Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (thứ 3 từ trái qua) cùng đại diện các đối tác quốc tế trong buổi lễ Thông qua Tuyên bố của JETP Việt Nam tại Brussels (Bỉ).

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ JETP.

Đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, và hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với sự hỗ trợ của quốc tế.

Việc thông qua tuyên bố chính trị cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ, nhất quán và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay.

Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra rất nhiều thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi và hợp tác với các nước và các đối tác quốc tế khác, trên cơ sở công bằng, công lý, bình đẳng, cùng có lợi, để vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vừa giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 14/12, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận JETP.

Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.

JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới, gồm: Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030; giảm tới 30% phát thải hằng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn và đẩy nhanh đỉnh phát thải sớm thêm 5 năm vào năm 2030; giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30,2 GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37 GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại.

Khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu này được hoàn thành.

Lãnh đạo Liên Hợp Quốc, Uỷ ban châu Âu và nhiều quốc gia đã hoan nghênh thoả thuận và gửi lời chúc mừng Việt Nam.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho rằng, với thỏa thuận này, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong một khuôn khổ hợp tác mới để thực hiện một quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, bao trùm và hướng đến năng lượng tái tạo. JETP là một công cụ quan trọng để khơi thông những nỗ lực giảm phát thải mà thế giới của chúng ta cần trong những năm 2020.

Chúng ta cần chung tay để hiện thực hóa quá trình chuyển dịch năng lượng mang tính toàn cầu, bền vững, công bằng, toàn diện và hợp lý. Liên Hợp Quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ JETP và tất cả các nỗ lực hợp tác khác – Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc vạch ra một lộ trình chuyển dịch sang năng lượng sạch đầy tham vọng, mang lại an ninh năng lượng lâu dài. Hoa Kỳ tự hào là một đối tác trong nỗ lực này. Cam kết lịch sử của Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo ra cơ hội to lớn cho người dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu toàn cầu.