Gần gũi thiên nhiên – Giá trị bất biến trong kiến trúc của người NhậtChuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh |
Chỉ cần chúng ta không “giả đò nói dối”
Tôi đang nói về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, qua góc nhìn của một nhà báo điều tra – đã tìm hiểu cặn kẽ, tố cáo và cơ quan chức năng đã xử lý bằng nhiều… án tù dành cho kẻ vi phạm. Toàn những bài toán dường như có đáp số từ lâu, ta chỉ cần thật thà hành động là đâu khắc có đó. Nói vậy, tôi có lạc quan một chiều quá không?
Qua các vụ phá rừng khủng nhất Việt Nam mà chúng tôi điều tra, đăng báo, có thể thấy rừng đã được bảo vệ rất “được chăng hay chớ”. Rừng nghiến cổ thụ ở xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, Hà Giang, nửa ngày lội bộ mới tới được hiện trường. Kiểm lâm đến đó mỗi tháng một lần đã khó, chứ đừng nói canh gác ở đó để kịp thời ngăn chặn lâm tặc. Một người giữ cả nghìn héc-ta rừng già, trong khi nhà tôi ở đô thị có 70 m2, cửa trước cửa sau còn chưa kiểm soát chặt nổi; thế nên, nếu ai đó có ý định vác cưa máy ngoại nhập lắp giảm thanh vào cưa gỗ, thì có giời ngăn được. Và lực lượng kiểm lâm với các trạm gác, án ngữ các lối cửa rừng là mấu chốt cho bài toán giữ rừng ở đây. Một cây gỗ bị cưa hạ có đường kính 2,7 m; số gỗ khổng lồ được bầy “kiến tha lâu cũng đầy tổ” xông tới, họ gặm dần, vác dần, rồi tập kết ở đường lớn đem đi tiêu thụ.
Vết cưa xẻ gỗ nghiến cổ thụ làm thớt vẫn còn mới nguyên khi chúng tôi có mặt, đường dây khai thác vận chuyển gỗ này đã bị bắt, các đối tượng bị xử mức án tổng cộng 64 năm tù. |
Vậy các trạm gác cửa rừng có camera giám sát kia, có phát hiện ra lâm tặc được không? Không khó để biết nếu cơ quan chức năng thật sự muốn biết. Chỉ tiếc, sau khi hơn 10 người đi tù vì vụ phá rừng trên (tổng số năm tù dành cho các bị cáo là 64 năm), làm tổn thất 800 m3 gỗ nghiến cổ thụ, thì 3 kiểm lâm viên, trong đó có một trạm trưởng cũng bị bắt giam. Bí thư, rồi Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cũng bị kỷ luật. Giám đốc khu Rừng đặc dụng Du Già kể trên thì bị cách toàn bộ chức vụ.
Rừng nghiến cổ thụ ở Hà Giang bị tàn phá suốt nhiều năm. |
Hoá ra mấu chốt là đạo đức công vụ. Dân biết hết, cán bộ chuyên trách cũng biết hết. Một người giữ rừng lão luyện, họ còn biết rõ trong “sổ đen” ai hay phá rừng, ai ngồi chơi điện thoại trong đêm theo dõi họ mỗi khi ra quân mở chiến dịch. Đừng nói là không thể giữ được rừng.
Tương tự, cái tai hại gây công phẫn bậc nhất bây giờ trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học là kích điện, giã nhủi, xiết điện, các thiết bị dùng điện áp cao “dí” vào nước của sông, suối, hồ, biển. Củ ắc quy kích công suất điện lên đến nghìn vôn. Dùng sào dòng dây điện, dí một cái, cá nhỏ nổi trắng, cá to cả chục cân cũng lồng lộn trồi lên, lươn, trạch, ba ba, rắn nước từ dưới bùn sâu cũng “bật ngửa” chui vào vợt của người cầm kích đứng trên tàu thuyền. Có loại kích lạnh, cá to, khoẻ, cá dưới bùn sâu 20 m tính từ mặt nước, trong bán kính 10 m mặt nước, chết hết. Họ bán thiết bị huỷ diệt trên công khai trên internet, họ vác kích đi khắp Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành, kích gần khuôn viên UBND xã, trước đường lớn giữa thanh thiên bạch nhật.
Nhiều tỉnh thành, huyện thị, xã phường cùng ra quân nhưng đâu lại vào đấy. Chúng ta có đầy đủ chế tài xử lý các đối tượng trên, nhưng vì sao sau bao năm vẫn vậy? Thật sự chúng ta có muốn bảo vệ môi trường sống của mình không hay chỉ là hô hào?
Vẫn lại là (tôi nhấn mạnh một lần nữa) câu chuyện nghiêm minh luật pháp, thực tâm vào cuộc và coi trọng môi trường sống và đa dạng sinh học. Khi hệ sinh thái bị phá vỡ, đứt gẫy, thì con người cũng không có chỗ mà sống được nữa. Dịch bệnh sẽ phát triển tràn lan, thảm hoạ thiên nhiên sẽ giày xéo Trái đất này. Nếu hiểu thế, bạn sẽ nghĩ rằng, mình hành động vì mình và vì phần còn lại của thế giới. Không giả đò nữa. |
Gần đây, chúng tôi cho đăng tải các bài báo đầu tiên về nạn tàn sát chim trời, những “thủ phủ” la liệt nhà hàng bán chim hoang dã để giết thịt đánh chén tại chỗ, những tụ điểm buôn bán số lượng lớn mang về cấp đông ăn dần. Chúng tôi tố cáo, thậm chí dẫn các đồng chí công an, kiểm lâm đi xử lý sai phạm ở hơn 10 tỉnh thành. Ở Hà Nam, ở Bắc Ninh và nhiều đô thị khác, các “gia tộc” có hệ thống nhà hàng đặc sản chim trời lớn mở “đại lý” ở khắp các tỉnh thành, từ Hà Nội đổ đi… Mỗi ngày, người ta giết cả vạn chim hoang dã trong một nhà hàng. Một lần giao dịch bằng xe khách hay xe máy, “đơn hàng” lên tới… 10 nghìn con chim trời. Trong khi đó Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có đủ các quy định, các Chỉ thị về bảo tồn chim hoang dã, với chế tài xử lý rất quyết liệt. Kể cả động vật thông thường (chưa nói trong Sách đỏ, trong danh mục được bảo vệ) cũng bị ngăn chặn. Mức phạt tùy theo số lượng, cao nhất lên đến tiền tỷ và phạt tù “mọt gông”.
Vậy, quy định chặt chẽ có đủ, sao không ai thực thi? Chúng tôi đứng ra thành lập Chi hội Bảo tồn và Nghiên cứu Chim hoang dã Việt Nam, quanh năm lên mạng xã hội điều tra các ổ nhóm bẫy, bắt, buôn bán, giết thịt chim trời quy mô lớn. Rồi cạy vạy, tố cáo, dẫn đường cho cơ quan chức năng đi thực thi luật pháp, nhưng quá sức nản. Ít ai vào cuộc hoặc vào cuộc chốc lát rồi rút quân, đâu lại vào đó. Chúng tôi dẫn Đội đặc nhiệm, Cục Kiểm lâm Việt Nam vào “Địa ngục chim trời” trong huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An để xử lý các trùm buôn bán chim hoang dã (cả một khu chợ tồn tại công khai ven quốc lộ đã nhiều năm). Chúng tôi làm việc trực tiếp với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cơ quan chức năng đồng ý lắp camera giám sát chợ chim trên. Nhưng than ôi, nhà báo và kiểm lâm ngoài Hà Nội lên máy bay rồi, ai lại về vị trí nấy. Bán tiếp!
Chim công ở khu Ramsar Bàu Sấu, Vườn Quốc gia Cát Tiên. (Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiệp) |
Trang Nguyễn – một nhà bảo tồn nổi tiếng vừa hoàn thành luận án tiến sỹ ở Vương quốc Anh, mới đây vừa sang nhận giải thưởng của Hoàng gia Tây Ban Nha. Trước đó, Trang cũng được trao giải thưởng danh giá Future For Nature trị giá hơn 50 nghìn USD. Trang đã sáng lập và là Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã (WildAct). Bạn trẻ sinh năm 1990 ấy và cộng sự đã ra quân, tuyển tình nguyện viên đi điều tra các điểm có nạn bẫy, bắt, buôn bán chim trời ở khắp đồng bằng sông Hồng. Họ định vị từng điểm, chụp ảnh quay phim từng sai phạm, gỡ từng mét lưới giải cứu chim. Bao công sức, bao ngày tháng theo đuổi, thậm chí có lần Trang bị ô tô đâm cho bất tỉnh, nhưng đi tố cáo thì… ít ai ủng hộ. Cán bộ bảo “tôi bận”, “bắt lũ chim vi phạm của người ta rồi nhốt ở đâu, cho chúng ăn uống thế nào… Thôi, để tôi đi làm việc khác”. Tiu nghỉu nhưng các bạn trẻ vẫn không dừng việc đi “gõ cửa” cơ quan chức năng.
Vẻ đẹp của tự nhiên dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Hiệp. |
Bản chất câu chuyện là gì? Là loạt bài “Đột kích các Tổng kho hành quyết chim trời lớn nhất Việt Nam” của chúng tôi đăng xong (và sau đó được trao các giải thưởng báo chí), chúng tôi mạnh dạn mời các đồng chí công an và kiểm lâm đến hiện trường. Tại đây, trước các dấu hiệu chây ì của ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh, tôi đã gọi điện thoại cho vị lãnh đạo tỉnh Hà Nam, trân trọng “gửi tư liệu” và đề nghị đưa cán bộ hữu trách vào cuộc. Nhưng, họ đến, lập biên bản, bắt giữ một phần tang vật do chúng tôi điều tra tố cáo, còn đâu trả lại cho nhà chủ, số ít chim trời thả về tự nhiên để… quay phim. Các tụ điểm khác vẫn hoạt động y nguyên. Và nhà hàng khổng lồ – nhốt và giết vô số chim hoang dã, có cả diệc xám, bồ nông nặng vài cân ấy vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi “đoàn liên ngành” đang có mặt xử lý sai phạm. Ông chủ dõng dạc nói trong video quay lén của chúng tôi trước đó “Đủ các ban ngành đến đây ăn chim trời của chúng tôi”. Sau này ông còn thừa nhận giữa lúc cơ quan chức năng xử lý, bếp nhà hàng của ông vẫn giết chim, vẫn lên mâm, thực khách vẫn ăn… như tằm ăn rỗi.
Khi mà Luật đã quy định rõ về mức phạt đối với các hành vi bắt, bẫy, buôn bán, giết mổ chim hoang dã, thì việc mặc kệ vi phạm tràn lan như lâu nay đã làm xói mòn niềm tin của các chuyên gia tâm huyết và bà con trong công tác bảo tồn. |
Hãy nghiêm minh như xử lý vi phạm nồng độ cồn
Làm nghiêm và phạt nặng. Bao năm, có ai nghĩ, đến một ngày ai đi mô tô ra đường cũng đội mũ bảo hiểm. Tết không đốt pháo. Lái ô tô thì cấm uống giọt rượu bia nào. Cứ làm nghiêm và làm minh bạch là xong.
Nhắc đến vụ giải cứu hổ lớn nhất lịch sử Việt Nam từng được biết đến. Từ tài liệu điều tra mà chúng tôi gửi tới cơ quan công an, chuyên án của Công an tỉnh Nghệ An đã giải cứu 24 cá thể hổ, trong đó có 17 con hổ trưởng thành nặng hai ba tạ, nuôi trái phép trong chuồng kín dưới lòng đất ở xã Đô Thành, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. 7 cá thể hổ được giải cứu, khi công an chặn một chiếc xe tải tình nghi trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hai đối tượng ở Hương Sơn, Hà Tĩnh vận chuyển đàn hổ nhỏ đi bán (họ đã lĩnh án 9 năm tù). Số hổ đó, ngoài 9 cá thể khổng lồ đã chết do gây mê quá liều khi đánh án (làm tiêu bản trưng bày ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam); còn lại 8 cá thể đang được chăm sóc, trưng bày, phục vụ tham quan nghiên cứu ở Vườn thú Thủ Lệ, Hà Nội; và 7 cá thể hổ con (nay đã trưởng thành) thì sống ở khu bán hoang dã, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình).
Hổ được nuôi trái phép trong chuồng kín dưới lòng đất ở Nghệ An. |
Phía sau vụ việc này là gì? Là “chiến công” (loạt bài đã đoạt giải A, Giải Báo chí Quốc gia) của chúng tôi cũng xuất phát từ toàn những điều… ai cũng biết. Chả kỳ bí gì cả. Khắp cả nước, đi đâu cũng thấy giới có tiền nói chuyện mua hổ nguyên con, mua xương hổ về chung một nồi cao, vam khoá nồi, canh 24/24 rồi cùng làm món tráng nồi hỉ hả. Chúng tôi vào làng đó, vài ông chào mời, chém gió tơi bời. Cán bộ huyện bảo không biết gì nạn nuôi hổ trong nhà dân. Trong khi đó, từng “chủ đầu tư nuôi hổ” cho biết, họ bỏ tiền ra, mua hổ con (hổ giống) về, bao tiêu sản phẩm. Có gã mua cả container sừng tê giác và xương sư tử, ngà voi từ Châu Phi về, giàu nứt đố đổ vách. Có gã sang Lào lập trang trại gà để phục vụ chúa sơn lâm trong trang trại hổ.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong trả lời phỏng vấn chúng tôi quanh vụ này, đã nêu rõ quan điểm: nuôi 14 con hổ trong một gia đình. Hổ nó gầm, nó đánh nhau, trái gió giở giời hay hứng chí nó… ghẹo nhau thì rầm trời chứ. 14 con hổ, mỗi con 2 đến 3 tạ, chúng ăn mỗi bữa hết bao nhiêu con bò, lúc xuất bán bao nhiêu cái xe tải lùi vào con ngõ ấy? Vậy mà chính quyền cơ sở không biết, tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương liệu có “tê liệt” hay không?
Hơn 200 cảnh sát cơ động và cơ quan hỗ trợ ập vào, gây mê và khiêng 17 cá thể hổ trưởng thành nặng mỗi con vài trăm ký ra khỏi “ngục tối”. Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết người phụ nữ nuôi hổ trong nhà kia là vợ một công an viên bán chuyên trách của xã Đô Thành. Người trực tiếp nuôi hổ trong gia đình ấy đã bị tuyên án tù, thử hỏi vị cán bộ là chồng cô ấy có biết việc làm của vợ mình và có liên đới gì không?
Ngay sau đó, ông Ngô Văn Quân – đương kim Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cũng bị phát hiện đang giết mổ nấu cao một cá thể hổ rồi lĩnh án 3 năm tù.
Vậy là qua phân tích ở trên, có thể thấy, người ta biết hết việc nấu cao hổ là sai, nuôi hổ là không đúng, giết hại chim trời làm đặc sản là phi pháp nhưng họ vẫn làm. Họ làm công khai hoặc bán công khai, quá dễ dàng để điều tra ra chân tướng (đôi khi chỉ cần giả làm khách hàng). Nhưng vấn đề thực thi luật pháp ở đâu đó, thời điểm nào đó… còn quá nhiều kẽ hở.
Da hổ được rao bán lén lút. |
Bây giờ, chỉ có xiết chặt quản lý, đi sâu, điều tra, giám sát, xử lý nghiêm không có vùng cấm. Nếu làm thẳng băng được, thì còn gì bằng. Rừng già có cửa rừng, thú lớn có tiếng gầm… Bởi thế giới này, không một ai muốn rừng bị phá, muông thú bị thảm sát để con người sống trơ khấc cùng bê tông với các hiện tượng thời tiết cực đoan đầy giết chóc.
Đạo đức và Luật pháp. Hai gọng kìm ấy, đúng với mọi lĩnh vực, đặc biệt, với Việt Nam ta, ở đây là câu chuyện về bảo tồn đa dạng sinh học, giữ rừng, giữ các loài muông thú. Nếu ai đó, lực lượng nào đó đã hành động mà còn lực bất tòng tâm thì chúng ta bổ sung thêm nhân tài vật lực. Chỉ sợ nhất là những kẻ nói là bất lực, nhưng thật ra họ ngồi im, hoặc trục lợi, hoặc bàng quan mặc kệ tất cả. Những kẻ đó, ngoài nâng cao khả năng thực thi, đạo đức công vụ, cũng cần đưa ra ánh sáng xử lý nghiêm minh, nếu có đủ tài liệu. |
Từ lâu, thế giới đã hiểu rằng để một con tê giác, con sư tử, con hổ, một tàng cây cổ thụ sống nguyên sinh trong rừng, rồi phát triển du lịch và giáo dục “về nguồn” thì chúng sinh lời (cả vật chất và tinh thần) hơn rất nhiều lần so với giết thịt, nấu cao, đẵn đổ các “linh vật” ấy. Để người ta thực tâm tuân thủ, thì cần giáo dục ý thức môi trường, đạo đức ứng xử với các giá trị chung – nhân văn của nhân loại tiến bộ. Nhưng khi ý thức của ai đó còn quá kém thì cần chế tài luật pháp nghiêm minh, củ cà rốt không thuyết phục được thì phải có cây gậy./.
NHÀ BÁO ĐỖ DOÃN HOÀNG
https://kinhdoanhvaphattrien.vn/bao-ve-thien-nhien-bai-toan-co-dap-an-tu-lau-33558.html