẫn còn đó nhiều hộ gia đình tự phát, xây dựng những trang trại chăn nuôi quy mô lớn hàng ngàn m2 đất, điều đáng quan tâm là nhiều diện tích đất rừng sản xuất bị san gạt, ngay sau trên phần đất đó nhiều chuồng trại chăn nuôi của một số hộ dân được xây dựng quy mô, có những dấu hiệu chưa đảm bảo các quy định của pháp luật.

Nhiều ngày khảo sát, nghiên cứu tại xã Ngọc Mỹ, phóng viên đã nhận được không ít những ý kiến, kiến nghị của người dân về tình trạng xây dựng trang trại chăn nuôi, để kinh doanh trên đất rừng sản xuất, gần khu dân cư. Nhiều hộ dân đều khẳng định ô nhiễm môi trường tại các khu vực trang trại chăn nuôi rất khó chịu, đặc biệt hiện nay đang là thời gian nắng nóng kéo dài, mùi chất thải từ các trang trại này bốc lên nồng nặc, gây khó thở, ngột ngạt trong khu dân cư.

Những hình ảnh ô nhiễm môi trường từ chất thải trang trại lợn khiến cả con mương cấp nước nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Được biết, trên địa bàn xã Ngọc Mỹ hiện có nhiều dãy chuồng trại chăn nuôi lớn đã xây dựng cách đây nhiều năm, nhưng có những trang trại mới xây dựng và hoạt động cách đây chỉ vài tháng.

Trang trại lợn xây dựng trong khu dân cư không phải đất quy hoạch khu vực chăn nuôi

Tuy nhiên, theo những gì phóng viên ghi nhận được từ thực tiễn và phản ánh từ người dân xung quanh các khu vực chăn nuôi cho thấy, dù là những dãy chuồng được xây dựng từ lâu hay mới xây dựng thì tất cả đều có một điểm chung là công trình xây dựng trên diện tích đất rừng lớn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, các trang trại này xả thải trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh khu vực.

Ý kiến của bà N.T.T, nhà tôi ngay cạnh con suối nên hàng ngày trang trại xả nước thải ra bốc mùi hôi khó rất khó chịu. Những hôm mưa nước nó chảy ra với nước thải của trang trại chảy qua cống không kịp làm nước thải dâng lên tràn hết ra cánh đồng lúa của chúng tôi làm hỏng hết hoa màu và hơn nữa nước dâng cao ngay đằng sau nhà tôi mùi rất khổ. Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến với chính quyền rồi nhưng không thấy ai nói gì cả.

Xả thải không qua xử lý theo quy định của các trang trại đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân.

Để làm rõ những bức xúc và trăn trở của người dân về môi trường sống hàng ngày của hàng chục hộ dân xã Ngọc Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi chính quyền chưa vào cuộc. Phóng viên trao đổi với lãnh đạo UBND xã Ngọc Mỹ, ông Nguyễn Thành Trung – Chủ tịch UBND xã, khẳng định: Xã đã nắm bắt được tình trạng các trang trại xây dựng trái phép trên các diện tích đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nội dung xã nắm bắt được là sau những thông tin từ báo chí. Phía chính quyền xã đã tuyên truyền đến từng trang trại, yêu cầu các hộ kinh doanh chăn nuôi phải đảm bảo môi trường.

Trụ sở UBND xã Ngọc Mỹ huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc)

Tuy nhiên, khi được hỏi về những biện pháp của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các trang trại trái phép, thì ông Nguyễn Thành Trung – Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết, những trường hợp mới xây dựng vi phạm và những trường hợp trước thì phía chính quyền địa phương chưa có biên bản làm việc hay gì cả, chỉ mới tuyên truyền. Chính quyền cũng chỉ là tạo điều kiện cho người dân.

Như vậy, đối chiếu theo quy định của pháp luật, căn cứ vào các thủ tục cấp phép kinh doanh trang trại chăn nuôi lợn theo quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư năm 2020, kinh doanh trang trại chăn nuôi thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; do vậy nhà đầu tư phải thực hiện đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp đăng ký kinh doanh cho cá nhân: Chủ trang trại thực hiện lập hồ sơ gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện) xem xét cấp giấy đăng ký kinh doanh.

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đất đai, môi trường, cấp phép xây dựng… theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật có liên quan.

Trang trại lợn tự phát trên đất nông nghiệp trái quy định nhưng UBND xã Ngọc Mỹ không có bất cứ hoạt động can thiệp nào theo chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương

Như vậy, các trang trại tự phát xây dựng rộng hàng ngàn mét vuông tại xã Ngọc Mỹ là chưa đúng với các quy định nêu trên. Chính quyền địa phương cấp xã, ở đây là UBND xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) chưa chủ động trong việc quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng người dân sử dụng đất trái mục đích, xây dựng trang trại khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Trên cơ sở những nội dung nghiên cứu như trên, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển kính đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Lập Thạch, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Mỹ nhìn nhận, xem xét, rà soát kiểm tra dưới góc độ quản lý đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo rất sát sao về tăng cường quản lý đất đai, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra các trường hợp vi phạm, không kịp thời xử lý sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể là Chỉ thị số 32 ngày 12/09/2019 Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cần có trách nhiệm trước những kiến nghị của nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trang trại lợn trái phép trên.

Bên cạnh đó, địa phương cần có giải pháp căn cơ xử lý tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trang trại lợn chưa qua cấp phép, gây ô nhiễm môi trường… qua đó, trả lại môi trường sống an toàn, bảo đảm cho sức khỏe nhân dân.

Theo KDPT