web analytics

Cắt giảm điều kiện kinh doanh tiết kiệm hơn 870 tỷ mỗi năm 23/05/2019

(KDTT) – Chính phủ ước tính cắt giảm điều kiện kinh doanh giúp doanh nghiệp và người dân giảm hơn 5,84 triệu ngày công mỗi năm.

Theo báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm và chống lãng phí năm 2018, Chính phủ đã chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu.

8 trong số 16 bộ đã đánh giá tác động kinh tế nhờ rà soát và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Theo đó, việc này tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5,84 triệu ngày công, tương đương 872 tỷ đồng mỗi năm.

Báo cáo cũng cho biết, nhiều bộ ngành và địa phương đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến với số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến ngày càng tăng (đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan và tư pháp) nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả vẫn chưa được xử lý dứt điểm. TP HCM là địa phương dẫn đầu danh sách hồ sơ giải quyết quá hạn với gần 70.000 bộ, tiếp đến là tỉnh Long An hơn 17.000 bộ, tỉnh Bình Dương gần 5.200 bộ. Nguyên nhân chính theo Chính phủ là việc phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt, thiếu biên chế và công chức trực tiếp giải quyết hồ sơ.

Thống kê chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ cho biết trong năm 2018 đã có 23 đơn vị được cổ phần hóa với tổng giá trị 31.700 tỷ đồng, 28 doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu bằng hình thức đấu giá công khai và thu về hơn 21.800 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp ước tính gần 21.700 tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá việc phê duyệt phương án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm. Hai địa phương có số lượng doanh nghiệp phải cổ phần lớn là TP HCM và Hà Nội nhưng lại chưa thực hiện đúng kế hoạch. Đồng thời, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn rất hạn chế, chưa tương xứng nguồn lực nhà nước đầu tư. Thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, mất an toàn tài chính và buộc phải có biện pháp giám sát như Vinafood 1, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội, Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam…

Theo VNE