Theo Tổng cục Hải quan, con số này còn cao hơn kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm ngoái. Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, thanh long là trái cây đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này. Đặc biệt xuất khẩu sầu riêng 8 tháng chiếm 30% tổng kim ngạch.

Sầu riêng đóng góp 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nguyên nhân xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh là do tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ loại quả này ở các tỉnh phía Nam nên lượng hàng xuất sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến. Từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng sẽ tăng vọt và xuất khẩu sầu riêng vượt 1 tỷ USD.

Hiện, giá thu mua sầu riêng đang tăng mạnh do hàng miền Tây vào cuối vụ. Tại các nhà vườn, giá sầu riêng loại một đang rao bán 85.000 – 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Gần đây, giá sầu riêng Việt Nam được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc mua giá cao. Ngoài ra, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, mặt hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 7 tháng đầu năm 2023 đều tăng trưởng tốt, trừ thị trường Hoa Kỳ, thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Úc. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tăng 128,5% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng cao góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan trong năm 2023, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 64,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 140,5 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; tới Hàn Quốc đạt 125,1 triệu USD, tăng 13%; tới Nhật Bản đạt 105,6 triệu USD, tăng 5,5%… Nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường này lớn, nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu một phần nhỏ so với tổng nhu cầu, do đó còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác.

Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỉ USD. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.