Lợi thế và tiềm năng của Việt Yên

Huyện Việt Yên nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang. Địa bàn huyện có các tuyến giao thông quan trọng đi qua. Đặc biệt, Việt Yên còn nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, gắn với hành lang phát triển kinh tế trên tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, thông thương hàng hóa, thu hút vốn đầu tư, tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế đa dạng. Hiện nay, Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất của tỉnh Bắc Giang.

Huyện Việt Yên có truyền thống văn hoá phát triển lâu đời với 101 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (đình Đông, chùa Bổ Đà). Phần lớn các công trình này đều mang nét đẹp tâm linh với kiểu dáng kiến trúc độc đáo.

Khu trung tâm huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh Danh Lam

Ngoài ra, Việt Yên còn là huyện có nhiều làng quan họ, trong đó có 5 làng quan họ gốc được UNESCO vinh danh; những lễ hội văn hóa dân gian truyền thống vô cùng sinh động mang nhiều màu sắc như: lễ hội vật cầu nước, lễ rước Thành hoàng làng Thổ Hà, hát chầu văn, hát quan họ trên sông Cầu… Với những lợi thế ấy, Việt Yên có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, hội tụ cả du lịch tâm linh, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, văn hóa xã hội chuyển biến tích cực

Tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định huyện Việt Yên nằm trong vùng trọng điểm (vùng Tây Nam) của tỉnh Bắc Giang về kinh tế. Động lực phát triển chính là công nghiệp, dịch vụ, đô thị, có sức lan tỏa mạnh, lôi kéo phát triển các vùng khác; hướng đến thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đô thị có quy mô vùng, liên kết không gian công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa với các tỉnh, thành phố, khu vực xung quanh và để khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài.

Sau nhiều năm phấn đấu, xây dựng và phát triển, đến nay kinh tế của huyện Việt Yên duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2020 – 2022 đạt 20,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tăng tỷ trọng Công nghiệp, giảm tỷ trọng Dịch vụ, Nông nghiệp.

Khu công nghiệp Quang Châu – Việt Yên ( Bắc Giang) . Ảnh Danh Lam

Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được tăng cường.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 76%. Số hộ nghèo giảm 454 hộ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn huyện là 1,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 68,4 triệu đồng/người/năm, cao hơn 1,24 lần so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước (55,2 triệu đồng); tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Với mục tiêu xây dựng Việt Yên trở thành huyện trọng điểm về công nghiệp, hiện tại, trên địa bàn huyện Việt Yên có KCN Quang Châu, KCN Vân Trung, KCN Đình Trám, KCN Việt Hàn; các cụm làng nghề Vân Hà, cụm công nghiệp Việt Tiến, cụm công nghiệp Hoàng Mai… Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời nổi tiếng, điển hình như: sản xuất rượu ở làng Vân, sản xuất mây tre đan ở xã Tăng Tiến, sản xuất bánh đa nem ở làng Thổ Hà…

Sự phát triển mạnh mẽ từ các khu, cụm công nghiệp cũng như các làng nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nguồn việc làm ổn định, giải quyết nguồn lao động dôi dư tại địa phương và thu hút nguồn lao động từ các khu vực lân cận đến làm ăn, sinh sống, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.

Nâng cao vị thế Việt Yên

Thực hiện đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Việt Yên đến năm 2035, đến nay huyện Việt Yên có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng; các khu dân cư được chỉnh trang và hình thành thêm nhiều khu dân cư mới, góp phần thay đổi diện mạo đô thị của tỉnh Bắc Giang. Huyện Việt Yên đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Bắc Giang tại Quyết định số 1286/QĐ-BXD ngày 29/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển của huyện Việt Yên cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được tập trung giải quyết như: quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phòng chống các tệ nạn; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường… Theo đó, mô hình chính quyền nông thôn ở huyện như hiện nay không đủ khả năng để quản lý địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Vì thế, cần thiết lập mô hình quản lý theo chính quyền đô thị là thị xã để quản lý cho phù hợp.

“Việc thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là cần thiết, từng bước cụ thể hóa các quy hoạch phát triển chiến lược của tỉnh và của huyện đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, việc thành lập thị xã Việt Yên có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ; đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý hành chính nhà nước đối với địa bàn phát triển và tốc độ đô thị hóa cao trong thời gian qua. Đây cũng là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu” – theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đại Lượng.

Theo KDPT