web analytics

Doanh nhân – chiến sỹ thời bình chấn hưng đất nước sau đại dịch 16/04/2020

(KDTT) – Dịch covid-19 đã và đang gây hệ luỵ lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng trầm trọng. Để đứng vững và tiếp tục phát triển, Việt Nam cần hình thành sớm những kịch bản vực dậy nền kinh tế, mà trong đó lực lượng nòng cốt là các doanh nhân, doanh nghiệp.

Thế giới sẽ thấy rõ một “thương hiệu” Việt Nam luôn đoàn kết, đồng lòng, vượt khó sau đại dịch.

Hội nghị “Diên Hồng”

Khi số ca mắc covid-19 toàn cầu đã tăng lên hơn 2 triệu người, quỹ tiền tệ quốc tế IMF ngày 14/4 dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay, trong đó các nền kinh tế phát triển phương Tây sẽ ghi nhận mức giảm mạnh nhất tới 6,1%.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch covid -19, dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp ngày càng gia tăng, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành khảo sát nhanh tình hình doanh nghiệp, đồng thời tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo của gần 100 hiệp hội doanh nghiệp vào đầu tháng 4/2020 để có thông tin, xây dựng kịch bản ứng phó cũng như chia sẻ khó khăn, động viên tình thần các doanh nhân.

Có thể nói, đây là “Hội nghị Diên Hồng” trong thời cách mạng 4.0 với sự đồng thuận một lòng từ Đảng, Chính phủ cho đến người dân, doanh nhân và mọi tầng lớp xã hội.

Với tinh thần chia sẻ, Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận, đánh giá sâu sắc, đại dịch làm mất đi nhiều nguồn lực xã hội ngay trong nội tại của từng doanh nghiệp, doanh nhân và đây là một thử thách vô cùng gian khổ đối với các doanh nhân, doanh nghiệp.

Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cùng với việc hỗ trợ vốn, Chính phủ đã ban hành Nghị định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị thiệt hại lớn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa…

Song song việc hỗ trợ vốn, Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, giúp doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội cũng ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp.

Ngoài ra còn có hàng loạt những chính sách giúp cho doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn như lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng; được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động…

Tất cả những quyết sách chính xác và kịp thời này, đều xuất phát từ tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Đảng, từ những đóng góp thấu tình thông qua các “Hội nghị Diên Hồng”, đã góp phần chia sẻ khó khăn với doanh nhân, doanh nghiệp để rồi cùng cả nước vững tin vượt qua sóng gió.

Nhìn lại qua các thời kỳ, dân tộc Việt Nam đã từng có các “Hội nghị Diên Hồng”, từ đó tạo ra các phong trào rất sáng tạo trong chiến đấu và sản xuất kinh doanh để hun đúc thành niềm tự hào Việt Nam như phong trào nhường cơm sẻ áo, phụ nữ ba đảm đang, tiếng hát át tiếng bom… Qua đó tạo nên sức mạnh vượt qua hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, giành lại độc lập, xây dựng Việt Nam giàu mạnh.

Những đóng góp thấu tình thông qua các “Hội nghị Diên Hồng”, đã góp phần chia sẻ khó khăn với doanh nhân, doanh nghiệp.

Doanh nhân – những chiến sĩ thời bình

Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã xác định doanh nhân là những “chiến sĩ thời bình” chấn hưng đất nước, hơn thế nữa, lực lượng doanh nhân còn có vị thế, vai trò xứng đáng được nhà nước và xã hội quan tâm, tôn trọng.

Bằng trí tuệ, nhiệt huyết và bản lĩnh, các doanh nhân đã bươn trải, vượt qua mọi thách thức để trụ vững trên thương trường, kinh doanh ngày càng hiệu quả. Hiện cả nước có 714.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm hơn 60% GDP cả nước.

Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ tạo ra lợi ích cho mình, cho đất nước mà còn tham gia tích cực vào chính sách an sinh xã hội, thể hiện tinh thần yêu nước, hào khí Việt Nam. Đó là khi có lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, các doanh nhân đã chung tay đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho an sinh xã hội, cho phòng chống dịch bệnh, làm nức lòng nhân dân cả nước. Thế giới đánh giá đây là tính cộng đồng, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau mà chỉ ở Việt Nam mới có được.

Việt Nam cần hình thành sớm kịch bản để vực dậy nền kinh tế.

Trong gian khổ mới thấy lòng người, thế hệ doanh nhân Việt Nam hôm nay cảm nhận được rất rõ hơi thở cuộc sống, cảm nhận được sự ân cần của Đảng và Chính phủ dành cho giới doanh nhân. Trong hoạn nạn họ càng sát cánh bên nhau, cùng nhau bàn bạc chia sẻ, tìm ra những giải pháp tốt nhất để thoát khỏi khó khăn, vực dậy nền kinh tế, xứng đáng với lòng tin yêu của đất mẹ Việt Nam dành cho họ.

Rồi thế giới sẽ thấy một Việt Nam đoàn kết hơn sau dịch với nhiều phong trào thi đua sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, giữ vững kỷ cương phép nước, giữ vững tinh thần dân tộc, năng động vượt qua mọi thách thức để đảm bảo các chỉ tiêu an sinh xã hội cho một đất nước chuyển động phát triển bền vững.

Đảng và Chính phủ luôn tin tưởng vào bàn tay, khối óc của các doanh nhân Việt Nam. Với lòng yêu nước nồng nàn, họ sẽ tạo nên một cuộc cách mạng công nghiệp mới, thành công và bền vững hơn bao giờ hết. Hãy tin ở doanh nhân Việt Nam, những người chiến sĩ thời bình chấn hưng đất nước.

Theo KDPT