“Vàng” trên núi đá

Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng na, thời gian qua, người dân huyện Chi Lăng và Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống na cho hiệu quả kinh tế cao.

Lạng Sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Vùng núi đá vôi Kai Kinh ở hai huyện Hữu Lũng và Chi Lăng là “vương quốc na” nơi đây. Diện tích trồng na trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 3.500ha, được trồng chủ yếu tại các huyện: Chi Lăng (khoảng 1.805ha), Hữu Lũng (khoảng 1.500ha), sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm.Với tổng diện tích gần 4.000 ha, cây na đã trở thành biểu tượng của nông sản Lạng Sơn với giá trị kinh tế hàng năm đều đạt từ 1.300 – 1.500 tỷ đồng. Nếu như trước đây, bà con canh tác theo kiểu tự nhiên, có đến đâu bán đến đó thì hiện nay cây na đã được chăm sóc bài bản hơn, quy mô hơn và đem lại giá trị cao hơn, tiêu biểu nhất là rải vụ.

Vùng kinh tế Hữu Lũng – Chi Lăng được xác định đây là vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp tập trung của tỉnh, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Hình thành vùng trồng rừng, chuyên canh tập trung cây ăn quả (vùng na Hữu Lũng – Chi Lăng)… gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Xen lẫn núi đá là những cây na xanh mướt, được người dân nơi đây trồng từ chân núi đến sườn núi. Màu xanh mướt mát che át màu đen của những sườn núi đá tai mèo, hàng trăm ngàn cây na vươn mình từ các khe đá, bò từ dưới chân núi lên các sườn cao. Có nơi na bò lên tới gần đỉnh núi. Vào sâu khu vực quốc lộ 1A cũ, na còn bạt ngàn hơn nữa. Do đặc điểm sinh trưởng cây na ưa vùng đồi núi dốc và đất ở vùng núi đá vôi, nên na là cây ăn quả đặc hữu của vùng núi nơi đây với chất lượng quả thơm, ngọt, không phải nơi nào cũng có được.

Để chuẩn bị cho mùa na có quả, tháng 11 -12 hằng năm, người trồng na đã tiến hành tỉa cành, để cây tập trung dinh dưỡng cho việc ra hoa vào mùa xuân, không tốn thức ăn để nuôi cành lá vô ích, đồng thời tăng khả năng chống chịu mưa gió, nhờ đó quả na sẽ không bị dập do va đập ở trên cao. Tháng 1 âm lịch năm sau là đến mùa bón phân cho na, để na chuẩn bị ra hoa vào mùa xuân. Mùa ra hoa đến, người nông dân trồng na lại trở thành những chú “ong thợ”, đi thụ phấn nhân tạo cho na để na ra quả như mong muốn… Thế nhưng mỗi cây na trung bình 1 năm cũng chỉ cho 70-100 quả là nhiều. Mỗi gia đình trồng na ở đây có 500-1.000 gốc na. Nhà nhiều thì có vài nghìn. Cây na khi bắt đầu chín thì thường chín rất rộ, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng là hết. Khi trái bắt đầu “ương” thì phải hái xuống ngay để đưa đi tiêu thụ. Chứ nếu để trái chín rồi mới hái thì dễ bị hỏng, không thể vận chuyển đi xa được. Vì vậy bước vào mùa thu hoạch na người trồng na hái không xuể, nhà nào cũng phải thuê thợ. Thuê thợ trẩy na, gánh na, rồi đưa theo ròng rọc xuống chân núi. Lái buôn sẽ mua ngay ở chân núi. Na bán tại chân núi giá khoảng 15.000-25.000/kg tùy loại. Có nghe những người dân trồng na ở đây chia sẻ chuyện trồng, chăm bón na, mới thấy để mang lại một trái na chín ngọt cho đời quả là một kỳ công, là bao nhiêu công sức lao động miệt mài suốt cả một năm dài.

Ông Lê Hải Dụng (khu Lũng Cút, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng), 1 trong những hộ trồng na tiêu chuẩn VietGAP chia sẻ, tính sơ sơ, ông lãi ít nhất 250 triệu đồng/ vụ na. Ông chia sẻ: “Tuy rằng na trồng trên núi đá có vất vả hơn nhưng cây na nó lại ưa đất đá vôi, quả thì thơm ngon, vì vậy, chúng tôi vẫn hay gọi vui là “vàng” trên núi đá. Na được mùa, được giá đã không chỉ giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp họ “ăn nên làm ra”.

Nâng cao giá trị thương hiệu đặc sản của người dân xứ Lạng

Lạng Sơn có vô vàn đặc sản ngon nức tiếng xa gần như phở vịt quay, thịt lợn quay, nem nướng Hữu Lũng, quýt Bắc Sơn, rượu Mẫu Sơn… Đặc biệt, vào những ngày đầu tháng 8 này, khi đến với xứ Lạng, bạn sẽ được thưởng thức đặc sản na Hữu Lũng – Chi Lăng. Trong những năm gần đây, du lịch gắn với các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đang trở thành hướng phát triển du lịch mới của tỉnh Lạng Sơn, bước đầu đã có những thành công nhất định. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp, gây dựng được thương hiệu cho du lịch nông nghiệp. Gắn với quả Na, Ngày hội Na Chi Lăng được tổ chức hàng năm đã tạo nhiều ấn tượng về Lạng Sơn đối với khách du lịch.

Những ngày đầu tháng 8, chợ na Đồng Bành (Chi Lăng, Lạng Sơn) lại tấp nập vào mùa. Hàng nghìn người mang na được thu hoạch tập trung về đây bán cho thương lái và xuất đi khắp nơi. Chợ bắt đầu mở từ giữa tháng 7, họp từ 4h sáng đến 11h, tập trung chủ yếu những hộ dân trồng na bản địa. Những thúng na đẹp vừa xuất hiện lập tức có lái buôn đến xếp hàng thu gom. Trước kia chợ họp hàng ngày hai bên đường quốc lộ 1A. Hiện nay, UBND huyện Chi Lăng đã quy hoạch khu đất rộng 1 ha để tiện cho bà con trao đổi buôn bán, đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Na Đồng Bành nổi tiếng thơm, ngọt đậm và ít có vị chua vì được trồng trên núi đá.

Huyện Hữu Lũng – Chi Lăng cũng đã tập trung và phát triển, mở rộng thêm diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để hướng tới việc xuất khẩu na sang một số thị trường ‘khó tính’ như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia; …tăng cường phối hợp và phát triển với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để đầu tư nghiên cứu thêm nhiều công nghệ bảo quản quả na sau thu hoạch cũng như tiến tới công nghệ chế biến sản phẩm từ quả na.

Để duy trì diện tích trồng và tăng thêm năng suất, sản lượng na đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, UBND huyện đã quyết định phối hợp với Sở KH&CN Lạng Sơn, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương để triển khai thêm nhiều đề tài nghiên cứu giúp phát triển, phòng trừ sâu bệnh cho na, chế biến và bảo quản sau thu hoạch, kéo dài thời vụ giống cây na. Kết quả rất tốt, cho đến nay đã có 1/4 diện tích cây na ra quả trái vụ. Đặc biệt, đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức điểm kết nối giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ na Chi Lăng tại thành phố Hà Nội .

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu văn Thanh – Chủ tịch Thị trấn Chi Lăng phấn khởi chia sẻ:“ Trên địa bàn thị trấn Chi Lăng trồng khoảng 405 ha cây na. Khách người ta tìm đến với sản phẩm na nơi đây nhiều, bởi vì đã có thương hiệu. Người trồng na luôn cố gắng để làm sao quả na có chất lượng ngon nhất, đảm bảo, sẽ không phải vất vả về vấn đề đầu ra như những năm đầu trồng cây na nữa. Giá bán na năm nay cũng ổn định từ đầu mùa cho đến thời điểm hiện tại. Trung bình khoảng 35-40 ngàn đồng/1kg na, bán cho thương lái các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Địa phương cũng đang tiến hành thực hiện chỉ dẫn địa lý đối với cây na, để cây na không chỉ có mặt ở trong nước mà có thể vươn mình ra các nước khác”.

Sản phẩm na Chi Lăng lọt vào top 50 trái cây đặc sản Việt Nam, được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017; được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam vinh danh và trao cúp vàng chứng nhận sản phẩm na Chi Lăng trong tốp 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018. Na Chi Lăng đã có mã số vùng ngăn ngừa giả mạo thương hiệu, công nhận sản phẩm na đạt OCOP 4 sao. Hiện nay, diện tích Na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha. Việc chuẩn hóa dữ liệu cấp mã số vùng trồng na góp phần ngăn ngừa giả mạo mã số vùng trồng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Qua đó, cung cấp sản phẩm có chất lượng an toàn và bền vững, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng.

Việc liên kết tạo thành vùng sản xuất không chỉ giúp người trồng na đứng vững trước giá cả thị trường mà còn giúp họ cải thiện từng chi tiết trong áp dụng các biện pháp kĩ thuật trồng trọt. Những hộ dân trồng na theo chuẩn VietGAP tại đây đều có chất lượng đồng đều, có chứng nhận của các cơ quan thẩm quyền. Điều này gần như tạo nên “thương hiệu” mà thương lái không thể ép giá. Đó là cách mà nông dân huyện Hữu Lũng, huyện Chi Lăng đã tự mình vượt qua điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, mang lại thu nhập tăng đều hàng năm.

Theo KDPT