web analytics

Chuyển đổi số báo chí Việt Nam: Hành trình 3 thập niên nhìn lại và triển vọng trong vũ trụ số 20/06/2022

(KDPT) – Khi tờ báo điện tử đầu tiên, Chicago Tribune, được ghi nhận ra đời vào tháng 5/1992, ít ai dự đoán được sự thay đổi của toàn bộ lĩnh vực báo chí truyền thông toàn cầu đã diễn ra mạnh mẽ như thế nào trong suốt 30 năm qua.

Ở góc độ hàn lâm, những thay đổi đó cũng tạo ra bước chuyển trong nghiên cứu học thuật về báo chí và truyền thông số, mà hầu như năm nào cũng có những dự đoán mới, những chủ đề mới, và những từ khóa mới.

Ba mươi năm ra đời của báo chí số

Sự xuất hiện của báo điện tử, mà trong bài viết này gọi chung là báo chí số lần đầu tiên là khoảng đầu thập niên 1990. Đến nay đã gần chẵn 30 năm. Gần 3 thập kỷ nhân loại chứng kiến những thay đổi vĩ đại trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, mà trọng tâm chính là báo chí. Đi liền với đó, những nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu thực tiễn cũng nở rộ với hàng loạt công trình của giới hàn lâm.

Theo một tổng kết từ hơn 10 năm trước của Mitchelstein và Boczkowski (2009), thì các nghiên cứu ở quy mô quốc tế về báo chí số tập trung vào những phương diện chính sau đây: Bối cảnh lịch sử và bối cảnh thị trường; Quá trình phát triển và tiến bộ; Những thay đổi trong hoạt động thực tiễn; Những thách thức đối với quy chuẩn nghề nghiệp; Vai trò của công chúng và nội dung sáng tạo bởi công chúng.

Mặc dù thời gian ba thập niên là khá đủ dài, nhưng vẫn không có sự thống nhất một tên gọi đối với báo chí số. Trên thế giới, hay cũng như ở Việt Nam, tồn tại nhiều cách gọi khác nhau về loại hình này: báo mạng, báo điện tử; hay các thuật ngữ liên quan như: truyền thông Internet, báo chí đa phương tiện.

Tuy nhiên, theo các học giả quốc tế, tên gọi “báo chí số” là phù hợp hơn cả, khi nó bao hàm cách hiểu rộng nhất về báo chí dựa trên nền tảng số để hoạt động và cũng sẽ bao gồm không chỉ báo điện tử, mạng di động mà cả truyền hình số (digital television) và phát thanh số (digital radio).

Cách gọi này cũng phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, một chủ đề đang được bàn rất nhiều trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong khoảng vài năm gần đây, mặc dù, sự ra đời và vận hành theo hướng số hóa – nghĩa đơn giản, cấp độ đầu tiên của chuyển đổi số – đã khởi đi từ lâu.

Những hướng nghiên cứu liên lục thay đổi và làm mới

Ít có lĩnh vực nào kích thích nhiều chủ đề nghiên cứu như báo chí số, nhưng cũng đồng thời chính đối tượng nghiên cứu phức tạp và biến thiên nhanh chóng này sớm làm cho nhiều nghiên cứu và quan điểm, góc nhìn khoa học trở nên lỗi thời.

Ở góc độ công chúng/người dùng, những từ khóa lúc mới xuất hiện nghe rất “ghê gớm”, có thể làm thay đổi, đảo lộn vai trò chủ thể của báo chí trong hoạt động truyền thông, như báo chí công dân hay dịch vụ giao khoán cho đám đông để nói về việc người dùng tham gia hoặc sản xuất nội dung. Tuy nhiên, những cách gọi này cúng sớm bị thách thức do môi trường truyền thông ngày càng thay đổi sâu sắc, mà ở đó, báo chí số và các loại hình truyền thông số khác cùng tham gia trong không gian rộng lớn của truyền thông xã hội.

Mặc dù có sự thay đổi và làm mới liên tục, nhất là trên phương diện quan niệm, góc nhìn, góc tiếp cận với những khả thể mới, những ứng dụng mới, nhưng nhìn chung một số chủ đề đang thịnh hành hiện nay của báo chí số vẫn đã và đang tiếp tục được giới học thuật quan tâm nhiều và chiếm không gian thảo luận hàn lâm nhất, phải kể đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí số, báo chí dữ liệu, báo chí di động, báo chí nhúng, gắn liền với ứng dụng của công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường.

Ở góc độ thực hành, nghiên cứu về cách kể chuyện trên nền tảng số, hoặc kể chuyện đa phương tiện, luôn là một chủ đề hấp dẫn các nhà nghiên cứu, đặc biệt cho thấy sự giao thoa giữa báo chí số với các phương tiện truyền thông số khác, kể cả marketing.

Những triển vọng nghiên cứu mới

Nghiên cứu về báo chí số nói riêng và chuyển đối số nói chung chắc chắn là phụ thuộc nhiều vào những dự báo, cũng như sự thay đổi của bản thân nền công nghiệp này trên thực tế. Báo cáo xu hướng mới nhất của Viện Nghiên cứu Reuters năm 2022, chỉ ra một số điểm nhấn quan trọng, trong đó nổi bật là xu hướng thu hút nhân tài quay trở lại với tòa soạn cho chiến lược cạnh tranh hậu Covid-19.

Về phía loại hình báo chí số, cũng như sự lựa chọn của công chúng, báo cáo cũng cho thấy sự lên ngôi của phát thanh số, khi loại hình podcast này ngày càng được đón nhận rộng rãi trên các nền tảng tin tức.

Cũng trong vấn đề liên quan đến tái cơ cấu tòa soạn, báo cáo của Reuters và nhiều nghiên cứu trên thế giới đã bàn đến mô hình “ghép lai”, tức là tòa soạn nửa trực tiếp, nửa trực tuyến, do áp lực từ việc thích ứng với thời kỳ khủng hoảng đại dịch Covid 19.

Chiếm vị trí trung tâm trong các dự báo thời gian tới, không có gì đáng ngạc nhiên, đó chính là những vấn đề đang nổi bật hiện nay như: trí tuệ nhân tạo AI, blockchain, Web3 hay Metaverse.

Liệu con người và những giá trị nhân văn thực có vượt qua được lần chuyển đổi này không, hay sẽ nhường quyền cho thế giới ảo? Chúng ta đã từng lo lắng và đến giờ đã vượt qua sau những lần các làn sóng số nổi lên, nhưng lần này thì chưa biết.

Theo KDPT