web analytics

Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh: Phải thận trọng! 25/06/2019

(KDTT) – Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm, nguồn vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 2 tỷ USD, trong đó riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tác động của căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và Việt Nam cần thận trọng trong việc giám sát dòng vốn này.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. LÊ ĐĂNG DOANH: Rà soát ưu đãi để tạo môi trường bình đẳng

Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến nhiều mặt hàng có nhãn hiệu Trung Quốc bị đánh thuế cao khi vào Hoa Kỳ. Do vậy, nhiều nhà đầu tư sẽ có xu hướng chuyển đến Việt Nam để có nhãn mác “Made in Viet Nam”, tránh bị đánh thuế cao như với hàng từ Trung Quốc. Đây là cơ hội rất thuận lợi cho Việt Nam. Theo đó, hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị phần Hoa Kỳ do hàng Trung Quốc không thể vào được vì bị đánh thuế cao. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối để cung cấp các phụ kiện, phụ tùng hợp pháp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao trình độ công nghệ cũng như quản trị doanh nghiệp của mình.

Để nắm bắt được cơ hội từ làn sóng FDI đổ vào Việt Nam, chúng ta cần phải chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, hoàn thiện môi trường kinh doanh… Đồng thời, doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, trình độ nguồn nhân lực để thu hút hiệu quả, tăng cường hợp tác. Bên cạnh đó, phải chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để phục vụ sản xuất công nghiệp. Hơn hết, Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai đối với FDI để tạo môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Rõ ràng, cơ hội là rất lớn nhưng cũng cần lưu ý rằng, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc càng căng thẳng càng khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ gặp khó khăn. Trung Quốc sẽ cần một nơi trung gian để làm bàn đạp xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Nếu những mặt hàng có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam quá thấp, bị Hoa Kỳ phát hiện thì có khả năng mặt hàng đó sẽ rơi vào sự trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ. Do đó, chúng ta cần phải thận trọng trong việc giám sát dòng vốn đầu tư FDI, trong đó có FDI Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế NGÔ TRÍ LONG: Đánh giá cụ thể từng doanh nghiệp FDI

Việc vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng rất nhanh thời gian qua có nhiều lý do, trong đó theo tôi, lý do chủ yếu là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải di dời khỏi Trung Quốc đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, dù doanh nghiệp FDI đến từ bất kể đất nước nào thì chúng ta cũng đều phải đánh giá cụ thể từng doanh nghiệp để xem họ làm ăn có nghiêm túc, cùng phát triển, có công nghệ thân thiện môi trường hay không. Đồng nghĩa, phải có tiêu chí rõ ràng để chọn lựa nhà đầu tư. Nếu làm được như vậy mới bảo đảm chọn được nhà đầu tư tập trung vào ngành công nghệ cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng như mong muốn.

Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân PHẠM THẾ ANH: Nhiều rủi ro

Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ đáp ứng tầng vốn giúp gia tăng sản xuất trong nước. Nhưng vấn đề là đóng góp giá trị của Việt Nam vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay rất thấp. Do đó, việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam gần đây có nhiều rủi ro. Một là, trước đây Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc thì nay chắc chắn sẽ còn tăng nhập khẩu này hơn nữa. Hai là, doanh nghiệp FDI của Trung Quốc đem theo những công nghệ không cao như những nước phát triển khác, do vậy nguy cơ gây ra những vấn đề về ô nhiễm môi trường. Ba là, họ sẽ kéo lao động sang Việt Nam.

Thực tế, từ trước đến nay chúng ta được hưởng lợi từ FDI của Trung Quốc rất hạn chế. Họ chủ yếu vào Việt Nam để tận dụng lao động giá rẻ và những tiêu chuẩn về giám sát môi trường thấp hơn để chi phí rẻ hơn, trong khi chúng ta chỉ đóng góp lao động khâu lắp ráp. Hơn nữa, FDI của Trung Quốc vào ồ ạt sẽ khiến nguy cơ cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước rất lớn.

Đặc biệt, rủi ro quan trọng nhất là Trung Quốc có thể lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm theo cách thức là: Họ sẽ đưa những sản phẩm có giá trị chiếm tới 70% – 80% từ Trung Quốc nhập sang Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ chỉ đóng góp khoảng 20 – 30% giá trị sản phẩm với những công đoạn rất đơn giản, sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ để tránh bị đánh thuế cao như với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể rơi vào “tầm ngắm” của Hoa Kỳ trong việc nhập khẩu, bị nước này áp thuế chống bán phá giá hoặc trừng phạt thương mại như với Trung Quốc hiện nay.

Do đó, một mặt chúng ta phải kiểm tra nghiêm ngặt các FDI Trung Quốc vào Việt Nam. Mặt khác, các cơ quan chức năng phòng chống gian lận thương mại, cơ quan kiểm tra xuất xứ hàng hóa phải kiểm tra sát sao nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch vào Việt Nam. Bên cạnh đó, phải tăng cường giám sát về chất lượng môi trường đối với các doanh nghiệp FDI, quản lý lao động nhập khẩu trái phép.

Nguồn KDPT