web analytics

“Ai nhớ Tố Như…” đưa Truyện Kiều đến gần hơn với công chúng 30/10/2020

(KDTT) – Chuỗi chương trình nằm trong sự kiện “Ai nhớ Tố Như…” nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820 – 2020) được MaiHaBooks tổ chức.

Tham dự sự kiện có các học giả, nhà nghiên cứu tên tuổi về Nguyễn Du và Truyện Kiều như PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, nhà thơ Vương Trọng, dịch giả và thi pháp gia Châu Hải Đường, nhà nghiên cứu Phật học và thi pháp gia Thiền Phong, họa sĩ Ngọc Dân…

3 tác phẩm được MaiHaBooks ra mắt.

Trong khuôn khổ sự kiện, MaiHaBooks ra mắt độc giả 3 tác phẩm đặc sắc gồm: Kim Vân Kiều, Lãm Thúy Tập, Tập văn họa Kỷ niệm Nguyễn Du. Trong đó, Kim Vân Kiều là bản Truyện Kiều tái bản theo bản in năm 1951 của Nhà Xuất bản Văn học, giữ nguyên phong cách trình bày. Lãm Thúy Tập ngâm ngợi lời thơ mỹ lệ của Kiều để lẩy lên những ý tình sâu lắng của người, của đời, của cảnh. Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du lại ngân lên những áng văn tinh tế, hào hoa mà chân thực, trữ tình, chất chứa bao suy ngẫm rất nhân sinh về Truyện Kiều, về cuộc đời, nhân tình thế thái quanh nàng Kiều…

Các tác phẩm văn học, hội họa được trưng bày tại chương trình.

Tại lễ khai mạc chương trình, không gian “Kiều trong thời đại Nguyễn Du” được tái hiện với khung cảnh thư phòng của nhà nho thời cuối Lê đầu Nguyễn với bút nghiên, Truyện Kiều bằng chữ Nôm; Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân; các ấn phẩm về Nguyễn Du; thư pháp thơ chữ Hán Nguyễn Du và Truyện Kiều; tranh dân gian họa Kiều.

Tọa đàm “Kiều trong cuộc sống hôm nay” diễn ra vào sáng nay (29/10), với sự tham dự của GS Trần Đình Sử, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, họa sĩ Lê Thiết Cương và sự dẫn dắt của TS. Mai Anh Tuấn cho thấy tầm quan trọng với đời sống thực tiễn của ba tác phẩm MaiHaBooks ra mắt trong chương trình.

“Ba tác phẩm được in với nhiều công phu, có những điểm thú vị. Trong đó, có tác phẩm dựa trên các câu thơ của Kiều để sáng tác những bài thơ mới. Một mặt thể hiện sự đam mê, thuộc Truyện Kiều, một mặt thế hiện khả năng sáng tác mới, mang tính chất chơi văn thể hiện tài hoa của mỗi người, điều này rất khó, hiện nay ít người làm được”, GS Trần Đình Sử nhận xét.

Tọa đàm “Kiều trong cuộc sống”.

Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là niềm tự hào của nền văn học Việt Nam. Vì vậy PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn cho rằng “Truyện Kiều là di sản của Việt Nam, đặt ra nhiều câu hỏi cho các thế hệ từ những người 15 tuổi đến 70,80 tuổi càng đọc càng ngẫm ra nhiều điều, thấm thía được kiếp người. Với mỗi cấp học khác nhau sẽ có những cách suy nghĩ khác nhau khi đọc Truyện Kiều. Đối với học sinh, khi đọc Truyện Kiều sẽ có nhiều câu hỏi như vì sao tà tà bóng ngả về Tây mà không phải về phía Đông”.

GS Trần Đình Sử gợi ý nên đưa Truyện Kiều vào chương trình học và thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, để từ đó thế hệ trẻ mới quan tâm và hiểu về tuyệt phẩm văn học này nhiều hơn nữa.

Hơn 20 bức tranh thư họa Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và thư pháp gia Châu Hải Đường cũng được ra mắt công chúng, đó là sự kết hợp ấn tượng giữa trường phái hội họa lập thể của phương Tây và thư pháp truyền thống của phương Đông trong những họa hình sâu sắc, tinh tế về Kiều, được thể hiện trên chất liệu giấy dó truyền thống Việt Nam.

Công chúng sẽ được đắm chìm trong không gian Truyện Kiều.

Nói về họa Kiều, họa sĩ Lê Thiết Chương cho rằng, “Nếu xét về hội họa nói chung thì có thể sáng tác trên bất kỳ cảm hứng nào, nhưng minh họa trên Truyện Kiều thì năng lực, cảm hứng, các tiếp cận thi ca của người họa sĩ phải tinh tường hơn người khác, sự biên dịch từ ngôn ngữ thi ca sang ngôn ngữ hội họa. Nội dung của bức tranh phải dựa trên những câu Kiều, phải bám theo nội dung câu chuyện và phong cách hội họa của từng họa sĩ”.

Chuỗi chương trình sự kiện văn hóa “Ai nhớ Tố Như” kéo dài đến hết ngày 31/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), hứa hẹn sẽ đem tới cho công chúng những thông tin thú vị về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và Truyện Kiều.

HOA NINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT