web analytics

Xử lý rác thải rắn bằng hệ thống “xanh” 22/12/2020

(KDTT) – Việc nghiên cứu, sử dụng năng lượng hiệu quả nằm trong chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng bền vững, liên quan chặt chẽ tới phát triển kinh tế, an toàn năng lượng và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, chất thải rắn (CTR) và chất thải khó phân huỷ đang trở thành vấn nạn không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới.

“Cái khó, ló cái khôn”

Quá trình đô thị hóa, cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày càng tăng cao, với khối lượng phát sinh chất thải ở Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm. Hiện nay, trung bình tại Việt Nam có gần 35.000 tấn CTR sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn CTR sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Khoảng 85 % lượng CTR này hiện đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và chưa tận dụng được hiệu quả nguồn năng lượng sinh ra.

Kỹ sư Lê Mạnh Tuấn,
cựu nghiên cứu viên chính của Viện Ứng dụng Công nghệ,
là người đứng đầu công trình Lò đốt rác đa năng,
sử dụng năng lượng tái tạo để xử lý chất thải rắn.

Công trình “Nghiên cứu sử dụng năng lượng tái tạo Envinam để xử lý chất thải rắn” của Kỹ sư Lê Mạnh Tuấn – Cựu nghiên cứu viên chính của Viện Ứng dụng Công nghệ (hiện là GĐ công ty TNHH Công nghệ Long Phương), với sản phẩm Lò đốt rác đa năng là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề rác thải, CTR.

Đặc trưng cơ bản của công nghệ Envinam đạt tiêu chí không khói đen, không mùi, không ồn, không nhiên liệu. Công trình nghiên cứu đã chế tạo thành công loại thiết bị tận dụng năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ Envinam để tiêu huỷ đa năng các loại rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải công nghiệp độc hại khó phân huỷ, rác thải hỗn hợp lương thực thực phẩm và gia súc, gia cầm bị nhiễm dịch bệnh,…

Đặc biệt, công nghệ Envinam không dùng nhiên liệu phụ trợ để đốt CTR mà sử dụng năng lượng sẵn có trong rác để gia tăng nhiệt và đốt cháy hoàn toàn, đốt rác cháy kiệt hoàn toàn và đồng thời nâng nhiệt độ buồng thứ cấp lên nhiệt độ đủ để xử lý khí thải không phát sinh furan hoặc dioxin. Hệ thống rửa khí thải dạng ướt triệt tiêu bụi, khói, khí độc thải ra môi trường.

Đối với hiệu quả kinh tế của nghiên cứu, thực hiện từ khâu thiết kế, chế tạo, lắp ráp, hoàn thiện, tốn khoảng 200 triệu VNĐ/1 tấn CTR. Hệ thống cũng tự động hóa hoàn toàn, không dùng nhiên liệu đốt kèm, chi phí vận hành rất thấp, và một công nhân cũng có thể xử lý vận hành hệ thống.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, có khoảng 71% tổng lượng chất thải đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tương đương 43 nghìn tấn/ngày, đêm. Nếu như phương pháp xử lý này chiếm mất diện tích đất lớn, gây khó khăn cho khả năng phục hồi môi trường, thì hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo Envinam có khả năng xử lý khói thải triệt để, cùng với hệ thống thu nhiệt và làm lạnh khí thải, giúp khí thải đầu ra sạch hoàn toàn, không gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Khả năng áp dụng của hệ thống phù hợp cho các cụm xã, thị trấn, cụm dân cư, xã đảo (5.000 – 10.000 dân), bệnh viện, khu dân cư hoặc cụm công nghiệp nhỏ. Đây chính là sự sáng tạo thực tiễn áp dụng cho các vùng đang bức bối về rác thải. Ngoài ra, với diện tích xây dựng nhỏ, hiệu quả về tiết kiệm được diện tích mặt bằng chôn lấp rác thải trong bối cảnh đất đai ngày càng khan hiếm.

Đáp án không vô nghiệm

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo là 8,4%/năm đối với khu vực đô thị và tổng mức độ tăng dự báo khoảng 5% mỗi năm, tổng lượng chất thải ước trên cả nước tính tăng lên 54 triệu tấn vào năm 2030.

Theo Kỹ sư Lê Mạnh Tuấn, việc hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo Envinam, hoàn toàn không dùng nhiên liệu phụ trợ đốt kèm có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ khí hậu có nhiều biến đổi như hiện nay, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới như Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ.

Rõ ràng, nghiên cứu này đã lấy lại lòng tin cho nhân dân trong công tác môi trường do rất an toàn và thân thiện với môi trường. Sản phẩm được chế tạo ngay trong nước, có ý nghĩa thực tiễn lớn trong việc giảm chi phí đầu tư, chủ động trong việc thiết kế mẫu mã, bảo trì sửa chữa chúng dẫn tới giảm giá thành mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm có thể sản xuất đại trà ở phạm vi công nghiệp sớm giải quyết bài toán môi trường và việc làm cho Việt Nam, nước  ta sẽ không bị lệ thuộc vào công nghệ của thế giới.

Lò đốt ENVINAM 200 đã được cấp giấy chứng nhận hợp quy CR của Vinacontrol.

Đạt giải 3 của Giải thưởng WIPO 2019 (Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam), lò đốt rác đa năng của Kỹ sư Lê Mạnh Tuấn góp phần thúc đẩy khả năng sáng tạo, tư duy, nắm bắt khoa học kỹ thuật của các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam; ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới để thiết kế, lập quy trình công nghệ,… vào thực tiễn ở Việt Nam.

Được biết, thiết bị đã được cấp phép sử dụng dấu hiệu hợp quy CR, và đã được kiểm định tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Trung tâm chứng nhận và kiểm định Vinacontrol,…

Giữa lúc chất thải rắn đang là một vấn đề lớn đối với môi trường ở nước ta hiện nay, nhất là tại các đô thị, thì công trình nghiên cứu lò đốt rác đa năng sử dụng công nghệ Envinam đã phần nào ghi danh vào một trong các phương pháp xử lý chất thải rắn theo hướng giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng với thương hiệu “Made in Vietnam”.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT