web analytics

Thủ tướng muốn Chính phủ chia sẻ rủi ro với startup 30/11/2018

(KDTT) – Những nút thắt về cơ chế tài chính, vốn, thủ tục thử nghiệm sản phẩm mới của startup được Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chia sẻ.

Chiều 29/11, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Trung ương Đoàn, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… lắng nghe kiến nghị từ các startup và nhà đầu tư.

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” Ban tổ chức đề nghị dành thời gian tối đa cho việc chỉ rõ thực trạng bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam và kiến nghị những giải pháp đột phá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Là người đầu tiên nêu ý kiến, bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) khẳng định Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Từ năm 2012 khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam ít người biết đến, nay vươn lên thứ ba trong các nước Asean, chỉ sau Singapore cả về tốc độ phát triển doanh nghiệp cũng như hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Bà Thạch Lê Anh nêu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Đông.

Với vai trò hỗ trợ startup và là nhà đầu tư, bà Lê Anh khẳng định có nhiều khó khăn khiến các nhà đầu tư thiên thần (người bỏ vốn mồi đầu tiên) e ngại. Hiện chưa có chính sách ưu đãi thuế cho đối tượng này và các chính sách đầu tư tài chính để họ sẵn sàng bỏ vốn. Trong khi giai đoạn vốn mồi rất quan trọng với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đồng tình quan điểm này ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Đại diện quỹ đầu tư CyberAgent Ventures tại Việt Nam cho rằng thị trường Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Lý do ở những thị trường hơn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc các nhà đầu tư không có cơ hội và không đủ nguồn vốn. Họ hướng đến Việt Nam vì có nhiều cơ hội đầu tư hơn

Thế nhưng nút thắt không chỉ ở giai đoạn đầu tư ban đầu và khi cần nhiều vốn hơn để doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận các thủ tục lâu, nhiều quy định khó khăn cũng khiến nhà đầu tư e ngại. Nhà đầu tư luôn đặt câu hỏi nếu đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam thì làm sao để họ thoái vốn.

“Những khó khăn này khiến doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội. Đây là những nút thắt cổ chai cho cả từ nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Dũng nói.

Các ý kiến khó khăn về thu hút vốn được nhiều đại diện nhà đầu tư, startup liên tục gửi đến Thủ tướng. Với doanh nghiệp khởi nghiệp vòng đời ngắn trong khi thủ tục để giải ngân mất 6 tháng đến một năm khiến các nhà đầu tư nản và các startup mất đi cơ hội.

Cần không gian riêng ứng dụng công nghệ mới

Nêu khó khăn của các startup, ông Đàm Quang Thắng, Trưởng làng Nông nghiệp nói kỹ hơn trong thủ tục đưa sản phẩm vào thử nghiệm.

Theo ông Thắng, khởi nghiệp sáng tạo đa số dựa vào giải pháp công nghệ mới. Tuy nhiên các sản phẩm, giải pháp công nghệ của các startup vẫn đang xếp chung với các sản phẩm công nghệ truyền thống nên phải áp dụng đúng quy trình thử nghiệm, ứng dụng mất rất nhiều thời gian.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Đông.

“Nếu không có cơ chế đặc thù thì rất khó ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế. Cần có một con đường riêng, cơ chế đặc thù để ứng dụng công nghệ mới của startup”, ông Thắng nói về đề nghị Thủ tướng tạo một không gian ứng dụng để các startup có cơ hội ứng dụng thử sản phẩm để người dùng đánh giá trước khi bán ra thị trường. Nếu họ có cơ chế bán sản phẩm trong vòng 2- 3 năm để đo sức hút thị trường thì chắc chắn các startup sẽ phát huy được hết năng lực và nhiệt huyết làm ra sản phẩm mới.

Ý kiến này được đại diện Vietinbank bổ sung, đơn vị này rất muốn đầu tư mua sản phẩm công nghệ mới của startup. Tuy nhiên hiện quy trình đấu thầu rất chặt, thủ tục kiểm tra tài chính cũng có nhiều bước.

“Nếu áp theo đúng các quy trình truyền thống thì các doanh nghiệp khởi nghiệp khó bán được sản phẩm cho những đơn vị sẵn sàng đầu tư cho họ. Phải có cơ chế để họ bán được giải pháp công nghệ mới”, vị đại diện Vietinbank nói.

Phải thay đổi ngay, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12

Lắng nghe kiến nghị của nhà đầu tư, startup, ý kiến từ các bộ, ngành Thủ tướng ghi nhận và yêu cầu bằng mọi cách phải tìm ra giải pháp tạo đột phá để các nhà khởi nghiệp sáng tạo bắt kịp xu thế chung.

Cho rằng đã khởi nghiệp là phải dám làm, dám chấp nhận thất bại để thành công, song Thủ tướng đồng tình phải có sự vào cuộc của các bên với quyết tâm tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sáng tạo lớn mạnh.

Khẳng định cần có khung pháp lý, giải pháp thiết thực hơn cho khởi nghiệp sáng tạo, từ hạ tầng, thị trường, luật pháp với những điều kiện thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước “mạnh tay” hơn trong mỗi nhiệm vụ của mình.

“Cần đổi mới mạnh mẽ tạo sân chơi cho các nhà khởi nghiệp. Chính phủ các bộ ngành, địa phương tạo mọi điều kiện chính sách, môi trường để các ý tưởng khởi nghiệp thành công”, Thủ tướng nói và chỉ đạo trong tháng 12 các bộ liên quan phải có báo cáo cụ thể những giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được nêu.

Hướng tháo gỡ theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, khởi tạo, chấp nhận chia sẻ một phần rủi ro với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” thu hút hơn 300 đại biểu là thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ đang có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sự kiện tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2018 (Techfest 2018) do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo VNE