web analytics

Ấm no đang nảy mầm, vươn lá 17/05/2019

(KPTT) – Người ta gọi những người như chúng tôi là hải quy. Nghĩa đen là rùa biển, nhưng cũng có nghĩa là những người Việt hải ngoại hay từ nước ngoài quy tụ về quê hương Việt Nam, về đất mẹ. Về hay ở lại? Cách đây hơn 4 năm câu trả lời của tôi với chính mình là: hãy trở về và làm điều gì đó cho Tổ Quốc tôi.

Trần Phương Anh, Giám đốc Công ty CP Nhang Phụng Nghi

Khi trở về, điều đầu tiên chúng tôi chọn để “làm gì đó cho Tổ Quốc tôi” là dành hết thời gian và tâm sức để làm giàu cho quê hương. Càng đi xa càng thấy thương những dáng lưng còng, tóc bạc, quanh năm vất vả ruộng đồng, lay lắt với những nghề truyền thống đang bị kinh tế thị trường “rình rập” xóa sổ. Người chọn bảo tồn nghề nhang, người giữ gìn lụa lãnh, người làm nông nghiệp công nghệ cao… Tất cả chỉ ước ao làm sao mồ hôi đổ xuống sẽ có ấm no nảy mầm.

Cách đây mấy năm, đọc một trang báo Tết, tôi thực sự xúc động khi bắt gặp chia sẻ của một người bạn “hải quy” như mình: “Tôi đã lựa chọn một cách tự nguyện và không cần đòi hỏi là góp phần bảo tồn, gìn giữ một linh vật dù bé nhỏ nhưng vô cùng linh thiêng trong tín ngưỡng người Việt: đó chính là nén nhang. Cách đây đúng 3 mùa xuân, con đường tôi đi khắp các vùng làm nhang trên cả nước để tìm lại nét văn hóa dân gian truyền thống của nén nhang Việt, tìm lại trong vốn cổ những công thức hương nhang đã bị thất truyền, luôn là những ngày mới mẻ và tràn ngập những khám phá diệu kỳ về Tổ quốc, về chính mảnh đất mà chúng ta đang sống hàng ngày. Trải qua 3 năm xuôi ngược như vậy, trong tôi ngày nào cũng vẫn như mùa Xuân của ngày đầu tiên tôi bắt đầu hành trình vậy. Bởi vì có lẽ như tôi đã nõi trên đây, tôi làm “một cách tự nguyện” và “không cần đòi hỏi gì””.

Giống như nén nhang, những sản phẩm hàng hóa khác như tấm lụa, chiếc nón, chiếc chiếu, cái rổ… đều đã có thể được sản xuất công nghiệp. Dĩ nhiên, sản phẩm hàng loạt không có được cái độc đáo, đặc sắc như hàng thủ công. Nhưng người tiêu dùng phổ thông không cần đến sự khác biệt đó… Cứ thế, bao nhiêu nhọc nhằn dồn lên vai người làm nghề truyền thống. Chia sẻ với họ, truyền cho họ hi vọng cũng là tự mình đặt gánh nặng lên vai. Nhưng thấy vui biết bao vì sự trăn trở của doanh nghiệp chúng tôi cũng đã đóng góp được phần nhỏ bé gìn giữ nét văn hóa truyền thống của Tổ quốc.

Chúng tôi thường nghe hàng năm về những con số doanh nghiệp phá sản, làm ăn lụi bại. Đa phần cho rằng “không đủ sức cạnh tranh trong thời đại công nghiệp 4.0”. Thực ra, đó chỉ là cách nói mĩ miều. Còn tôi, tôi cho rằng nguyên nhân đơn giản nhất: có lẽ các doanh nghiệp này chưa tìm được đâu là niềm đam mê và đâu là thế mạnh thật sự của mình. Thay vì cái gì cũng làm được, hãy chỉ một thứ cho thật tốt trước đã. Và biến thứ thật tốt đó vươn dài ra biển lớn, cạnh tranh sòng phẳng trên toàn cầu. Tâm thế, trí tuệ và tố chất cạnh tranh của người Việt qua lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã được kiểm chứng thật sự rõ ràng !

Một năm đã qua với bao lo toan, vất vả, bộn bề. Nhưng mỗi khi mùa xuân đến cũng là lúc chúng ta thu xếp lại chuyện cũ, để cùng hướng tới một năm mới tràn đầy niềm tin và hi vọng.

Người ta nói một câu rất đúng: “Là doanh nhân, anh phải thật lạc quan. Nếu không ai làm cho anh hạnh phúc thì anh phải tự làm cho anh hạnh phúc”.

Hãy nghĩ nếu bốn mùa đều là mùa Xuân, lúc nào cũng trăm hoa đua nở, thì góc núi kia ai hay biết sức của cây tùng, cây bách dầm sương gió, chịu giá rét suốt Đông trường. Các tập đoàn tư bản hùng mạnh của thế giới cũng phải trải qua nhiều cơn sóng gió bên bờ phá sản, rồi lại tái cơ cấu chuyển mình đầy đau đớn để tiếp tục phát triển và chi phối toàn cầu. Thế mới biết, cạnh tranh là động lực của phát triển. Cạnh tranh giữa các cá thể và cạnh tranh ngay trong lòng một cá thể. Và cái chết chính là khởi đầu cho một sự sống mới. Xuân, Hạ, Thu, Đông, rồi lại Xuân…

Đã là năm 2019, mong rằng mỗi doanh nhân, ai cũng tìm thấy một điều để thật sự đam mê, làm tự nguyện và không cần đòi hỏi, làm một điều gì đó cho quê hương, cho Tổ quốc. Và gian nan thế nào cũng xin giữ tinh thần lạc quan, vì trong lòng đã có Xuân, thì ngoài kia bốn mùa cũng là mùa Xuân vậy.

Trần Phương Anh, Giám đốc Công ty CP Nhang Phụng Nghi