web analytics

Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương: Nơi hội tụ văn hóa Việt Nam 06/01/2021

(KDTT) – Doanh nhân Cao Văn Tuấn (Hải Phòng) được nhiều người gọi bằng cái tên xù xì, gai góc: Tuấn “cá sấu”, nhưng đằng sau đó là một con người yêu cái đẹp và trân quý văn hóa Việt Nam.

Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương tại Hải Phòng của doanh nhân Cao Văn Tuấn.

“Vua cá sấu” đất Bắc và ba “người tình”

Ông Tuấn hay nói vui với mọi người rằng, ông có ba “người tình”. “Người tình” thứ nhất là hội họa, “người tình” thứ hai là cổ vật và “người tình” thứ ba là cá sấu. Nhưng người đời chỉ biết nhiều tới ông với biệt danh ông “vua cá sấu”, bởi ông là người đầu tiên đưa cá sấu từ miền Nam ra Bắc gây nuôi, nghiên cứu và phát triển thành công. Tại đại bản doanh của Công ty Cá sấu Việt Nam rộng 10.000 m2 ở Hải Phòng, người ta không chỉ nhìn thấy cá sấu, mà còn được chiêm ngưỡng hàng trăm cổ vật, tác phẩm nghệ thuật được ông Tuấn dày công sưu tầm.

Không gian trưng bày cổ vật tại Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương.

Tuấn “cá sấu” sở hữu 2 bộ sưu tập đáng giá: Bộ đĩa, bát, thạp, bình cổ có niên đại 2.000 năm, đến thời Nguyễn cùng các loại đèn dầu, đèn Hoa Kỳ như lưu giữ dấu ấn văn minh người Pháp đưa vào Việt Nam cùng bộ sưu tập 300 bức tranh của các danh họa mỹ thuật Đông Dương và nhiều họa sĩ đương đại nổi tiếng Việt Nam. Bằng hai bộ sưu tập này, với niềm đam mê văn chương, nghệ thuật, chịu học, đọc không ngừng và muốn lan tỏa những câu chuyện văn hóa đằng sau những cổ vật quý giá đó đã thôi thúc ông quyết định mở Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương.

Cổ vật tại bảo tàng được sắp xếp theo từng thời kỳ.

Ông Tuấn tự nhận: “Tôi không phải nhà văn hoá, hay nghiên cứu gì, càng không phải chuyên gia bảo tàng. Tôi chỉ là người yêu văn hoá Việt, tôi có thể nghèo đi về vật chất, thậm chí phá sản vì làm bảo tàng. Nhưng tôi vẫn cứ làm, vì tôi đam mê và yêu văn hoá Việt. Tôi trọng tài năng và yêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ và những người làm nghệ thuật. Tôi luôn dặn mình phải đối xử tử tế với họ.Tôi xem tác phẩm và tôn trọng họ. Tôi muốn lưu giữ những giá trị văn hoá bằng trí tuệ thực sự của họ trong lao động, dĩ nhiên cả sự tử tế… Mà sự tử tế thì không để trưng bày vào bảo tàng”.

Tôi không kinh doanh bảo tàng

Với một người yêu văn học như ông Tuấn, tên của bảo tàng cũng chứa đựng cả một câu chuyện đằng sau đó. Ông Tuấn hóm hỉnh chia sẻ về ý nghĩa “Đông Dương” rằng: “Bảo tàng quay hướng Đông, tôi tuổi hoàng hôn, nhưng rất thích mỗi sáng bình minh, nên đặt tên là Đông Dương”. Hài hước, đơn giản là thế, tuy nhiên nếu được tận mắt chứng kiến gia tài cổ vật đồ sộ của ông Tuấn, sẽ hiểu “Đông Dương” còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế nữa. Đó chính là sự hội tụ của văn hóa Việt Nam, đó là tự tôn dân tộc.

Long sàng triều Nguyễn, được đưa về từ Kiên Giang, quê gốc của Nam Phương Hoàng hậu. Niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Hai “người tình” hội họa và cổ vật là những tình yêu lớn nhất của ông, vì vậy đối với Tuấn “cá sấu” tình yêu không thể được mua bằng tiền, ông luôn khẳng định “không kinh doanh bảo tàng”.

Ông chia sẻ: “Thử hỏi những ai yêu văn hoá Việt, khi bạn sưu tập được một hiện vật hay các tác phẩm nghệ thuật đã tốn nhiều công sức và tiền bạc rồi. Nhưng để đưa ra trưng bày được cho công chúng xem thì còn tốn kém hơn rất nhiều lần. Như họa sỹ triển lãm tranh vậy. Thử hỏi trong đời họa sỹ, vẽ thì nhiều triển lãm được bao nhiêu lần? Vậy kinh doanh bảo tàng ư? Không. Tôi không kinh doanh”.

Cổ vật được trưng bày tại bảo tàng của ông “vua cá sấu” đất Bắc.

Hiện thực hóa ước mơ

Việt Nam có trên 100 bảo tàng nhưng ở nước ta rất ít bảo tàng có chất lượng và lôi cuốn được công chúng. Sức hấp dẫn của các bảo tàng đối với công chúng hiện nay không tăng lên bởi vì số bảo tàng mới ra đời vì thiếu tính sáng tạo, thiếu sự hấp dẫn, không đáp ứng được sự mong đợi của xã hội. Bảo tàng chỉ để trưng bày cổ vật mà không có các hoạt động khác để thu hút khách tham quan, góp phần biến bảo tàng thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn.

Ông Tuấn “cá sấu” nhớ rõ từng câu chuyện của tất cả các cổ vật tại bảo tàng.

Do đó với giấc mơ cuối tuần có thể nhìn thấy hình ảnh dân chúng xếp hàng dài vào thăm bảo tàng đã khiến ông Tuấn ngày đêm gây dựng, dành rất nhiều tâm huyết cho Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương, để biến giấc mơ đó thành sự thật.

Có đến hàng trăm cổ vật tại bảo tàng của Tuấn “cá sấu”, đi cùng với đó là hàng trăm câu chuyện từ nguồn gốc, niên đại, quá trình sưu tập đều được ông Tuấn nhớ rõ như lòng bàn tay. Ông còn đùa nói: “Có lẽ phải tự thân tôi đi thuyết minh cho khách tham quan mới được, chứ nhân viên có khi khó mà nhớ hết như mình”.

Ông Tuấn đã phục dựng thành công mái nhà thời Lý thế kỷ 11-13. Các chi tiết ống tơ, lá đề, đầu đao rồng với tỉ lệ 1/1 chuẩn bản vẽ.

Trong bộ sưu tập cổ vật của “vua cá sấu” đất Bắc có những cổ vật có niên đại từ thế kỷ I, vô cùng quý giá. Ông chia sẻ: “Do trải qua thời gian dài cùng lịch sử nên nhiều cổ vật khi được tìm thấy đã không giữ được sự nguyên vẹn ban đầu. Tôi phải tìm thợ phục chế giỏi nhất để chế tác lại những chỗ hư hỏng, công việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức”.

Cổ vật được trưng bày tại bảo tàng.

Từ nay, tại đại bản doanh của Công ty Cá sấu Việt Nam, du khách không chỉ được tận mắt nhìn thấy loài vật gai góc nhưng dũng mãnh như cá sấu mà còn được tìm hiểu văn hóa dân tộc. Đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ cho người dân miền Bắc khi có nhu cầu du lịch, dã ngoại trong ngày.

HOÀNG NGA

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT